PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Điều gì đang phủ “bóng đen” lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay?
Thứ ba: 07:29 ngày 19/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đang tề tựu tại cùng một địa điểm để tìm cách giải quyết các cuộc chiến và khủng hoảng đang lan rộng khắp toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo khác sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra vào ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro (Brazil).

Chương trình nghị sự bao gồm cuộc chiến chống đói nghèo, thúc đẩy tài trợ khí hậu và các sáng kiến đa phương khác. Nhưng đó không phải là tất cả những gì họ sẽ thảo luận. "Chủ đề thực sự là sự trở lại của ông Donald Trump", một nhà ngoại giao từ một quốc gia Tây Âu nói với tờ Politico hôm 18/11.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ không có mặt ở Hội nghị Thượng đỉnh G20, nhưng ảnh hưởng vẫn sẽ rất lớn với phương châm MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) khiến các đồng minh quốc tế lo ngại về khoảng trống lãnh đạo do Washington để lại.

Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng này khiến tương lai của G20 trở nên bất định, vì Tổng thống Mỹ tiếp theo đã nói rõ rằng ông ưu tiên các mối quan hệ song phương, giao dịch với các quốc gia khác thay vì xây dựng sự đồng thuận thông qua các tổ chức quốc tế.

"Tình hình đang ngày càng khó khăn hơn nhiều, tôi không nghĩ ông Trump sẽ chia sẻ cùng mục tiêu với ông Biden", ông Creon Butler, cựu Phó Đại sứ G20 của chính phủ Anh, cho biết.

Bên cạnh vấn đề với ông Trump, ông Butler cho rằng đang có một sự chia rẽ sâu sắc tại G20 khi các quốc gia thành viên được chia thành 4 nhóm: Một là Mỹ; Hai là các nước G7 khác, cùng với Hàn Quốc và Australia; Ba là các nước Nam Bán cầu; và Bốn là Nga với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thế giới đang cần nền tảng G20 hơn bao giờ hết, ông Butler nói.

Đến lúc G20 cần nêu gương lãnh đạo
Cuộc họp G20 ở Brazil đang diễn ra cùng thời điểm với Hội nghị khí hậu COP29 tại Azerbaijan, nơi vấn đề tăng tài trợ khí hậu cho các nước đang phát triển đang bị đình trệ. Mọi con mắt đổ dồn về Rio để tìm kiếm bước đột phá.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các thành viên G20, vốn chịu trách nhiệm tới 80% lượng phát thải toàn cầu, thể hiện "vai trò lãnh đạo và sự thỏa hiệp" để tạo điều kiện cho một thỏa thuận.

"Bây giờ là lúc các nền kinh tế và các nước phát thải lớn nhất thế giới cần nêu gương lãnh đạo", người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo tại Rio de Janeiro, Brazil, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Zawya

Một nguồn tin ngoại giao Brazil cho biết, các quốc gia đang phát triển nhanh như Trung Quốc đã từ chối áp lực từ các nước giàu để cùng họ tài trợ cho các dự án khí hậu toàn cầu. Nguồn tin cũng nói thêm với hãng AFP rằng ông hy vọng sẽ có tiến triển tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Theo Reuters, các quốc gia giàu có, đặc biệt là ở châu Âu, đã nói rằng mục tiêu đầy tham vọng về tài chính khí hậu chỉ có thể được thống nhất nếu mở rộng phạm vi các bên đóng góp để bao gồm một số quốc gia đang phát triển giàu có hơn, chẳng hạn như các nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông.

Các nước đang phát triển lập luận rằng họ chỉ có thể nâng mục tiêu giảm phát thải nếu các quốc gia giàu có, những thủ phạm chính gây ra biến đổi khí hậu, chi trả.

"Về mặt kỹ thuật, mục tiêu 1,5 độ C là khả thi, nhưng chỉ khi G20 đi đầu trong động thái huy động toàn cầu nhằm cắt giảm tất cả lượng khí thải nhà kính…", Thủ tướng Bahamas Philip Davis phát biểu tại COP29 tuần trước.

Các hội nghị quốc tế cũng diễn ra trong một năm được đánh dấu bởi một loạt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm đợt cháy rừng tồi tệ nhất ở Brazil trong hơn một thập kỷ, do hạn hán kỷ lục ít nhất một phần có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ năm ngoái, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi tăng gấp 3 nguồn năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này, nhưng không có lời kêu gọi rõ ràng nào về chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Vấn đề Ukraine có còn "nóng" tại G20?
Sau khi trở thành tâm điểm của các cuộc đàm phán căng thẳng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm ngoái ở New Delhi, vấn đề Ukraine được cho là khó có thể tiếp tục thu hút sự chú ý tại Rio de Janeiro trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc. Nhưng tình hình không hẳn sẽ như vậy khi những diễn biến khó lường xảy ra.

Thành viên G20 gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada, Italy, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Ả Rập Xê-Út, Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Ảnh: Getty Images

Các nhà ngoại giao soạn thảo tuyên bố chung cho hội nghị các nhà lãnh đạo G20 đã phải vật lộn để duy trì sự thống nhất "cực kỳ mong manh" về cách giải quyết cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí là một lời kêu gọi hòa bình mơ hồ mà không chỉ trích bất kỳ bên tham gia nào, Reuters cho biết.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin của Reuters, một cuộc không kích lớn của Nga vào Ukraine hôm 17/11 -– ngay trước thềm khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 – đã làm lung lay sự đồng thuận ít ỏi mà các nhà ngoại giao đã thiết lập, dẫn đến nhu cầu xem xét lại ngôn ngữ đã thống nhất trước đó về các cuộc xung đột.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine sắp cán mốc 1.000 ngày, một diễn biến quan trọng đã nảy sinh. Hôm 17/11, chính quyền Tổng thống Biden được cho là đã "bật đèn xanh" cho Kiev sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã từ chối cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, cũng đã hứa sẽ đưa tình trạng khó khăn của quốc gia Đông Âu lên hàng đầu chương trình nghị sự, theo một tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước.

Nhưng trong những ngày sau đó, ông Scholz đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên sau 2 năm, ngay sau chiến thắng bầu cử của ông Trump. Ông Zelensky hôm 16/11 đã gọi đây là một động thái mở ra "chiếc hộp Pandora".

Theo nhà ngoại giao Tây Âu mà Politico trích dẫn ở trên, đó là một dấu hiệu cho thấy sự sắp xếp lại đã diễn ra và sẽ ảnh hưởng đến G20.

Vị này nói: "Ảnh hưởng của ông Trump là vô cùng rõ ràng: Có các cuộc đàm phán ngừng bắn mới ở Lebanon, ông Scholz hiện đang gọi cho ông Putin. Giống như có điều gì đó mạnh mẽ vừa xảy ra, và chúng ta bắt đầu thấy những làn sóng chấn động tăng tốc trên toàn cầu".

Nguồn nguoiduatin

data:
Bàn trang điểm xem top nệm cao su giá rẻ Lắp đặt Mái hiên gần đây
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục