Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đình chiến thương mại đẩy TQ khỏi ngôi vị 'công xưởng thế giới'
Thứ tư: 08:36 ngày 03/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các công ty đa quốc gia có khả năng tiếp tục chuyển ít nhất là các công đoạn cuối của chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Thuế quan sẽ không tăng, ít nhất là trong tương lai gần, và Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Huawei, tập đoàn đa quốc gia thành công nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiệp định đình chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được có thể dẫn tới một sự thay đổi lớn về trật tự kinh tế toàn cầu, trong đó vai trò của Trung Quốc như “công xưởng của thế giới” vốn tồn tại lâu nay sẽ dần suy yếu.

Nguy cơ còn với Trung Quốc

Chi tiết về cuộc thảo luận giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, vẫn chưa được công bố. Hai bên đã đồng ý nối lại đàm phán, nhưng không đảm bảo kết quả cuối cùng.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp hôm 29/6 ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: New York Times.

Tại thời điểm này, ngay cả một thỏa thuận đình chiến mong manh cũng có tác động đáng kể. Mỹ sẽ giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiều tháng hoặc có thể nhiều năm tới. Theo đó, các công ty đa quốc gia có khả năng sẽ tiếp tục chuyển ít nhất là các giai đoạn cuối cùng của chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Theo ông Jacques deLisle, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), “những nguy cơ hiện vẫn còn đó và việc vận hành các chuỗi cung ứng dài như vậy chứa đựng quá nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp không thích sự bất ổn và chính điều này lại kéo dài yếu tố bất ổn của thị trường”.

Về vấn đề này, kết quả cuộc đàm phán ở Osaka cũng tương tự như cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại Buenos Aires vào ngày 1/12/2018 đưa tới hiệp định “đình chiến” mà theo đó Mỹ giữ nguyên mức thuế đã tăng đối với hàng hóa Trung Quốc.

Cuộc đình chiến kéo dài đến tháng 5, khi chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đột ngột quay lưng lại thỏa thuận đang dang dở về đổi mới sâu rộng cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc.

Giữ nguyên hàng rào thuế quan từ lâu vẫn được coi là giải pháp tốt thứ hai cho cả hai phía. Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi chính sách trợ cấp “hậu hĩnh” của chính phủ dành cho các doanh nghiệp nội địa để cạnh tranh với các công ty Mỹ.

Trong khi đó, các quan chức Bắc Kinh muốn dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan nhưng lại từ chối thay đổi mô hình kinh tế dựa trên trợ cấp mà các doanh nghiệp nhà nước của họ đã áp dụng thành công, giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát nghèo bốn thập kỷ qua.

Đối với Trung Quốc, các cuộc đàm phán Osaka cũng là một bước thành công. Ông Trump đã hoãn việc tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà ông từng đe dọa sẽ áp đặt nếu Bắc Kinh không quay lại bàn đàm phán.

Đồng thời, Mỹ cũng sẽ nới lỏng các quy định cấm Huawei sử dụng các công nghệ của Mỹ - dù thỏa thuận này vẫn còn thiếu các chi tiết cụ thể. Những sắc lệnh này, khi ban hành, đã cắt đứt nguồn cung chất bán dẫn và các công nghệ cần thiết cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, tổng giá trị lên tới 11 tỷ USD mỗi năm.

Quảng cáo Huawei tại Thượng Hải. Ảnh: New York Times.

Có lẽ quan trọng nhất, Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục Mỹ quay trở lại bàn đàm phán mà chưa phải đồng ý với bất kỳ thay đổi về luật pháp nào mà chính quyền Trump yêu cầu.

“Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền của mình và không để lộ điểm yếu”, giáo sư kinh tế Zhu Ning thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nói.

Ồ ạt chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc

Tuy vậy, thỏa thuận đình chiến không làm giảm bớt các rào cản thương mại mà chính quyền Tổng thống Trump đã dựng lên gồm 25% thuế áp đặt lên 50 tỷ USD mỗi năm đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong các ngành sản xuất xe hơi và linh kiện cho lò phản ứng hạt nhân, cùng 10% thuế đối với khối lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc mà sau này tiếp tục tăng lên 25% vào tháng 5.

Điều này kéo theo một loạt các công ty trong lĩnh vực da giày và sản xuất điện tử đã chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. 

Sự thay đổi này tất nhiên không xảy ra chóng vánh mà có lẽ cần nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Trung Quốc vẫn là một “công xưởng” khổng lồ với chuỗi cung ứng rộng lớn và lực lượng lao động lành nghề.

Ngay cả những công ty đang chuyển khâu sản xuất cuối cùng ra khỏi Trung Quốc vẫn phải tiếp tục thu mua linh kiện do đại lục sản xuất, đặc biệt là trong ngành điện tử, lĩnh vực mà Trung Quốc đang thống trị.

Bất chấp căng thẳng thương mại ngày càng leo thang trong thời gian gần đây, Apple vẫn đang lên kế hoạch chuyển chuỗi sản xuất dòng máy tính mới Macbook Pro từ Mỹ sang Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi đối mặt việc Mỹ nhắm vào các "đường vòng" mà Trung Quốc tìm tới để xuất khẩu hàng vào Mỹ. Thương mại giữa hai nước trì trệ đến mức lượng hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu đã giảm hẳn.

Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty Mỹ có doanh thu lớn tại thị trường Trung Quốc như Apple hay General Motors, nhưng nếu Trung Quốc phản ứng thì có thể gây ra tổn hại ngược lại tới công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy của những công ty này.

Chiến lược của Trung Quốc nhắm vào các mặt hàng nông sản từ các bang mà ông Trump sẽ cần phải giành chiến thắng nếu ông hy vọng tái đắc cử vào năm 2020 đã có hiệu quả.

Nông dân Mỹ gánh chịu nhiều tổn thất từ việc suy giảm doanh thu bán hàng cho Trung Quốc và đang gây sức ép buộc Nhà Trắng giải quyết vấn đề chiến tranh thương mại.

Ông Trump tìm cách lấy lòng cử tri

Để xoa dịu tình hình, Tổng thống Trump đã tung ra hai gói hỗ trợ tài chính để trợ cấp cho nông dân. Tuy nhiên, chiến lược này của Trung Quốc dường như đã thuyết phục ông Trump rút lại lời đe dọa và liên tục xoa dịu rằng “nông dân sẽ là những người hưởng lợi lớn”.

[Dinh chien thuong mai day TQ khoi ngoi vi 'cong xuong the gioi' hinh anh 3]
Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu tại Nhà Trắng tại Thủ đô Washington nhằm ủng hộ và khích lệ nông dân Mỹ hôm 23/5. Ảnh: Getty Images.

Vào ngày 29/6 vừa rồi, Mỹ cho biết Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục thu mua một số nông sản và các mặt hàng khác mà gần đây họ đã ngừng nhập khẩu như một biện pháp trả đũa chính sách áp đặt thuế quan của Mỹ.

Ông Trump đã khẳng định tại Osaka: “Trung Quốc sẽ tiếp tục thu mua thực phẩm, nông sản với khối lượng lớn, và họ sẽ thực hiện rất sớm, gần như ngay lập tức… Chúng tôi sẽ cung cấp danh sách những mặt hàng mà chúng tôi muốn họ mua”.

Vị thế của ông Trump có thể sẽ thay đổi nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại hoặc thị trường tài chính bị ảnh hưởng. Mặc dù chiến tranh thương mại có thể được ủng hộ tại nhiều bang và việc nối lại buôn bán nông sản với Trung Quốc đã cải thiện được tình hình nhưng nó lại không được lòng cử tri nói chung.

Tuy nhiên, lãnh đạo cả hai đảng lớn của Mỹ đã cho rằng chính quyền có thể tiếp tục thực hiện đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc bất kể ai sẽ làm chủ nhân của Nhà Trắng. Thái độ đối với Huawei, đặc biệt, cho thấy quan điểm của cả hai đảng trong vấn đề Trung Quốc.

Bên lề hội nghị G20, ông Trump cũng cho biết sẽ nới lỏng lệnh cấm, cho phép các công ty Mỹ bán sản phẩm cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, tuy nhiên phải thực hiện “trong khuôn khổ”.

Chi tiết về vấn đề này hiện vẫn chưa được nêu rõ. Ngành công nghệ Mỹ cho rằng họ sẽ có thể bán sản phẩm cho Huawei trong trường hợp không gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Xung quanh tuyên bố này vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi. Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của New York, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, đã gọi Huawei là “một trong số ít đòn bẩy mạnh mà chúng ta có thể tận dụng để buộc Trung Quốc phải ứng xử công bằng trong thương mại”.

“Nếu Tổng thống Trump nhượng bộ, mà hiện nay trông có vẻ như vậy, thì Mỹ sẽ khó có khả năng thay đổi được đường lối thiếu công bằng trong thương mại của Trung Quốc”, ông nói.

Các quan chức Mỹ đã miêu tả Huawei với các đồng minh của mình như một mối đe dọa an ninh tiềm tàng với mục tiêu khiến họ chuyển hướng sang các thiết bị viễn thông tiên tiến khác. Huawei, dĩ nhiên, một mực phủ nhận hoàn toàn cáo buộc này.

Nguồn Zing

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục