Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đình Hiệp Ninh: Chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thứ ba: 10:39 ngày 24/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, Uỷ ban MTTQVN tỉnh tổ chức đoàn khảo sát hoạt động của một số cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố Tây Ninh.

Một hộ dân che mái nhà ra lấn chiếm khuôn viên của đình.

Tại cơ sở tín ngưỡng Đình Hiệp Ninh (phường 2), ông Trần Ngọc Hai- Trưởng Ban Quý tế cho biết, mỗi năm đình có hai lễ lớn là lễ Kỳ yên (vào ngày 15-16.3 âm lịch) và lễ cầu bông cúng Thần nông (15-16.8 âm lịch). Ngoài ra, vào dịp đầu năm mới, đình tổ chức lễ dựng nêu từ 25 tháng Chạp và hạ nêu vào mùng 7 tháng Giêng. Những năm qua, đình luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Về công tác thu chi tài chính trong việc tổ chức lễ hội, tiền công đức do Ban Quý tế chịu trách nhiệm. Hiện nay, Ban Quý tế của đình có 12 thành viên, trong đó, có một thành viên phụ trách việc thắp hương mỗi ngày hai lần tại đình.

Xung quanh đình, nhiều hộ dân ở và thải rác, phơi quần áo gây mất mỹ quan.

“Nguồn tiền chính cho hoạt động của đình là từ đóng góp của người dân khi dự lễ. Sau khi lễ hoàn tất, Ban Quý tế sẽ tổng kết thu – chi và công khai cho mọi người biết, cũng như gửi báo cáo về lãnh đạo phường 2. Gần như số tiền mọi người ủng hộ đều đủ lo các hoạt động của đình, còn dư một ít để Ban Quý tế dùng cúng viếng những cơ sở tín ngưỡng khác khi được mời. Chúng tôi mong muốn, nếu có thể, nhờ đoàn kiến nghị hỗ trợ cho người phụ trách việc thắp hương mỗi tháng từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng”- ông Trần Ngọc Hai nói.

Về vấn đề Giấy quyền chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện nay đình Hiệp Ninh chưa được cấp. Nguyên nhân là khu vực quanh đình bị một số hộ lấn chiếm. Theo khảo sát, vẫn còn 4 trụ xi măng làm cọc ranh giới của đình, tuy nhiên, ranh giới này đang bị một số hộ lấn chiếm.

Có khu vực trụ mốc giới nằm trong mái che tạm của nhà dân, cũng có trường hợp cột mốc nằm ngay trong nhà người dân. Theo lãnh đạo Phòng Văn hoá – Thông tin thành phố Tây Ninh, diện tích thực khi gửi Bộ Văn hoá – Thông tin để xác nhận Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật, đình Hiệp Ninh có diện tích trên 7.000m2, nhưng thực tế chỉ còn khoảng 4.000m2. 

Ông Đặng Xuân Lãnh phát biểu ý kiến. 

Trước thực tế khảo sát và kiến nghị của Ban Quý tế, ông Đặng Xuân Lãnh- Trưởng Ban Dân chủ, Pháp luật – Dân tộc, tôn giáo (Uỷ ban MTTQVN tỉnh) cho biết, đối với kiến nghị hỗ trợ kinh phí người phụ trách công việc thắp nhang ở đình, đoàn ghi nhận và báo cáo lên trên.

Tuy nhiên, ông Lãnh cũng gợi ý thêm, trước mắt, Ban Quý tế cùng chính quyền khu phố có thể trao đổi, lấy ý kiến người dân về việc đóng góp, chung tay hỗ trợ duy trì việc quản lý, chăm nom đình. “Chúng ta có thể vận động mỗi hộ đóng góp theo từng tháng hoặc từng năm theo nguyện vọng. Cái này là lấy sức dân lo cho việc chung, cộng đồng thụ hưởng, cộng đồng tín ngưỡng. Hiện nay có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng ta nghiên cứu và bám theo đó để làm”- ông Đặng Xuân Lãnh góp ý. 

Bên cạnh đó, đoàn khảo sát đề nghị Uỷ ban MTTQVN thành phố và phường 2 cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, góp phần tạo mỹ quan cho ngôi đình.

Đình Hiệp Ninh hơn 100 năm tuổi là Di tích Lịch sử và Kiến trúc – Nghệ thuật cấp quốc gia.

Về vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đoàn đề nghị địa phương rà soát lại số hộ đang lấn chiếm và vận động, tuyên truyền, có biện pháp xử lý để trả lại nguyên trạng diện tích đất, sau đó tiến hành làm thủ tục cấp giấy quyền sử dụng đất cho đình.

Việc khảo sát nhằm nắm tình hình hoạt động của một số cơ sở tín ngưỡng dân gian và việc thực hiện các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; về tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong thực hành tín ngưỡng. Qua khảo sát, đoàn sẽ ghi nhận ý kiến của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Mặt trận, các tổ chức đoàn thể về hoạt động của cơ sở tín ngưỡng, kịp thời phản ánh, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, tạo điều kiện để các cơ sở tín ngưỡng, đồng bào có nhu cầu tín ngưỡng thực hiện tốt các chính sách của Đảng và quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. 

Đình Hiệp Ninh được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử và Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia vào tháng 10.1993. Đình Hiệp Ninh có kiến trúc cổ xưa với nhiều chi tiết điêu khắc tinh xảo, được gìn giữ hơn trăm năm qua và là nơi lưu giữ sắc phong thần của vua Khải Định ban cho Thành hoàng bổn cảnh Trần Văn Thiện vào năm Đinh Tỵ-1917. 

Khải Tường

Tin cùng chuyên mục