Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đình Thạnh Đức
Thứ tư: 08:40 ngày 08/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhân dịp lễ cầu bông, ngày 16 tháng 8 âm lịch tức ngày 5.10.2017, chúng tôi lại có dịp về đình làng Thạnh Đức- ngôi đình mà vào năm 1972, nhà sưu khảo Huỳnh Minh cùng vài nhà thơ Tây Ninh hồi ấy đã đến viếng thăm và ghi chép lại.

Ban Hội đình trong lễ cầu bông.

Ông Huỳnh Minh viết: “Có nhiều cây cổ thụ giao đầu phủ lá, tàn cao bóng mát phong cảnh nên thơ… Đình nằm giữa một cánh rừng rộng lối một mẫu (ha). Chung quanh, có nhiều cây to bóng mát rợp cả sân, chim chóc thường quy tụ về đây làm tổ…”. Còn nhà thơ Linh Hữu thì có bài thơ “Đình Thạnh Đức cảm tác” với 4 câu đầu như sau: “Giữa cảnh thiên nhiên ngự một toà/ Đình làng Thạnh Đức rộng bao la/ Rừng cây che mát hoà nhân thế/ Rạch cỏ lưu thông ánh nguyệt tà”.

Trở lại với lễ cầu bông thôi! Bởi sân đình đã văng vẳng ngân nga tiếng đồng, tiếng tơ, tiếng trúc của dàn cổ nhạc. Các cụ cao tuổi đã áo thụng xanh, khăn đóng túc trực nghiêm trang. Mõ, chiêng và trống đã dàn trước hành lang. Học trò lễ áo đỏ dây lưng vàng, nón vải hai màu xanh trắng. Nghi lễ tế thần được thực hiện nghiêm trang theo lối cổ truyền. Chỉ có điều khác với vài ngôi đình khác (như Cẩm An và Hiệp Ninh chẳng hạn) là nghi lễ diễn ra ngay trước sân đình, trong ngôi nhà rạp mới dựng lên. Các cụ bảo xưa sao, nay vậy. Có lẽ đình làng Thạnh Đức cậy có rừng cây tán rợp mà nghi lễ trải ra ngay dưới tán rừng chăng? Các mâm lễ dâng cúng bày la liệt trên chiếc bàn dài, giữa hai hàng lỗ bộ. Rất nhiều trái cây, cùng những mâm heo quay nguyên con, mâm tiền vàng mã. Kết quả của cái gọi là “xã hội hoá”, mỗi mâm là của một gia đình. Chút lòng thành dâng lên, cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng thắng lợi.

Trở lại lần này, tôi có thêm một thông tin mới. Đấy là nhờ các ông trong Ban quý tế chỉ cho. Ở ngay mặt trước trụ đá hai bên miếu thờ ông Hổ, có một con số khắc chìm vào đá. Là số 1915 được khắc ngay trên đầu đôi câu đối. Chữ số chỉ cao 2cm, lại bị điệp màu với rêu phong trụ đá nên không dễ thấy. Các cụ bảo, đấy là năm ngôi đình được chuyển dời từ bến Mương về bến Đình. Như vậy là đình đã có từ thời xa xưa hơn. Có điều, cụ thể năm nào, hình dạng cấu trúc vật liệu ra sao không ai còn nhớ. Vì thế, trong bản trích của “Danh mục kiểm kê các công trình, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên… theo quy định của Luật Di sản mới “tạm ghi” rằng: “Đình có xuất xứ năm 1915 thờ thành hoàng bổn cảnh theo phong tục địa phương- không rõ tên tuổi thành hoàng, dân địa phương cho là linh thần”.

Vậy chi tiết “xuất xứ năm 1915” là chưa chính xác. Lật giở Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, Nxb Chính Trị Quốc Gia năm 2008; trang 1.138 có mục từ Thạnh Đức ghi: “Thôn thuộc tổng Triêm Hoá, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Thiệu Trị, Tự Đức”. Dù từ điển không xác định được năm lập thôn làng nhưng nếu tính từ Thiệu Trị, thì đó là vào các năm từ 1841 đến 1847. Ít nhất cái tên Thạnh Đức đã tồn tại 170 năm. Lại là thôn kề cận xã Cẩm Giang, nơi từng là “đạo sở đạo Quang Hoá” sau năm 1836 trở thành huyện thành Quang Hoá, thuộc phủ Tây Ninh vừa thành lập.

Nằm kế cận bên huyện lỵ, nên chắc đình Thạnh Đức đã có từ khá sớm. Thôn Thạnh Đức xưa không chỉ có một, mà tới hai ngôi đình. Ngoài đình Trung ở đây, còn có đình Bến Chò ở ấp Bông Trang. Các cụ cao tuổi cho rằng: Bến Chò là nơi “Ông” làm việc, còn Bến Mương là nơi ông sinh sống với gia đình.

“Ông” ở đây- theo lời các cụ là ông Nguyễn Văn Lực, người có công lãnh đạo việc khai hoang, mở đất lập thôn làng. Tôi còn chưa tìm được đầy đủ sự tích về ông; chỉ biết rằng dù đình Trung Thạnh Đức có sắc phong vua ban thành hoàng bổn cảnh (linh thần) thì trong tâm tưởng nhiều thế hệ người dân Thạnh Đức, ông Nguyễn Văn Lực cũng được tôn vinh như một bậc nhân thần.

Trong một cuốn sách phô tô, tự ghi chép lại câu chuyện kể của dòng họ, ông Phạm Văn Yên có chép chuyện về ông Lực, cùng một vị quan triều đình là ông Phạm Thạnh Đức trấn thủ bên thành Quang Hoá. Về ông Lực: “Chỉ huy trông coi đôn đốc cho nhân dân khai hoang bưng rừng làm ruộng, làm rẫy tạo ra lương thực… Lúc còn sống, ông rất có hiếu với cha mẹ, trung với vua, lo cho nước, đôn đốc dân khai hoang làm ruộng rẫy trúng mùa và hoà mình làm ruộng rẫy với dân, bất kể đêm ngày dầm mưa dãi nắng chịu đồng chung cộng khổ giúp đỡ dân làm nên công nghĩa lớn…”.

Chuyện về ông Phạm Thạnh Đức còn chưa rõ thực hư, vì chưa tìm thấy tư liệu lịch sử nào nhắc tới. Nhưng chuyện về ông Nguyễn Văn Lực thì đều được các cụ Ban Quý tế đình làng nhất trí cao, tôn xưng ông như một vị thành hoàng. Đối chiếu lại với bài thơ của Linh Hữu, thì đình Thạnh Đức ngày nay đã không còn “rộng bao la” nữa, tuy vẫn còn đó “rừng cây che mát hoà nhân thế”. Và cũng còn đây một: “rạch cỏ lưu thông ánh nguyệt tà”.

Đình Thạnh Đức vẫn như xưa, dù có xây sửa vẫn giữ nguyên móng nền cũ với cấu trúc khung cột bao quanh tứ trụ, trên lợp mái hình bánh ít theo lối đình miếu dân gian Nam bộ. Phần chính của đình có hai lớp, võ ca và chính điện. Tất cả nằm trên mặt bằng chữ nhật bề ngang 11,3m, bề sâu vào 18,5m, có hành lang rộng rãi bao quanh. Phần chính điện vẫn được lợp ngói móc nhưng phần võ ca đã phải thay thế bằng tôn giả ngói. Cấu trúc phần ngoại vi cũng có khác so với đa số các ngôi đình Tây Ninh khác. Đấy là tấm bình phong đá ở chính giữa trước sân lại là miếu thờ “ông Hổ”. Bàn thờ thần Nông lại ở ngôi miếu thờ phía tay phải (trong nhìn ra). Và bên trái là miếu thờ Bà Chúa xứ.

Cũng xin kể thêm về cái bàn thờ ông Hổ đặc biệt này. Là do nghề thợ đẽo tạc đá ở Tây Ninh hiện đang phát triển. Ở nhiều cơ sở đã có các nghệ nhân tạo tác tượng đá, linh vật, ngai thờ… bằng đá với chạm khắc tinh xảo trên các khối đá granite (đá núi Bà). Mách để các vị biết, rằng ở đình Thạnh Đức có bức bình phong đá nguyên khối chạm khắc sinh động, đến độ chưa thấy nơi nào có được. Đấy là một tấm đá nguyên khối, phần nổi trên mặt nền cao 1,05m, dài 1,2m và dày hơn 2 tấc. Mặt trước có hình “ông Hổ” đang trợn tròn đôi mắt, đuôi cong như chuẩn bị lao đi dưới một bóng cây tùng. Đường nét sắc sảo tới từng móng vuốt, từng vân xoáy tròn trên thân. Chung quanh là những chạm khắc hình dơi (biểu tượng sự giàu có) và dây hoa lá rất mềm, rất sắc. Ở mặt sau thì hình tượng điêu khắc lại còn có thể làm ta kinh ngạc. Bởi đấy là một phù điêu long mã đang thong thả vờn bước giữa trời mây. Trên lưng long mã có hộp bảo vật “Hà đồ” huyền thoại. Hình tượng này còn đẹp hơn bất cứ những tác phẩm tương tự mà tôi từng thấy ở các ngôi đình Tây Ninh, cho dù là di tích cấp quốc gia. Mà tấm bia đá này đã dầu dãi nắng mưa suốt hơn một trăm năm có lẻ.

TRẦN VŨ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục