Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thông tin tiếp vụ dưa hấu chết hàng loạt tại Lộc Hưng:
Do bệnh héo vàng
Thứ bảy: 16:18 ngày 27/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Biểu hiện đặc trưng của loại bệnh này là dây dưa hấu bị héo rũ vào buổi trưa nắng, tươi tỉnh lại vào buổi chiều hay sáng sớm. Dây dưa héo từng phần, xảy ra trong vài ngày rồi lan ra cả thân dây, sau đó chết hẳn. Trước khi héo, dưa có triệu chứng sinh trưởng kém, các lá biến vàng từ gốc trở lên.

Một nông dân cho biết dưa hấu cứ lần lượt “chết sớm” như thế này thì vụ mùa năm nay xem như mất trắng.

Vừa qua, Báo Tây Ninh đăng bài “Dưa hấu chết do bệnh héo xanh hay tác động môi trường?”, nội dung bài báo nêu hiện tượng khoảng 20 ha đất trồng dưa hấu (tại khu vực tổ 5, ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng) đột nhiên bị chết hàng loạt chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhiều bà con nông dân nghi ngờ dưa hấu chết là do khí thải của một công ty thuộc da gần đó. Tuy nhiên, cơ quan chức năng bước đầu xác định, nguyên nhân có thể là do bệnh héo xanh. Tuy nhiên, nguyên nhân cần được xem xét kỹ, các mẫu vật có liên quan phải được xét nghiệm trước khi đưa ra kết luận.

Ngày 22.4, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trảng Bàng đã có công văn gửi đến UBND xã Lộc Hưng về tác nhân gây bệnh trên dưa hấu, để thông tin rộng rãi đến bà con nông dân tại khu vực tổ 5 về nguyên nhân, cách phòng trừ. Trước đó, Phòng NN&PTNT phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, UBND xã đã khảo sát thực tế tại cánh đồng trồng dưa hấu. Phòng NN&PTNT cũng đã mời Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường (Viện CNSH&MT) thuộc Trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc.

Ngày 19.4, Viện CNSH&MT đã đưa ra kết quả thử nghiệm như sau: Về mẫu đất, kết quả phân tích xác định có các nguồn gây bệnh là Fusarium solani, Phytophthora sp., Rhizoctonia sp. Đối với mẫu dây dưa hấu, kết quả phân tích xác định tác nhân gây bệnh là Fusarium oxysporum (dây), Fusarium solani (rễ), Rhizoctonia sp. (rễ). Như vậy, nguồn gây bệnh là nấm Fusarium sp., đây là tác nhân chính khiến cây dưa hấu chết, với triệu chứng điển hình là héo rũ vàng, do nấm xâm nhập phá hại phần gốc và rễ cây, làm cho gốc và rễ bị thối.

Biểu hiện đặc trưng của loại bệnh này là dây dưa hấu bị héo rũ vào buổi trưa nắng, tươi tỉnh lại vào buổi chiều hay sáng sớm. Dây dưa héo từng phần, xảy ra trong vài ngày rồi lan ra cả thân dây, sau đó chết hẳn. Trước khi héo, dưa có triệu chứng sinh trưởng kém, các lá biến vàng từ gốc trở lên. Khi chẻ dọc phần thân thấy mạch dẫn bên trong bị thâm đen, có sọc nâu chạy dọc theo mạch nhựa. Nấm tồn tại trong đất ở dạng sợi và bào tử. Nấm sống trong đất rất lâu (có thể qua nhiều năm).

Nấm phát sinh và phát triển, trong điều kiện pH thấp từ 4-5, đất trầm thuỷ, úng nước trong mùa mưa. Đất trồng độc canh cây họ bầu bí dưa cũng là nguy cơ bị nhiễm bệnh cao. Nấm bệnh cũng dễ dàng lây lan qua vết thương cơ giới hay tuyến trùng, côn trùng chích hút rễ cây. Lưu ý, nếu để phát sinh bệnh héo vàng rồi thì không thể trị được. Bà con chỉ có thể phòng ngừa bệnh trong các vụ tiếp theo, bằng cách bón vôi xử lý đất trước khi trồng dưa, lên liếp cao, làm đất thông thoáng, tránh để ruộng dưa bị ngập úng.

Ngoài ra, cần luân canh với các loại cây trồng khác ngoài họ bầu bí dưa, tức là tránh trồng dưa hấu liên tục qua nhiều năm trên cùng một thửa đất. Bà con nên nhổ bỏ, tiêu huỷ hết cây bị bệnh. Tăng cường sử dụng nấm đối kháng Trichoderma. Phòng trừ tuyến trùng gây hại bộ rễ bằng các sản phẩm thuốc rải có hoạt chất như Ethoprophos, Cabofulran... liều lượng và nồng độ theo khuyến cáo của từng hãng sản xuất. Mặt khác, người trồng cần phun phòng trị bệnh bằng các sản phẩm có hoạt chất như Mancozeb, Copper Hydroxide.

Phòng NN&PTNT đề nghị: “UBND xã Lộc Hưng thông báo rộng rãi đến người dân trồng dưa tại khu vực đang đề cập, về tác nhân gây bệnh trên dưa hấu là do bị bệnh héo vàng”.

Được biết, vụ mùa dưa hấu được xem là nguồn thu nhập chính trong năm của bà con, bởi nguồn lợi thu được cao gấp đôi so với các loại cây trồng còn lại. Thế nhưng, năm nay, khoảng 20 ha dưa hấu của bà con tại cánh đồng này đang có nguy cơ chết trước thu hoạch.

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục