Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đề thi dễ hơn, nên thí sinh cũng dễ dàng để đạt điểm tốt nghiệp, nhưng sẽ lại là bài toán khó cho các trường đại học khi tuyển sinh.
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học vẫn lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển sinh. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực cho thí sinh mà cũng thuận lợi cho các trường khi chưa thể tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.
Tuy vậy, bộ đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cho thấy, độ phân hóa thấp so với đề thi trung học phổ thông quốc gia 2019. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, các trường đã đưa ra nhiều hình thức xét tuyển, hoặc có những biện pháp sàng lọc thí sinh.
Độ phân hóa đề thi thấp, các trường tìm cách đảm bảo chất lượng.
Theo các giáo viên phổ thông, đề thi trắc nghiệm của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm trước có 50 câu thì từ câu 35 trở đi đã có sự phân hóa và tăng dần về độ khó. Thế nhưng, đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đầu tháng 5, do mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp nên độ phân hóa giảm hẳn. Các câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao chỉ còn từ 5 đến 10 câu hỏi. Như vậy, đề thi chỉ có từ 5% đến 15% câu hỏi khó để phân loại thí sinh nên các trường đại học sẽ khó tuyển sinh hơn.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa, Hệ thống giáo dục Học mãi nhận xét: "Nếu những trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này cho việc xét tuyển thì chắc chắn có những khó khăn nhất định. Đối với những trường đại học top dưới và top giữa thì vẫn có thể sử dụng kết quả này để phân hóa được học sinh.
Tuy nhiên, điểm chuẩn các trường chắc chắn sẽ tăng rất mạnh nếu như đề thi chính thức vẫn giữ nguyên mức độ phân hóa như thế này. Còn đối với những trường đại học top đầu thì rất nhiều khả năng là điểm chuẩn sẽ bị đẩy lên một mức rất là cao. Khi đó thì việc đỗ, trượt của học sinh rất có thể mang một số yếu tố có tính chất may rủi và có thể điểm cộng khu vực của các em sẽ trở thành yếu tố quyết định".
Đề thi dễ hơn, nên thí sinh cũng dễ dàng để đạt điểm tốt nghiệp, nhưng sẽ lại là bài toán khó cho các trường đại học khi tuyển sinh. Vì vậy các trường đại học cũng bổ sung thêm nhiều hình thức xét tuyển mới, hoặc điều chỉnh giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển cũng như thuận lợi trong xét tuyển.
Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, năm nay nhà trường có 5 phương thức xét tuyển. Trong đó, ngoài xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường còn có thêm hình thức xét tuyển ưu tiên cho các thí sinh đạt giải của các kỳ thi quốc gia quốc tế, học sinh có chứng chỉ quốc tế, học sinh các trường THPT chuyên…để có thể tuyển được những thí sinh có chất lượng:
"Trường tuyển sinh thì ngoài vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh, thì rất là quan tâm đến khả năng tiếp cận tuyển sinh một cách công bằng rộng mở cho các thí sinh trong cả nước. Thứ 2 nữa là lựa chọn được thí sinh phù hợp cho các chuyên ngành đào tạo khác nhau của nhà trường. Chính vì vậy mà nhà trường thực hiện nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng chứ không chỉ dựa vào duy nhất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhà trường đã xem xét và nghiên cứu dựa trên kết quả tuyển sinh của những năm trước và tin tưởng rằng với 5 phương thức rất là đa dạng như năm nay thì nhà trường sẽ lựa chọn được đủ chỉ tiêu và với những thí sinh phù hợp", bà Hiền cho biết.
Ngoài đa dạng về phương thức tuyển sinh, nhiều trường đại học đã tính đến việc phải đặt thêm các tiêu chí phụ khi xét tuyển. Thí sinh ngoài điểm thi trung học phổ thông còn phải đáp ứng các tiêu chí phụ của các trường thì mới gọi là đủ điều kiện vào trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thư, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội): "Năm nay, đề thi sẽ có khả năng có rất nhiều bạn điểm bằng nhau vì vậy chúng tôi tiêu chí phụ sẽ lấy là: tiêu chí phụ thứ nhất là mình sẽ lấy điểm toán, bạn nào điểm toán cao hơn thì sẽ trúng tuyển. Tiêu chí phụ thứ 2 là đến nguyện vọng, tức là bạn có yêu qúy Trường Đại học Kinh tế của chúng tôi hay không".
Năm nay, riêng khối ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe và sư phạm vẫn tiếp tục duy trì mức điểm sàn như tấm chắn giúp sàng lọc cho việc tuyển sinh của các trường đảm bảo chất lượng.
Tiến sỹ Đinh Minh Hằng, Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh- sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, sau khi trúng tuyển, trường vẫn tiếp tục có những sàng lọc để lựa chọn những thí sinh có chất lượng tốt: "Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng dự kiến là sẽ có thể có 1 số phương thức, tiêu chí phụ để có thể sàng lọc, cũng như là có thể tuyển chọn được những em thí sinh tốt nhất.
Ví dụ chúng tôi dự kiến sẽ có hình thức khuyến khích với các em có điểm tiếng Anh, tiếng Pháp quốc tế... thứ 2 là dự kiến có thể có bài luận để khuyến khích các em thể hiện năng lực bản thân cũng như khẳng định khả năng của mình trong kỳ thi này".
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đang đến rất gần. Các trường đại học cũng đã giảm tải, không tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Nhưng với bộ đề thi có mức độ phân hóa không cao thì các thí sinh ngoài nỗ lực vượt qua kỳ thi còn phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí phụ thì mới có thể trúng tuyển vào các trường top trên.
Nguồn VOV1