Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đo thân nhiệt nơi đông người: Làm sao để không tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19?
Thứ hai: 11:03 ngày 23/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những ngày này, chắc hầu hết người dân cũng đã quen với việc đo thân nhiệt tại cổng ra vào những nơi đông người: Bệnh viện, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại và hầu hết các nhà chung cư nữa…Biện pháp này nếu làm không đúng có thể gây lây nhiễm COVID-19.

Nếu thực hiện không đúng, đo thân nhiệt cho nhiều người sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Người thực hiện đo nhiệt độ có thể là điều dưỡng, nhân viên, nhưng hầu hết là bảo vệ, không có chuyên môn về y tế.

Gần đây, tôi có vài lần đến một trung tâm lớn, tập trung rất đông người từ khắp mọi nơi về Hà Nội, và cũng được đo thân nhiệt như tất cả mọi người.

Lần đầu:

Khi tôi vừa đến cửa, có một cô khá trẻ, không rõ là nhân viên hay tình nguyện viên, chặn tôi lại yêu cầu đo thân nhiệt. Đo xong, tôi nhìn thấy tay cô ấy không đeo găng, tôi bảo:”Cháu nên đeo găng tay vào”. Cô ấy nói: ”Cháu không đeo vì có nhiều người phản đối”. Tôi bảo: “Các cháu phải tự bảo vệ mình chứ!”. Lúc đó có một cô khác lớn tuổi hơn (chắc là phụ trách) chạy ra phân trần: “Chúng cháu cũng muốn đi găng nhưng nhiều người bảo như thế là coi họ như người đã nhiễm”, rồi cô ấy nói: “Chúng cháu sẽ báo lại cấp trên, lần sau chúng cháu sẽ đi găng”.

Lần thứ hai:

Sau lần trước 1 ngày, tôi cũng đi qua cái cửa ấy, cô nhân viên vẫn chưa đeo găng tay. Tôi hiểu rằng lời cảnh tỉnh của mình lần trước là không hiệu lực!

Tôi chưa kịp vuốt mớ tóc xoà xuống trán thì cô nhân viên đã “nhanh nhẹn” dùng mấy ngón tay (không đi găng) vén tóc tôi lên để đo nhiệt độ trên trán. Tôi chột dạ: “Lạy Trời! Từ sáng đến giờ cô ấy đã đo cho biết bao nhiêu người? Nếu trong số ấy có ai đó đã nhiễm SARS-COVI 2  thì mình có nguy cơ bị nhiễm mất rồi.”

Lần thứ ba:

Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi tự vén tóc mình trên trán trước khi đo. Tuy nhiên, trong lúc đo, tôi nhận thấy bàn tay không đeo găng của cô nhân viên vô tình chạm vào phần chóp mặt ngoài của cái khẩu trang tôi đang đeo. Tôi chợt nghĩ: “Nếu hôm nay mình là người nhiễm vi rút thì hậu quả sẽ như thế nào”.

Không chỉ riêng ở nơi công cộng, một lần khác, khi vào cổng một cơ quan, tôi cũng thấy anh bảo vệ cầm sẵn nhiệt kế điện tử trong tay, dừng xe tôi lại yêu cầu đo thân nhiệt. Tôi vừa thò đầu ra, anh ấy đã nhanh nhẹn vừa nói vừa lấy bàn tay (không đi găng) của mình để vén tóc trên trán tôi rồi đo thân nhiệt. Đo xong, tự nhiên tôi thấy trên trán mình lấm tấm mồ hôi!

Hôm nay, khi viết những dòng này, tôi thực sự muốn nhắn nhủ đến tất cả mọi người rằng: Cả đất nước đang căng mình lên chống dịch, nhưng nếu những việc chúng ta đang làm, tưởng chừng như rất tốt, lại có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và cho chính những người thực hiện, và như vậy sẽ vô tình làm cho nỗ lực của tất cả mọi người tuột xuống sông, xuống biển.

COVID-19 là bệnh chết người, xin đừng chủ quan, ngay cả đối với những hành vi đơn giản nhất!

Nguồn SKĐS

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục