Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đổ tiền vào bất động sản, người Việt mê đất hay do thời thế?
Thứ hai: 22:56 ngày 24/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong nước, tiền đang đổ mạnh vào đất đai. Ở nước ngoài, riêng năm 2016 người Việt đã chi đến 3,06 tỉ USD mua nhà ở Mỹ. Người Việt quá “yêu” đất hay do “thời thế, thế thời phải thế?”…

Nhiều nhà trong khu đô thị vẫn bị bỏ hoang do không ít người mua nhà rồi để đó, gây áp lực lên nguồn cung và giá nhà đất. Trong ảnh: Nhiều nhà xây thô rồi bỏ hoang tại một khu đất tại Quận 9, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Các chuyên gia đều cho rằng cần có giải pháp mạnh hơn để tránh tiền cứ đổ dồn vào bất động sản, gây áp lực lên giá cả, giảm khả năng có nhà của người thu nhập thấp. 

Nhiều “chiêu” đẩy giá đất cũng cần được xem xét…

* Ông Nguyễn Văn Đực (Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành):

Sàn giao dịch bán kiểu đa cấp, kích giá

Thị trường ở TP.HCM khối lượng căn hộ cung cấp ra thị trường rất lớn, đã xuất hiện dự án hàng chục ngàn căn hộ. Một gia đình thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng mà sống tại Hà Nội, TP.HCM gần như ít có tiền dư. Để mua được căn hộ 1 tỉ đồng không dễ.

Trong khi đó, các dự án mới hầu hết giá trên 1 tỉ, thậm chí 3-4 tỉ đồng/căn. Theo tôi, 60-70% người mua căn hộ ở những dự án mới tại TP.HCM là mua để đầu cơ. Tình trạng này thể hiện rõ nhất là tại các sàn giao dịch bất động sản.

Trước đây một sản phẩm chỉ cần một sàn bán. Nhưng nay có sản phẩm giao cho một sàn rồi sàn đó lại chia ra 5-7 sàn nữa.

Sự cạnh tranh hơi hỗn loạn, bát nháo giữa các sàn và có tính bán hàng đa cấp, tạo sốt ảo kích thích người mua.

Nhiều người mua vài ba căn, thậm chí nhiều người hợp lại thành một nhóm để mua. Bởi các sàn kích cầu, mua một căn được chiết khấu 1%, mua hai căn được chiết khấu 2%...

Đấy là cách tạo ra cơn sốt để người ta tranh nhau đi mua rồi “lướt sóng”. Nếu thực tỉ lệ lướt sóng 60-70%, có nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản (như năm 2007, 2008) khi có trở ngại nào đó trong nền kinh tế.

Giải pháp ngăn chặn không dễ, bởi hiện chính quyền chỉ xét duyệt đúng quy định để cấp phép chứ ít đưa ra định hướng.

Nỗi lo của tôi là các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, doanh số bán hàng mà không nghĩ đến sự bền vững của thị trường và uy tín.

Người ta đua quảng cáo để lôi kéo khách. May là TP.HCM vừa có cảnh báo đất các vùng ven. Nhưng bên cạnh đó, tôi cho rằng hiệp hội, cơ quan chức năng phải tăng thông tin để giảm cơn sốt nhà đất.

Nên nghiên cứu ban hành Luật thuế tài sản… Quan điểm chung nên là người có nhiều nhà đất, tài sản phải nộp thuế nhiều…

TS Đinh Tuấn Minh

* TS Đinh Tuấn Minh (chuyên gia tài chính): Nơi nào thuận lợi, tiền sẽ chảy vào

Việt Nam giống như nhiều nước đang phát triển, trong giai đoạn chuyển đổi nên xu hướng giá bất động sản thường tăng.

Đó là lý do nhiều người bỏ tiền vào bất động sản, nhất là khi có “động lực”, như có thông tin trước về quy hoạch.

Ngay cả việc đầu tư sang Mỹ, ngoài nhu cầu để ở khi cho con cái sang đó học hành, không loại trừ có cả việc đầu tư. Tuy nhiên, bất động sản cũng là lĩnh vực đầu tư đứng đầu bảng về rủi ro…

Vậy làm thế nào hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vào các doanh nghiệp khởi nghiệp như chỉ đạo của Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước?

Theo tôi, việc đầu tư vào đâu là nhu cầu của nền kinh tế. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi thì tự nhiên doanh nghiệp sẽ vay để kinh doanh.


Dãy nhà bỏ hoang ở khu đô thị Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: Quang Lê

* Ông Trần Hùng (Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư VN - VFM):

Có chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn

Bất động sản luôn là lựa chọn truyền thống với người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Bản thân nhà đầu tư dù ở quy mô nào cũng đều cố mua vào và tích trữ, do đó mỗi khi kinh tế hồi phục thì chúng ta có thể thấy thị trường bất động sản lại “nóng”.

Đây là điều không tốt cho nền kinh tế khi nguồn vốn và nguồn lực tập trung quá nhiều vào bất động sản, giá trị bị đẩy quá cao.

Vậy chúng ta có thiếu kênh đầu tư? Thị trường đã có 30 quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có 18 quỹ mở.

Tổng giá trị tài sản quản lý của các quỹ mở nội địa tính đến 31-5-2017 là hơn 5.000 tỉ đồng. Hầu hết các quỹ đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng khá ổn định, cao hơn lãi suất ngân hàng.

Chính phủ đã và đang tập trung gia tăng quy mô thị trường tài chính. Nếu thị trường đủ lớn, có nhiều hàng hóa tốt, tự nó sẽ hấp dẫn dòng tiền.

Nhưng bản thân nhà đầu tư cũng cần được khuyến khích tham gia sản phẩm đầu tư dài hạn với cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh:

Tiền vào bất động sản, rủi ro nợ xấu

Bảng cân đối liên ngành mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập từ sản xuất trong giá trị tăng thêm chỉ bằng 94% tiêu dùng cuối cùng…

Như vậy để có thể tiêu dùng và đầu tư, người dân cần một lượng thu nhập từ ngoài sản xuất, từ sở hữu và chuyển nhượng, từ các khu vực khác (có thể là tham nhũng, đầu cơ, vay mượn…) để bù đắp cho khoản thiếu hụt đó.

Trong khi làm không đủ tiêu nhưng tiền vẫn chảy vào bất động sản, tất nhiên sẽ gây nên rủi ro nợ xấu cao, rủi ro về đạo đức…

Thặng dư của ngành xây dựng luôn cao, giá bán và giá thành chênh lệch nhau rất nhiều. Bất động sản ở Việt Nam chủ yếu hình thành trên mối quan hệ, gắn lợi ích nhóm, kém minh bạch. Dòng tiền vào đây không giúp nền kinh tế phát triển bền vững.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục