Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đoàn công tác của Quốc hội khoá XV làm việc với các doanh nghiệp viễn thông tại Tây Ninh
Thứ tư: 10:38 ngày 01/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 28.2, đoàn công tác của Quốc hội do ông Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Viettel Tây Ninh và Viễn thông Tây Ninh khảo sát thực tế, phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Đoàn công tác của Quốc hội khóa XV do ông Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Viettel Tây Ninh và Viễn thông Tây Ninh.

Tại buổi làm việc, hai doanh nghiệp cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó có việc điều chỉnh bổ sung chính sách về kinh doanh trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây và chính sách về quản lý dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông; chủ trương đưa quy định về dịch vụ bán buôn để quản lý đối với các doanh nghiệp lớn, quy định về hệ thống cấp phép.

Tại buổi làm làm việc, ông Phạm Thanh Sơn- Giám đốc Viettel Tây Ninh cho biết, hệ thống pháp luật về đầu tư, viễn thông... quá trình vận hành tại Viettel Tây Ninh chưa phát hiện sự chồng chéo, vướng mắc trong việc thực hiện các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, viễn thông.

Đối với các chính sách mới của dự án luật, Viettel Tây Ninh hoàn toàn thống nhất với dự thảo điều chỉnh bổ sung thêm chính sách về kinh doanh trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây và chính sách về quản lý dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông vào trong Luật Viễn thông sửa đổi lần này.

Tuy nhiên, Viettel Tây Ninh có đề nghị bổ sung thêm một số nội dung như: bổ sung quy định quản lý đối với việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây xuyên biên giới; có chính sách uu tiên phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên internet cho tổ chức có năng lực cung cấp dịch vụ viễn thông nhanh chóng trên thực tế; cung cấp dịch vụ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và phục vụ hoạt động viễn thông công ích, hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, Viettel Tây Ninh thống nhất cao khi dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi có nêu rõ quy định trong việc quy hoạch công trình viễn thông “Mục 2, điều 64: Quy hoạch xây dựng công trình giao thông, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phải có phương án xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông thụ động để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông”. Điều này sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp viễn thông trong việc chủ động bảo đảm hạ tầng viễn thông thụ động, phục vụ tốt hơn trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho khách hàng.

Do đó, việc đầu tư hạ tầng viễn thông tại các khu vực đặc thù nêu trên rất cần có một cơ chế quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải có quy hoạch hạ tầng viễn thông mới được thông qua phê duyệt đề án quy hoạch triển khai, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm hạ tầng viễn thông, tài nguyên internet Việt Nam và cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân được hiệu quả.

Ông Phạm Thanh Sơn- Giám đốc Viettel Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc.

Viettel Tây Ninh đề xuất bổ sung quy định mới như: Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư, phát triển các dịch vụ điện toán đám mây dựa trên các công nghệ mã nguồn mở, tiêu chuẩn mở (open source).

Bổ sung chính sách mới về khuyến khích đặt hàng sản xuất và mua sắm đối với các sản phẩm, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ cao do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất: Để xây dựng ngành công nghiệp điện tử viễn thông trở thành ngành công nghiệp chủ lực, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển, cần có chính sách đẩy mạnh việc lựa chọn, tin dùng các thiết bị điện tử viễn thông, công nghệ thông tin “Make in Viet Nam”. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì hạ tầng kinh tế số là mạng lưới viễn thông.

Đối với giá bán lẻ của đối tượng mua lại dịch vụ bán buôn, đề nghị bổ sung quy định quản lý giá bán lẻ của đối tượng mua buôn, bán lại dịch vụ cho khách hàng nhằm bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, không bán dưới giá thành… Thị trường có nguy cơ phát triển lệch lạc nếu chỉ tập trung cạnh tranh về giá bán lẻ, có nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh nếu không có quy định áp dụng đối với đối tượng mua lại dịch vụ bán buôn có quy mô khách hàng lớn trên thị trường.

Tại buổi làm việc, Viễn thông Tây Ninh cơ bản thống nhất nội dung dự thảo trong luật viễn thông, không có khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông; thống nhất nội dung dự thảo trong luật quy định về chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, không có khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông.

Đại diện Viễn thông Tây Ninh cho biết, quá trình thực hiện chính sách nhà nước về viễn thông: dự thảo nội dung trong luật là phù hợp. Đối với dự thảo nội dung phát triển thị trường viễn thông trong luật là phù hợp. Tuy nhiên, trong tình hình kinh doanh hiện nay, một số khách hàng lợi dụng việc có nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để né tránh nghĩa vụ thanh toán cước viễn thông đã sử dụng theo hình thức nợ cước của nhà mạng mạng này và đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông với nhà mạng khác.

Vì vậy, dự thảo luật cần có điều chỉnh bổ sung nội dung về việc các doanh nghiệp viễn thông không được cung cấp dịch vụ viễn thông cho các cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cước với đơn vị đang ký hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông trước đó, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc thỏa thuận các nội dung tiếp theo liên quan đến quy định dự thảo tại mục b khoản 4 điều 6 và tại khoản 1, khoản 2 điều 23 của dự thảo luật.

Đoàn công tác ghi nhận những ý kiến của hai doanh nghiệp để tổng hợp, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục