Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đoàn ĐBQH tỉnh: Góp ý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thứ sáu: 17:11 ngày 23/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 22.9, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị góp ý dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở sau khi chỉnh lý còn 6 chương và 92 điều. Dự thảo Luật này quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, có nhiều điểm đáng chú ý như quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; đa dạng hoá hình thức công khai thông tin ở cấp xã; các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng như nên gộp Điều 5 và Điều 7 thành một nội dung là “Quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Vì cũng quy định về quyền của công dân, nhấn mạnh quyền thụ hưởng theo quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII không nhất thiết phải thiết kế một điều riêng về quyền thụ hưởng.

Hơn nữa, trong các nội dung dự thảo về quyền thụ hưởng ở Điều 7 có sự trùng lặp với quy định quyền ở Điều 5. Do đó nên gộp chung lại một điều quy định về quyền, tránh rườm rà trong quy định của luật, trong đó lưu ý quyền này giúp thúc đẩy và bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở như quyền được thông tin, quyền được bàn, tham gia ý kiến, quyền quyết định những vấn đề được pháp luật cho phép, quyền được kiểm tra, giám sát và quyền được thụ hưởng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp khác liên quan đến thực hiện dân chủ tại cơ sở.

Cần bổ sung phần nghĩa vụ của công dân về nghĩa vụ tham gia các hội nghị bàn và quyết định các vấn đề tự quản của cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức, tham gia ý kiến vào các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở. Khoản 2 Điều 6 chỉ đề cập đến nghĩa vụ tham gia ý kiến, chưa đề cập đến nghĩa vụ tham gia các hội nghị bàn và tham gia biểu quyết các vấn đề chung của cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đây cũng là cách để giảm tải phần diễn đạt ở các chương sau quy định về sự tham gia của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với nội dung bàn và quyết định, các nội dung về tham gia ý kiến.

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại diện Thanh tra tỉnh cho rằng, về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3 dự thảo Luật), nội dung khoản 5 quy định “Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Tuy nhiên trong toàn bộ dự thảo Luật chỉ thể hiện trách nhiệm công khai; chưa làm rõ minh bạch là gì, từ đó trong quá trình thực hiện sẽ dễ có thiếu sót vì không hiểu bản chất trách nhiệm công khai, minh bạch.

Trên thực tế, nhiều nội dung do UBND cấp xã công khai chỉ đơn thuần là thông tin, số liệu cuối cùng, chưa thể hiện chi tiết, cụ thể; nội dung mang tính chất thông tin, chỉ thị hơn là công khai, minh bạch (ví dụ: danh sách nghĩa vụ dân quân tự vệ nhưng không kèm tiêu chuẩn, điều kiện; công khai kết quả thu - chi quỹ vận động từ nhân dân chỉ có số tổng thu, tổng chi và số tồn, không chi tiết đã thu gì, chi gì hoặc nếu có thì nội dung chỉ ghi chung chung, không rõ ràng như chi tiếp khách, chi bồi dưỡng, chi trà nước…).

Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay cũng chưa có giải thích rõ ràng về khái niệm minh bạch. Theo đó, cần định nghĩa cụ thể khái niệm minh bạch tại Điều 2 theo hướng minh bạch là việc bảo đảm từng nội dung công khai được thể hiện trực quan, rõ ràng, cụ thể và phù hợp với mục đích, yêu cầu của người được tiếp cận thông tin công khai.

Đại diện MTTQ tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Về việc lựa chọn hình thức công khai thông tin (Điều 13 dự thảo Luật) cần bổ sung tại khoản 1 “Trường hợp chưa có trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã thì tổng hợp thông tin công khai gửi về UBND cấp huyện để công bố trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp huyện. 

Những nội dung công khai trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử các cấp không được xoá hoặc điều chỉnh thành chế độ ẩn, hạn chế truy cập và phải được lưu trữ dự phòng thường xuyên để kịp thời phục hồi khi hệ thống gặp sự cố kỹ thuật làm mất dữ liệu đã công khai”. Do việc công khai trực tuyến trên nền tảng cổng/trang thông tin điện tử trong giai đoạn hiện nay đang ngày càng phổ biến; các nội dung thuộc chính quyền cấp xã là những nội dung trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân ở cơ sở; do đó việc thực hiện hình thức công khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử phải đồng bộ từ cấp Trung ương đến cơ sở.

Xét về khối lượng công việc, chính quyền cấp xã bắt buộc phải có trách nhiệm công khai các nội dung theo quy định, do đó không làm tăng khối lượng chuẩn bị nội dung công khai; về chính quyền cấp huyện chỉ có trách nhiệm tạo mục riêng trên cổng/trang thông tin điện tử của mình để công khai các nội dung của cấp xã trực thuộc gửi lên (cấp xã chịu trách nhiệm nội dung do mình gửi lên), không gia tăng đáng kể về khối lượng công việc.

Đồng thời, việc quy định nguyên tắc không được xoá hoặc điều chỉnh thành chế độ ẩn, hạn chế truy cập là để nhằm 2 mục đích: bảo đảm việc khai thác thông tin giai đoạn trước khi có nhu cầu; hạn chế trường hợp xóa thông tin công khai sau khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong nội dung đã công khai.

Tại khoản 4 cần bổ sung sau quy định chính nội dung: “chậm nhất là 2 ngày kể từ ngày Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nhận được thông tin từ UBND cấp xã”. Thực tiễn tại một số nơi Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố còn thiếu trách nhiệm, thông báo thông tin cho các hộ dân khá chậm trễ nên cần ràng buộc về mặt thời gian.

Có ý kiến cho rằng do khoản 4, Điều 2 dự thảo Luật đã quy ước “Tổ chức có sử dụng lao động bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sự nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, trừ cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”, tức là cụm từ “Tổ chức có sử dụng lao động” trong phạm vi dự thảo Luật sẽ dành riêng để chỉ các tổ chức ngoài Nhà nước. Chính vì vậy, tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật cần điều chỉnh “Công dân là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi công tác” thành “Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi công tác” để toàn diện về mặt nội dung…

Kết luận hội nghị, bà Hoàng Thị Thanh Thuý ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của đại biểu để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và có ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV sắp tới.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục