Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Lúc hăm dọa, lúc mềm mỏng - phong cách thất thường của ông Donald Trump không chỉ khiến Trung Quốc bất ngờ mà doanh nghiệp Mỹ cũng hoang mang.
Khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cứ tiến rồi lùi liên tục như trận đấu bóng bàn, John Ling, một doanh nhân tại Nam Carolina, ngày càng bi quan về bất kỳ thỏa thuận nào sẽ đạt được dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Tôi đang rất nghi ngờ rằng liệu có một thỏa thuận nào có thể giải quyết được vấn đề hiện tại", ông Ling hiện là nhà tư vấn cho các công ty Trung Quốc đang làm ăn tại Mỹ, bộc bạch.
Mỹ và Trung Quốc vừa trải qua một tuần với không khí chiến tranh thương mại nóng lạnh liên tục. Tổng thống Trump đã làm náo loạn thị trường chứng khoán hôm thứ ba với tuyên bố có thể chờ để đạt một thỏa thuận sau cuộc bầu cử năm 2020, tức tầm một năm nữa. Hai ngày sau đó, ông lại nói các cuộc đàm phán "đang đi đúng hướng" và các nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết hai nước đã tiến rất gần đến một thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào tháng 1/2019. Ảnh: Reuters
Đến hôm thứ sáu, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow, cho biết thỏa thuận đang đi đến giai đoạn cuối cùng nhưng các đề xuất về việc Trung Quốc sẽ mua nông sản Mỹ ra sao vẫn đang được thảo luận. Chính quyền Trump thì vẫn bỏ ngỏ khả năng tiếp tục áp thuế thêm 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào 15/12 tới, nếu không có gì thay đổi.
Ông Trump từ lâu đã có phong cách thích tạo áp lực trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là khi vào giai đoạn nước rút. Vào tháng 9, Trump nói rằng ông sẽ không hài lòng về một thỏa thuận một phần với Trung Quốc, chỉ vài tuần trước khi ông và Chủ tịch Tập Cận Bình công bố những phác thảo của thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Ngay cả khi chiến lược của ông có thể giúp đạt được sự nhượng bộ, thì theo Bloomberg, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vẫn không thể nào lập kế hoạch cho tuần tới, tháng tới vì không biết chuyện gì sẽ đột ngột xảy ra.
"Tôi thật sự rất nản. Tôi không biết phải lên kế hoạch thế nào. Đó chính là vấn đề", Curt Christian, chủ một nhà nhập khẩu đồ gỗ tại Nashville (Tennessee) nói vào hôm thứ năm, khi chứng kiến thị trường chứng khoán cứ "nhảy múa" trong tuần.
Christian đã từng phá sản một doanh nghiệp đồ nội thất vào đầu những năm 2000, khi làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đã tàn phá phần lớn ngành công nghiệp đồ gỗ của Mỹ. Sau đó, ông quyết định lập một công ty mới, Function First Furniture, chuyên cung cấp đồ nội thất cho ký túc xá của trường đại học. Doanh thu của ông khoảng vài chục triệu USD.
Ông ủng hộ chính quyền Trump trong việc đòi lại thương mại công bằng với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói cũng phải cần thêm thời gian để đối phó với các tác động từ thuế quan. Dù nhập khẩu một số đồ nội thất từ Việt Nam và Malaysia, nhưng 70% nguồn hàng của công ty ông vẫn đến từ Trung Quốc.
"Phải cho tôi thời gian chứ tôi không thể nào bỏ ra 35 triệu USD để đặt hàng và nhận được nó ngay sau một đêm cả", Curt Christian nói.
Các công ty khác cũng đưa ra bình luận tương tự, về việc không thể thay đổi kế hoạch đầu tư hoặc nhà máy khi họ không biết rằng cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài bao lâu.
Delta Children (New York) chuyên nhập khẩu cũi trẻ em từ Trung Quốc và vài nước châu Á khác. Chủ tịch công ty Joe Shamie cho biết doanh số đã giảm kể từ khi thuế quan có hiệu lực.
Joe Shamie nói sẽ cân nhắc chuyển nguồn cung khỏi Trung Quốc nếu biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Thay vào đó, ông sợ phải hành động vì một thỏa thuận cắt giảm thuế quan có thể đến bất cứ lúc nào. "Hãy tưởng tượng bạn sắp mua một ngôi nhà, và có một tin đồn rằng ngôi nhà đó khả năng sẽ giảm giá một nửa vào ngày mai. Như vậy thì bạn biết phải làm sao?", ông nói.
Jay Foreman, chủ công ty đồ chơi Boca Raton (Florida) nói rằng chỗ ông chỉ cách khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Trump chỉ 25 dặm. Thế nên, ông thường đùa là rất muốn thảo luận về thương mại với tổng thống trong bữa trưa. Bởi lẽ, hiện ông chỉ có thể biết về cuộc chiến thương mại qua tin tức các dòng tweet của Trump, một cách "giống như các đợt tăng huyết áp và cholesterol của tôi", ông nói.
Hay như Foreman, ông chủ của hãng đồ chơi Basic Fun!, nổi tiếng khắp nước Mỹ với các sản phẩm như Lincoln Logs hay xe tải Tonka. Ông thừa nhận 90% sản phẩm đang được gia công tại Trung Quốc và tất cả sản phẩm mùa Giáng Sinh năm nay đều trong diện bị đánh thuế của Mỹ.
Điều ông hoang mang là rốt cuộc vẫn chưa biết 15% thuế áp thêm 160 tỷ hàng Trung Quốc vào ngày 15 tới có thực sự được triển khai hay không, trong lúc hàng của ông đang lênh đênh trên biển, trong hành trình đến Mỹ. Nếu có thì ông phải biết trước để tăng giá bán sản phẩm ít nhất là 15%.
"Hãy hình dung bạn có 180 nhân viên và 100 container sắp cập cảng vào bất cứ ngày nào trong 3 tuần tới. Và chúng ta thì không biết phải tốn thêm bao nhiêu, 15%, 20% hay 25%. Bởi vì, chính quyền này quá khó lường", Foreman nói hôm thứ sáu vừa qua.
Nguồn VNE (theo Bloomberg)