Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong bối cảnh nền kinh tế đang suy giảm hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn về tài chính nhưng lại phải duy trì sự tồn tại, ổn định và phát triển để đứng vững trên thị trường.
Quy trình chế biến cao su ở một nhà máy cao su trên địa bàn huyện Tân Châu.
Bên cạnh việc tái cấu trúc, các doanh nghiệp cần phải chú trọng sử dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến để vực dậy doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp, hơn lúc nào hết cần sự chia sẻ để nâng cao năng lực của mình một cách bền vững và góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, quá trình phổ biến hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã giúp doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các QCVN, TCVN; tiếp cận thông tin, cập nhật công nghệ tiên tiến thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, phù hợp với những yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn được hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2016 -2019 tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 24 doanh nghiệp và Trung tâm Hành chính công tỉnh Tây Ninh với 33 lượt hỗ trợ. Trong đó có 6 doanh nghiệp với 10 lượt hỗ trợ đã xin ngưng không hỗ trợ; còn lại hỗ trợ 18 doanh nghiệp và Trung tâm Hành chính công tỉnh Tây Ninh với 23 lượt hỗ trợ, bao gồm 18 hệ thống quản lý tiên tiến, 1 công cụ cải tiến và 4 sản phẩm chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp tham gia các dự án, chương trình đều có những thành công và dần khẳng định tên tuổi trên thị trường. Điển hình như nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tham gia dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt giải thưởng chất lượng quốc gia.
Kết quả, 3 doanh nghiệp đạt giải vàng, 8 doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được UBND tỉnh tặng bằng khen; có 2 doanh nghiệp đã hoàn chỉnh hồ sơ và đề xuất Hội đồng quốc gia tặng giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2019.
Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai các hoạt động về thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa được các doanh nghiệp chú ý tham gia; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với các sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Hơn nữa, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tài chính và trình độ quản lý còn thấp nên việc nhận thức tầm quan trọng, sự cần thiết phải áp dụng và duy trì các công cụ cải tiến năng suất chất lượng còn hạn chế. Các khóa đào tạo về năng suất chất lượng tuy được doanh nghiệp đăng ký tham dự nhưng một số doanh nghiệp cử cán bộ tham dự chưa phù hợp với nội dung khóa học, đặc biệt là chưa thu hút được lãnh đạo doanh nghiệp tham dự nên việc áp dụng sau đào tạo chưa đạt hiệu quả cao.
Doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm khi áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến
Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam được duy trì thực hiện, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, hiện đại trong quá trình sản xuất. Từ đó đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Hạnh- Phó Giám đốc Công ty Cao su Tây Ninh cho biết, hiện nay Công ty đang thực hiện, duy trì tốt 3 hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, ISO 14001: 2015, ISO/IEC 17025: 2017 và công cụ nâng cao năng suất chất lượng Kaizen. Công ty đã xây dựng và áp dụng chương trình cải tiến Kaizen từ năm 2015 đến nay đã đem lại lợi ích thiết thực.
Cụ thể, từ năm 2015 - 2019 công ty có 63 chủ đề sáng kiến hoàn thành. Các chủ đề cải tiến đã tiết kiệm được nhiên liệu, vật tư, hóa chất, điện năng, giảm nhân công lao động, bảo vệ môi trường, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Từ đó, giúp công ty tiết kiệm 7,2 tỷ đồng.
Đoàn đại biểu tỉnh tham quan các sản phẩm chế biến từ mủ tại nhà máy cao su trên địa bàn huyện Tân Châu.
Ngoài ra, công ty còn hướng tới áp dụng chương trình phát triển bền vững theo tiêu chuẩn FSC, chương trình kiểm toán năng lượng, công cụ nâng cao năng suất chất lượng sản xuất tinh gọn CLEAN, xây dựng hệ thống thẻ cân bằng điểm (Balanced scorecard) và áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể ứng dụng công nghệ Blockchain trong ngành nông nghiệp như: bảo đảm chất lượng sản phẩm (QA), truy xuất nguồn gốc, quản lý thời gian thực, chuỗi cung ứng...
Ông Hạnh cho biết thêm, từ khi áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, thì chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao và ổn định. Đặc biệt, sản phẩm cao su của công ty được xây dựng thương hiệu VRG và nhãn hiệu Cao su Việt Nam có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
Để luôn giữ vững, ổn định vị thế của mình trên thị trường cao su, trong năm 2020, công ty sẽ tiếp tục thực hiện và duy trì công cụ cải tiến năng suất chất lượng Kaizen, đồng thời các đơn vị của công ty đang tích cực đăng ký các chủ đề cải tiến cho bộ phận của mình. Bên cạnh đó, Công ty phải tự làm mới, làm tốt như năng suất vườn cây cao, giá thành hạ, duy trì chất lượng ổn định, đa dạng hóa sản phẩm, chế độ hậu mãi và giá bán cao hơn.
Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh” năm 2020, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Theo Kế hoạch, Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cụ thể như: Xây dựng, áp dụng 2 hệ thống quản lý tiên tiến, 2 công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng; chứng nhận 2 sản phẩm hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp với quy chuẩn Việt Nam; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với 4 sản phẩm chưa có Tiêu chuẩn Quốc gia và triển khai hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2020, với tổng kinh phí 524 triệu đồng. Ngoài ra, Dự án còn có những chính sách hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở không quá 5 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công bố hợp chuẩn và hợp quy không quá 20 triệu đồng/sản phẩm; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến không quá 50 triệu đồng/hệ thống; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng không quá 70 triệu đồng/công cụ. |
Nhi Trần