Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
"Doanh nghiệp thuốc lá luôn tìm cách can thiệp vào chính sách phòng chống thuốc lá ở Việt Nam"
Thứ năm: 10:41 ngày 26/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mua chuộc ngầm hoặc công khai các quá trình xây dựng chính sách; thổi phồng vai trò kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá; bóp méo ý kiến công chúng để tạo hình ảnh doanh nghiệp tốt... là một số cách can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.

Thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ hai

Tại hội thảo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do Bộ Y tế và WHO phối hợp tổ chức ngày 25/9, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - khẳng định các nghiên cứu tại Việt Nam gần đây cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là trong giới trẻ.

Chỉ trong 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023. Trong đó, cao nhất ở nhóm 15 - 24 tuổi, với tỉ lệ là 7,3%, nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.

Thuốc lá là nguyên nhân khiến nhiều người bị ung thư phổi.

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và cũng gây nghiện tương tự như thuốc lá điếu thông thường. Do vậy, không thể coi là giảm tác hại thuốc lá điếu bằng cách cho sử dụng một sản phẩm gây nghiện khác và tạo ra một thế hệ người nghiện mới, kể cả trẻ em và phụ nữ.

Các sản phẩm thuốc lá mới nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và những kết quả của hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được trong nhiều năm qua sẽ bị phá bỏ.

Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khoẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, cũng cho biết thuốc lá đang gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới do các bệnh ung thư và các bệnh mãn tính như tim mạch, đột quỵ, phình động mạch vành, động mạch chủ … Hút thuốc thụ động ở trẻ em gây các bệnh u não, tai giữa, hô hấp …

Mỗi năm có 1.000.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Trong đó, 64% do hút thuốc thụ động là nữ; 165.000 ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 2 trên toàn cầu

Đại diện của WHO chỉ ra: Gốc rễ của vấn đề chính là ngành công nghiệp thuốc lá gồm một nhóm các doanh nghiệp nhằm thu lợi nhuận từ các sản phẩm thuốc lá, luôn là một thách thức tại rất nhiều quốc gia.

Cảnh giác với các hình thức can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá

Đặc biệt, WHO thẳng thắn chỉ ra các hình thức can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá. Đó là mua chuộc ngầm hoặc công khai các quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; Thổi phồng về vai trò kinh tế của ngành ngành công nghiệp thuốc lá; Bóp méo các luồng ý kiến công chúng nhằm tạo hình ảnh doanh nghiệp tốt; Tìm cách làm giảm giá trị các bằng chứng nghiên cứu; Tìm cách hăm dọa các chính phủ bằng các vụ kiện thương mại ở cấp quốc tế.

Nạn nhân của thuốc lá mới.

Do đó, theo WHO, ngành công nghiệp thuốc lá đã thu xếp được một hợp đồng miễn thuế lâu dài ở một nước, rồi mời các nhà hoạch định chính sách tham dự sự kiện bên lề nhân một hội thảo quốc tế về y tế công cộng.

Một thủ thuật nữa của ngành công nghiệp thuốc lá là sử dụng các hoạt động tài trợ và danh nghĩa khoa học để đánh bóng hình ảnh và gây ảnh hưởng.

“Công ty Phillip Moris gần đây đã dựng lên hai tổ chức lấy tên mỹ miều là Tổ chức “Thế giới không khói thuốc”, nhắm tới tài trợ các nghiên cứu về phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên có một mâu thuẫn nội tại về bản chất, vì tổ chức này được tài trợ chính bởi công ty thuốc lá” - Đại diện của WHO dẫn chứng.

Công ty Phillip Moris cũng định vị IQOS là sản phẩm “không khói thuốc”, trong khi các nghiên cứu độc lập đưa ra kết quả hoàn toàn khác. IQOS chưa được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong so với hút thuốc lá.

Cũng theo WHO, một số tổ chức gần đây xuất hiện như CAPHRA, Factasia and Institute R Street đã lấy danh nghĩa khoa học để gây ảnh hưởng tới chính phủ.

Ngành công nghiệp thuốc lá cũng vận động bãi bỏ quy định hoặc nới lỏng lệnh cấm với lý do khỏi thất thu thuế (ở Malaysia, Philippines) hay vận động “Hài hòa hóa mục tiêu thuế với phát triển doanh nghiệp” (ở Việt Nam), đồng thời, tìm cách nới lỏng kiểm soát sản phẩm thuốc lá mới.

Các cửa hàng trải nghiệm HTP (thuốc lá nung nóng) nhỏ cũng bán đồ ăn và thức uống được ngành công nghiệp thuốc lá thiết lập, rồi tuyển dụng các đối tác mới và các nhóm bình phong có vẻ trung lập (như hiệp hội các siêu thị).

Can thiệp vào ở Việt Nam

WHO cũng chỉ rõ ngành công nghiệp thuốc lá đã luôn tìm cách can thiệp vào chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam. Gần đây nhất là sự can thiệp của một nhóm gồm 9 người trong ngành y từ một số nước trong khu vực, thông qua một công ty có tên là Asia.

Họ cũng tấn công các cá nhân và tổ chức kiểm soát thuốc lá và sức khỏe cộng đồng bằng nhiều cách.

“Có sự mâu thuẫn về bản chất và không thể xóa bỏ giữa lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá và lợi ích của các chính sách y tế công cộng. Ngành công nghiệp thuốc lá đặt lợi nhuận của họ lên trên tính mạng con người. Vì thế, để cứu hàng triệu sinh mạng mỗi năm, hãy thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá” - đại diện WHO khẳng định.

WHO khuyến cáo cần tăng cường nhận thức về sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá, ban hành quy tắc ứng xử khi tương tác với ngành này. Ngoài ra, cần từ chối các thỏa thuận hợp tác hay thỏa thuận tự nguyện với ngành công nghiệp thuốc lá; Yêu cầu thông tin minh bạch và chính xác từ ngành công nghiệp thuốc lá và kiểm soát các hoạt động gọi là trách nhiệm doanh nghiệp của ngành công nghiệp thuốc lá. Cũng theo WHO, cần cấm các ưu đãi dành cho ngành công nghiệp này.

"Ngành CNTL không thể là đối tác trong bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến việc xây dựng hay triển khai chính sách y tế công cộng, vì lợi ích của nó xung đột trực tiếp với mục tiêu của y tế công cộng", WHO cho hay. Các quốc gia tham gia Công ước không được chấp nhận, ủng hộ hay xác nhận bất kỳ đề nghị hỗ trợ hoặc đề xuất luật hay chính sách kiểm soát thuốc lá nào do ngành công nghiệp thuốc lá dự thảo hay phối hợp dự thảo.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm ví dụ Australia có hướng dẫn cho công chức 2019 về tương tác với công nghiệp thuốc lá. New Zealand quy định các tương tác với ngành công nghiệp thuốc lá phải được đăng ký và thông báo trên webside Bộ Y tế. Nhật nghiêm cấm việc chấp nhận tài trợ để đổi lấy ảnh hưởng.

Hàn Quốc có Bộ quy tắc ứng xử, nghiêm cấm các quan chức nhận tất cả các loại tài trợ, đối xử từ bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sẽ nhận được lợi thế hoặc bất lợi do kết quả trực tiếp của quyết định hoặc việc thực hiện các chính sách của chính phủ hoặc công chúng, dự án.

Bên cạnh việc cảnh giác với các hình thức can thiệp này, WHO cho rằng cần sử dụng mạng xã hội để thông báo và phản đối các hành động can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá...

Nguồn viettimes

Tin cùng chuyên mục