Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 13.10, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó có việc cho phép một số tuyến vận tải hành khách nội tỉnh hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng.
Xe vận tải hành khách liên tỉnh vẫn chưa được phép hoạt động trở lại.
Taxi, xe buýt chưa sẵn sàng khởi động
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, tại các địa phương/vùng cấp 1 (nguy cơ thấp- tương ứng với màu xanh) và cấp 2 (nguy cơ trung bình- tương ứng với màu vàng), tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách đường bộ, xe tuyến cố định, xe vận chuyển khách du lịch; xe taxi được hoạt động không quá 30% số lượng xe của đơn vị vận tải (được Sở GTVT cấp phù hiệu theo quy định); bảo đảm vận chuyển không quá 50% sức chứa/chuyến xe; xe buýt được hoạt động không quá 30% số chuyến xe/ngày/tuyến, bảo đảm vận chuyển không quá 50% sức chứa/chuyến xe.
Riêng xe hợp đồng, được hoạt động để vận chuyển hành khách đi lại khám, chữa bệnh, cấp cứu, người hoàn thành cách ly, người khỏi bệnh Covid-19. Xe đưa rước công nhân, chuyên gia vận chuyển không quá 50% sức chứa/chuyến xe.
Theo đại diện HTX xe buýt Đồng Tiến, trong thời gian tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh, xã viên và người lao động không có thu nhập, cuộc sống rất khó khăn. Thế nhưng, để xe buýt hoạt động trở lại không phải là chuyện một sớm, một chiều. Cụ thể, cần phải kiểm tra máy móc, phương tiện, thậm chí nhiều xe hết hạn đăng kiểm phải đi đăng kiểm lại. HTX phải tổ chức họp để lắng nghe nguyện vọng của xã viên mới có kế hoạch đăng ký cụ thể với Sở GTVT theo quy định.
Đại diện HTX xe buýt Đồng Tâm cho biết thêm, chỉ khi nào có xe vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt mới hoạt động ổn định. Trong điều kiện hiện nay, giá dầu tăng giá, nếu xe buýt hoạt động lại mà không có khách, các xã viên vốn đã khó khăn- từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại càng thêm khó khăn.
Theo Hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách tham gia giao thông (trừ vận tải hàng không, đường sắt) phải đáp ứng các yêu cầu như tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Về xét nghiệm y tế, Bộ GTVT chỉ yêu cầu xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở. Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp: có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong toả); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn. Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong toả). Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ. |
Mặt khác, các tuyến xe buýt trong tỉnh đều không được trợ giá, nếu hoạt động mà không có hiệu quả, các xã viên cũng không dám đăng ký, trong khi theo quy định, mỗi đơn vị vận tải chỉ được phép hoạt động không quá 30% số lượng xe; mỗi chuyến không quá 50% sức chứa. Với tần suất như vậy, khoảng cách thời gian của mỗi chuyến xe khá dài, rất khó có khách. Tại TP. Hồ Chí Minh, dù đã có một số tuyến xe buýt được trợ giá hoạt động trở lại, nhưng hầu như không có khách.
Tâm lý khách hàng chưa ổn định
Cũng theo các HTX xe buýt, dù tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhưng người dân vẫn còn ngại sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Tương tự, đại diện Taxi Mai Linh Tây Ninh cho biết, chi nhánh đã chuẩn bị kế hoạch đăng ký với Sở GTVT để hoạt động trở lại. Tuy nhiên về hiệu quả, chắc chắn không khả quan, chủ yếu phục vụ những trường hợp cấp thiết như đi khám bệnh, đưa bệnh nhân về nhà…
Đại diện Taxi Mai Linh Tây Ninh nhận định, để hoạt động ổn định, cần phải chờ thêm một thời gian nữa, khi người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ.
Xe khách tuyến cố định ngoại tỉnh: Khó khăn chồng chất khó khăn
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, các tuyến hành khách cố định liên tỉnh vẫn tiếp tục dừng hoạt động. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, dù có được phép hoạt động trở lại, cũng phải mất khá nhiều thời gian để khắc phục khó khăn.
Đại diện Công ty Đồng Phước cho biết, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, hơn 100 chiếc xe khách tuyến Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại nằm bãi chờ. Hiện nay, qua kiểm tra, nhiều xe đã hư bình, chi phí thay thế không nhỏ. Dù ngưng hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn thường xuyên theo dõi thông tin, khi tỉnh cho hoạt động lại, doanh nghiệp sẽ triển khai từng bước phù hợp, không thể vội vàng.
Theo đại diện nhà xe Nam Phát, doanh nghiệp này hoạt động 2 tuyến cố định là Tây Ninh - Đà Lạt và Tây Ninh - Châu Đốc, phần lớn khách hàng đi du lịch, viếng chùa, thăm thân nhân… Do đó, khi tỉnh cho hoạt động trở lại, doanh nghiệp cũng phải khảo sát tình hình thực tế mới đăng ký.
Qua trao đổi, các doanh nghiệp cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải hành khách luôn được các doanh nghiệp chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, để hoạt động vận tải hành khách trở lại như trước đây là một thách thức, trong đó phụ thuộc không nhỏ vào tâm lý khách hàng về sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Tấn Hưng
“… Người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện vận tải:
a. Trường hợp đang có nơi ở (nhà) thuộc địa phương/vùng cấp 3 (nguy cơ cao- tương ứng với màu cam) hoặc cấp 4 (nguy cơ rất cao- tương ứng với màu đỏ) khi đến làm việc tại các địa phương/vùng cấp 1 hoặc cấp 2 (được cho phép hoạt động vận tải hành khách), phải thực hiện “ăn - nghỉ - làm việc” tại địa phương/vùng cấp 1 hoặc cấp 2; không được về nhà cho đến khi có quyết định điều chỉnh giảm cấp độ nguy cơ dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền đối với nơi đang ở. Đồng thời, trước khi rời khỏi nơi đang ở đến làm việc trong địa phương/vùng cấp 1 hoặc cấp 2 phải đáp ứng điều kiện sau:
- Người có nơi ở (nhà) tại địa phương/vùng cấp 3: phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
- Người có nơi ở (nhà) tại địa phương/vùng cấp 4: phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
b. Xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) trong quá trình làm việc:
- Khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
- Tại địa phương/vùng cấp 1, cấp 2: xét nghiệm hằng tuần (7 ngày/lần).
c. Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; bảo đảm đã tạo mã QR cá nhân quốc gia, mã QR có thể ở dạng điện tử trên điện thoại di động, dán trên các thẻ nhân viên hoặc thẻ in giấy. Yêu cầu phải quét mã QR tại điểm kiểm dịch của tất cả các điểm đến.
d. Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho hành khách sử dụng; áp dụng các biện pháp thông gió tự nhiên phù hợp với từng loại phương tiện; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hằng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều như bề mặt vô-lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện... Chú ý đối với xe taxi: phải lau chùi tay nắm cửa, ghế ngồi của xe sau mỗi lần hành khách lên, xuống xe bằng dung dịch sát khuẩn nhanh”.
(Trích Kế hoạch số 3560/KH-UBND ngày 13.10.2021 của UBND tỉnh về tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19)