Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Doanh nhân trẻ Cao Tài Lộc-“Đoá hoa của đất”
Thứ bảy: 22:50 ngày 26/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Rẽ bước từ một thạc sĩ truyền thông sang kinh doanh nông sản và ẩm thực, chàng trai Cao Tài Lộc (sinh năm 1989, ngụ phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) đã gặt hái được những thành công trên con đường khởi nghiệp sau chặng khởi đầu đầy thách thức.

Doanh nhân trẻ Cao Tài Lộc.

Xa phố, về quê lập nghiệp

Tốt nghiệp đại học, năm 2011, Cao Tài Lộc nhận được học bổng của Indonesia dành cho sinh viên đang theo học tiếng Indonesia sang quốc gia này học tập 1 năm. Sau đó, anh tiếp tục nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần và tốt nghiệp thủ khoa. Trong suốt thời gian học ở nước ngoài, anh luôn tâm niệm phải đem một món ăn gì đó về Việt Nam và phát triển sự nghiệp tại quê nhà.

Trở về Việt Nam, anh được nhiều công ty lớn “săn đón” với mức lương đáng mơ ước. Nhưng, tuổi trẻ với nhiều khát khao thôi thúc Lộc trải nghiệm và thử thách chính mình, dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Anh thành lập Công ty TNHH thương mại và đầu tư Ông Kao Tây Ninh, bắt đầu công việc nhập khẩu nông sản (gừng, trái nhàu) từ Indonesia về Việt Nam phân phối; và kinh doanh ẩm thực chay, phát triển nông nghiệp sạch.

Bước khởi đầu đầy khó khăn khi dự án kinh doanh ẩm thực không đem lại hiệu quả như mong đợi, liên tục thua lỗ. Anh dặn lòng dừng lại một chút, tiếp tục công việc nhập khẩu nông sản và phiên dịch của mình, đồng thời tìm hướng đi phù hợp. Nhận thấy tinh bột nghệ có tác dụng rất tốt đối với sức khoẻ con người, anh quyết định chuyển sang kinh doanh tinh bột nghệ và một số sản phẩm như muối ớt, nhang quế, nhang trầm.

Đồng thời, anh phát triển món tempe- một món ăn từ đậu nành lên men của Indonesia mà anh đã được người bản xứ hướng dẫn làm. Tất cả đều hướng đến mục đích cuối cùng là làm ra thực phẩm theo tiêu chí thuận tự nhiên, an toàn cho con người, thân thiện môi trường.

Có ý tưởng, định hình được những gì phải làm, anh Lộc bắt tay vào công việc. Anh đi các tỉnh Đồng Nai, Đăk Lăk để học cách làm tinh bột nghệ, thu mua nghệ. Khi đã nắm được kha khá kỹ thuật, anh bắt đầu tuyển nhân viên, sẵn sàng cho sự khởi đầu mới. Năm 2016, tinh bột nghệ Cao Lộc với 3 sản phẩm tinh bột nghệ củ nhánh, tinh bột nghệ củ cái và viên tinh bột nghệ mật ong chính thức “lên kệ” ở cửa hàng Vườn Ông Kao (phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh). Tinh bột nguyên chất 100%, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên có nhiều khách hàng và doanh nghiệp quan tâm.

Anh Lộc cho biết, vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, anh đặc biệt kỹ lưỡng trong tất cả các khâu sản xuất từ chọn nguyên phụ liệu đầu vào, rửa, sơ chế nghệ tươi, xay, lọc, ngâm, phơi, tách tinh chất đến đóng gói thành phẩm. “Làm ăn lâu dài, uy tín là yếu tố trên hết. Quảng cáo, PR chỉ là giải pháp tức thời. Tôi kiên trì theo đuổi nguyên tắc riêng của mình trong kinh doanh”- Lộc chia sẻ. Song song đó, anh Lộc vẫn nhập khẩu gừng từ Indonesia về Việt Nam để phân phối cho các chợ. Mỗi vụ gừng anh nhập từ 10-20 container hàng.

Sau khi việc nhập khẩu gừng, kinh doanh tinh bột nghệ “đi vào quỹ đạo”, anh Lộc bắt đầu thử nghiệm làm tempe tại Tây Ninh- món ăn anh ấp ủ sẽ “Việt hoá” khi theo học nơi xứ người. Dù đã học hỏi quy trình kỹ càng từ người bản xứ, nhưng do khí hậu, thời tiết, độ ẩm khác nhau nên những mẻ tempe đầu tiên (khoảng 100kg đậu nành/mẻ) đều bị hư. Không bỏ cuộc, anh Lộc thử nhiều phương pháp để làm ra tempe lên men đúng với vị nguyên bản.

Món ăn này được người Indonesia gói bằng túi ni-lông nhưng anh Lộc lại chọn cách gói bằng lá chuối. Chia sẻ vấn đề này, anh Lộc cho biết: “Gói bằng túi ni-lông giá thành rẻ hơn, gói nhanh hơn nhưng khi sử dụng sẽ thải ra môi trường rác nguy hại. Trong khi đó, tôi lại đang muốn sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, giữ vệ sinh môi trường, nên dù gói bằng lá chuối cho lợi nhuận không cao vì giá thành lá đắt, nhiều công đoạn sơ chế, tôi vẫn làm”. Một số nhà hàng yêu cầu anh sử dụng túi ni-lông thay cho lá chuối để gói tempe, anh cương quyết từ chối với lý do không thân thiện với môi trường.

Để “Việt hoá” món tempe, anh Lộc đã mày mò, chế biến tempe tươi thành các món ăn phù hợp với khẩu vị của người Việt như tempe kho xá xíu, kho sả nghệ, kho tiêu, chiên bột giòn… và được nhiều khách hàng ở ngoài tỉnh đặt mua.

Hiện lợi nhuận của tempe chưa cao (chỉ ở mức từ 5 - 10 triệu đồng/tháng), nhưng anh Lộc cho biết vẫn cảm thấy vui vì bước đầu của hành trình khởi nghiệp đang đi đúng hướng. “Con đường kinh doanh nông sản và ẩm thực chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng tôi nghĩ cốt lõi vẫn là phải minh bạch, sản xuất theo đúng định hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Trước mắt tôi làm để khách hàng cảm nhận thay vì quảng cáo, PR sản phẩm rầm rộ”.

Để khép kín quy trình, bảo đảm sạch từ khâu gieo trồng đậu đến thành phẩm, vừa qua, anh Lộc đã cho gieo trồng đậu nành theo phương pháp hữu cơ, sử dụng phân trùn quế và không trồng đậu biến đổi gen.

Anh Lộc tìm hiểu về mô hình nuôi trùn quế lấy phân.

Doanh nhân có tấm lòng nhân ái

Cuộc sống của gia đình anh Lộc vốn khó khăn nên từ nhỏ anh đã nung nấu ước mơ được “xuất ngoại” làm giàu, trước là vì bản thân và gia đình, sau là để có điều kiện kinh tế giúp đỡ những số phận bất hạnh trong xã hội mà anh chứng kiến.

Lộc nói: “Những người có điều kiện kinh tế thì đóng góp của cải để làm từ thiện, mình không có thì góp sức. Từ khi còn đi học, tôi thường tham gia các chương trình thiện nguyện lúc rảnh rỗi, trước là giúp đỡ mọi người, sau là trau dồi thêm vốn tiếng Anh, tiếng Indonesia. Người Việt sang đó gặp khó khăn (dù là không quen biết) tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ. Lúc mình khó khăn trong công việc, được mọi người giúp đỡ nhiều, nên nếu giúp được ai thì nhất định tôi không quay lưng, với phương châm: tìm đúng người khó, giúp đúng người cần”.

Vừa qua, anh Lộc đã xây dựng dự án hệ sinh thái xanh “Hoa của đất”, lần đầu được tổ chức tại mái ấm Bách Hoa Trang (ấp Trường Phước, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) nhằm thử nghiệm mô hình nuôi trùn quế xử lý rác thải, tạo phân trùn quế để trồng rau và cây ăn trái; chia sẻ kiến thức về rác thải, phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế... Mô hình này hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ sạch và thân thiện môi trường với thông điệp “Con người là hoa của đất nên chúng ta phải bảo vệ và cải tạo đất”.

Để triển khai dự án này, anh Lộc đi học cách nuôi trùn quế, mua phân trùn, đầu tư xây dựng chuồng nuôi trùn, hướng dẫn các em nhỏ cách phân loại rác… Tất cả chi phí thực hiện dự án đều do công ty của anh Lộc tài trợ. Mong muốn của anh là truyền được thông điệp sản xuất sạch, mang thực phẩm sạch đến cho mọi người.

VŨ NGUYỆT

Tin cùng chuyên mục