Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Doanh thu dịch vụ bưu chính Việt Nam chủ yếu là vận chuyển gói, kiện
Thứ năm: 09:06 ngày 30/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Doanh thu dịch vụ bưu chính trong nước tăng trưởng đều nhưng đang có dấu hiệu chững lại, trong đó, doanh thu từ dịch vụ gói, kiện chiếm đến 90%.

Doanh thu dịch vụ bưu chính đến từ vận chuyển gói, kiện

Ngày 27/11, tại TP.HCM, Bộ TT&TT đã tổ chức diễn đàn doanh nghiệp bưu chính năm 2023 với chủ đề “cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính”.

Doanh thu dịch vụ bưu chính Việt Nam chủ yếu đến từ chuyển phát gói, kiện. Ảnh minh hoạ.

Báo cáo tổng quan thị trường bưu chính năm 2023, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ bưu chính cho biết, doanh thu dịch vụ bưu chính từ năm 2019-2023 tăng trưởng đều (trung bình trên 20%/năm), tuy nhiên, đang có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây, ước tính năm 2023, doanh thu toàn ngành đạt 59 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu dịch vụ gói, kiện tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dịch vụ bưu chính (khoảng 1,5 lần) và đang có xu hướng tiếp tục tăng, năm 2023 ước tính 53.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 90%. Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, chủ yếu trong sự tăng trưởng của doanh thu dịch vụ bưu chính, doanh thu gói kiện cho thương mại điện tử (TMĐT) chiếm tỷ trọng quan trọng, năm 2023, ước tính 38,2 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 60% trong doanh thu dịch vụ bưu chính.

Theo ông Lã Hoàng Trung, sản lượng dịch vụ bưu chính tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2019-2023 (trung bình trên 36%), xu hướng khá ổn định. Sản lượng dịch vụ gói, kiện tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng sản lượng bưu chính (khoảng 18%), chiếm tỷ trọng chủ yếu trong dịch vụ bưu chính (khoảng 82%) và đang có xu hướng tiếp tục tăng (năm 2023 ước tính khoảng 88%). Sản lượng gói, kiện TMĐT chiếm tỷ trọng quan trọng (khoảng 74%) trong sản lượng dịch vụ bưu chính.

Hệ thống pháp lý thiếu đồng bộ, cần có quy định thống nhất

Theo bà Hà Thị Hoà, Trưởng ban Dịch vụ Bưu chính của Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam (Vietnam Post), một trong những vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực bưu chính đó là hệ thống pháp lý thiếu tính đồng bộ. Hiện tại chưa có hệ thống quy phạm pháp luật quản lý đồng bộ, toàn diện hoạt động chuyển phát, vận chuyển hàng hoá, quản lý hoạt động TMĐT.

Các quy phạm pháp luật về bưu chính và TMĐT rải rác nhiều bộ ngành chưa theo kịp sự phát triển của TMĐT. Các khái niệm và phạm vi dịch vụ bưu chính còn bị hạn chế so với tốc độ phát triển chung của thị trường, đặc biệt đối với các hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới, dẫn đến việc quy định luật pháp chưa theo kịp và tồn tại nhiều lỗ hổng về pháp lý. Chẳng hạn, Luật Bưu chính ra đời từ năm 2010, lúc đó chưa có TMĐT.

Theo đại diện Vietnam Post, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét xây dựng thông tư liên tịch quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của luật; Giải quyết những vướng mắc ngắn hạn, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bưu chính. Về dài hạn, theo bà Hà Thị Hoà, cần kiện toàn và đổi mới toàn bộ các hệ thống luật liên quan, xây dựng hệ thống luật riêng quản lý toàn diện hoạt động kinh doanh các mô hình TMĐT trong đó bao gồm và phân cấp hoạt động chuyển phát hàng hoá TMĐT qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đắc Luân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính cũng cho biết, hiện nay, chưa có hệ thống quy phạm pháp luật quản lý đồng bộ, toàn diện hoạt động chuyển phát, vận chuyển hàng hóa, hoạt động TMĐT. Các quy phạm pháp luật đang nằm rải rác tại văn bản khác nhau của các bộ, ban, ngành.

Cụ thể, các mặt hàng cấm gửi hoặc gửi có điều kiện đang được quản lý bởi Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng…

Hoạt động vận chuyển được quản lý bởi Bộ Giao thông vận tải; Thuế và các vấn đề liên quan giám sát hải quan được quản lý bởi Bộ tài chính, Tổng cục hải Quan; Vấn đề cấp phép cho các doanh nghiệp bưu chính được quản lý bởi Bộ Thông tin và Truyền thông; Vấn đề quảng cáo, khuyến mại được quản lý bởi Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Để thống nhất trong việc quản lý toàn ngành, đại diện Hiệp hội Bưu chính cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét và xây dựng thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của luật, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bưu chính. Đặc biệt là cần có văn bản riêng quản lý toàn diện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT và hậu cần TMĐT.

Trước các vấn đề của các doanh nghiệp đặt ra, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiến hành sửa đổi Luật Bưu chính, các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ được đưa vào; Đồng thời ông cũng mong rằng các doanh nghiệp trong toàn ngành sẽ đưa ra các ý kiến đóng góp để hoàn thiện việc sửa đổi Luật này.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục