Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dốc Cây Me đã không còn "cụ me"
Thứ năm: 11:04 ngày 26/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 23.10, cây me cổ thụ tại dốc Cây Me ở phường 1, TP. Tây Ninh đã bị bật gốc. Nhìn thấy "cụ" me ngã sõng soài trên đường Tua Hai, nhiều người dân địa phương không khỏi bùi ngùi thương tiếc.

Cây me trước khi bị ngã, cành nhánh um tùm.

Bà Lan, 58 tuổi, có nhà gần gốc me, kể: “Buổi chiều cùng ngày có mưa to, gió lớn, tôi nghe gốc me kêu rắc rắc. Chạy ra xem, thấy cây me từ từ ngã xuống. Cũng may, cây me ngã chậm nên không ảnh hưởng tới người và phương tiện giao thông”. Người đàn bà này kể về cây me bị ngã với sự tiếc nuối vô bờ. Hỏi ra mới biết, tuổi thơ của bà gắn bó rất nhiều với cây me.

Theo lời bà Lan, trước đây, đường Tua Hai còn nhỏ hẹp, bên lề đường còn có một hàng me khác. Cây me cổ thụ này trồng sâu bên trong. Khi đường Tua Hai nâng cấp mở rộng, hàng me bên ngoài bị đốn hạ. Cây me bên trong còn để lại đến bây giờ.

Thời bà Lan còn nhỏ, hằng ngày, mẹ của bà đều trải chiếu ngồi dưới gốc me này bán bánh cam. Bà Lan nhớ lại: “Lúc đó mẹ của tôi đã 40 tuổi, cây me cao lớn lắm rồi. Bây giờ tôi 58 tuổi, ước tính cây me này phải hơn 100 năm tuổi”.

Bên cạnh sự quan tâm những người dân địa phương, việc cây me cổ thụ bị ngã còn thu hút sự chú ý của nhiều người. Trên các mạng xã hội đăng tải hình ảnh cây me bị ngã với nhiều góc độ khác nhau. Tài khoản Facebook của nhà báo Nguyễn Tấn Hùng viết: “Chiều nay Lão Me trăm tuổi ở "Dốc Cây Me" phía sau rạp chớp bóng Lạc Thanh cũ, cuối phố Gia Long thị xã Tây Ninh đã bật gốc nằm xuống.

Nghe đâu Lão Me đã được đưa vào danh mục cây bảo tồn. Tiếc là có danh mà chắc không có động thái bảo tồn nào nên bầy phong vũ phải đến đón Lão đi thôi. Dù sao, cổ thụ không còn nhưng địa danh "Dốc Cây Me" người ta vẫn mãi nhớ!”.

Tài khoản Facebook của ông Đào Thái Sơn- Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh cũng bày tỏ: “Cây me cổ thụ ở Dốc Cây Me đã bị mưa giông làm ngã đổ. Địa danh vẫn còn nhưng di tích thì không còn nữa”.

Ông Nguyễn Quốc Việt- nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh- người đã nhiều năm nghiên cứu văn hoá, kiến trúc của Tây Ninh cho hay, ông vừa đến dốc Cây Me tìm hiểu tình hình. Thân cây me còn lành lặn, không có nơi nào bị mục ruỗng. Trên nhánh cây tươi xanh, có nhiều trái me to, nhỏ. Ông tỏ ra rất tiếc cho cây me cổ thụ, mong muốn chính quyền địa phương và ngành chức năng trồng lại cây me chứ đừng dẹp bỏ hoàn toàn một cây me đã trở thành địa danh quen thuộc.

Cây me ngã gây hư hỏng nhiều vật dụng một quán bán phở.

Hơn một tháng trước, chúng tôi có đến tìm hiểu về cây me cổ thụ để chuẩn bị cho phóng sự tài liệu về phố cổ Gia Long, trong đó có địa danh dốc Cây Me. Khi đó gặp bà Vân, chủ nhà có cây me cổ thụ trong sân. Hỏi về nguồn gốc cây me, bà Vân cũng không biết rõ cây me có trong sân nhà từ lúc nào.

Bà chỉ nhớ rằng khi sinh ra đã thấy trước nhà mình có cây me. Nghe ba của bà kể lại, cây me có từ ông nội của bà về đây lập nghiệp. Cây rất khoẻ, bà không cần bón phân, tưới nước nhưng năm nào cây cũng ra trái sai oằn. Nhiều năm trước, gia đình bà có bẻ trái để bán hoặc bán trái cho thương lái. Những năm gần dây, xung quanh gốc me, nhà cửa hàng quán xây cất lên chật kín, gia đình bà không bán trái nữa, để me chín và tự rụng.

Cây me bật gốc sau cơn mưa chiều ngày 23.10

Thời điểm đến đây khảo sát, chúng tôi thấy cây me xanh tốt, cành nhánh mọc ra um tùm, tạo bóng mát cho một vùng khá rộng, thân cây me có chiều hướng ngả ra ngoài. Ngay dưới gốc me, buổi sáng có một quán bán phở hoạt động. Cạnh đó, có một người đàn ông chuyên làm bánh tiêu để bán.

Chiều ngày 23.10, khi cây me bị bật gốc, nhiều vật dụng của quán phở bị hư hỏng. Vừa tiếc cây me, vừa tiếc cho đồ nghề của mình bị hư hao, nhưng vợ chồng chủ quán phở cũng thở phào nhẹ nhõm vì chiều nay, ông bán bánh tiêu bận việc nhà nên không ra đây bán hàng như mọi hôm. Nhờ thế không bị thiệt hại gì về tài sản và không nguy hiểm cho tính mạng.

Cây me bị bật gốc chỉ làm sập tường rào của hộ dân, đè lên đường dây điện, dây cáp quang và bít lối ra vào một con hẻm nhỏ. Cành nhánh đổ ra đường Tua Hai, gây khó khăn tạm thời cho việc giao thông. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đã kịp thời chỉ đạo, xử lý.  

Cây me cổ thụ được đưa vào danh mục cây bảo tồn và cây nguy hiểm trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1532, ngày 20.6.2022 của UBND tỉnh Tây Ninh. Nhìn lại, nếu cây me cổ thụ này được sự quan tâm nhiều hơn, có thể không dẫn đến sự cố bị ngã đổ đáng tiếc. Vì cây cổ thụ có cành nhánh sum suê, trái sai oằn nên tàn cây rất nặng.

Trong khi đó, thời tiết đang vào mùa mưa bão, thường xuyên xảy ra mưa to, gió lớn kéo dài khiến mặt đất bị ẩm ướt, dễ làm cây cao bật gốc. Nếu trước mùa mưa, cây me ở con dốc này được cắt tỉa bớt cành nhánh để giảm bớt sức nặng thì có thể "cụ me" vẫn tồn tại thêm nhiều năm nữa.

Trao đổi với chúng tôi về việc xử lý cây me sau khi bị ngã, ông Tô Nguyễn Nhị Linh- Trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP. Tây Ninh cho biết, đơn vị chức năng đã xử lý cắt đọt cắt cành cho gọn và vẫn giữ thân cây me tại hiện trường. Bà Vân- chủ nhà muốn giữ cây me lại. Phòng Quản lý đô thị Thành phố đang xin ý kiến lãnh đạo UBND TP. Tây Ninh về việc xử lý cây me.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục