Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tản mạn đầu năm
Độc đáo phiên "chợ lá" rằm tháng Giêng
Thứ hai: 06:31 ngày 10/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không nhiều người biết tới phiên chợ này, dù nó đã được tổ chức liên tục mười năm. Người tổ chức là bác sĩ Bùi Quốc Thái, một thầy thuốc nam, làm từ thiện. Ban đầu ông chỉ nghĩ ra cách tổ chức một phiên “chợ” thức ăn vào dịp Nguyên tiêu để đãi đằng những anh em bè bạn đã vất vả cùng ông trong suốt năm qua.

1. Cô em gái nhắn chị: “Mai, mười bốn tháng Giêng, có một phiên chợ gánh gánh ở Trí Huệ cung, chị rảnh đi chơi, nhiều chuyện thú vị lắm a!”. Em nói có phụ mấy chị gói bánh tét, bánh ú nhiều lắm, nhưng bận không đi bán được, nhưng mời chị ra coi cho vui…

Chợ “gánh gánh”? OK. Những gióng những gánh hứng đựng một thời thơ ấu của tôi đã từng ngày rơi rụng theo cái gọi là nhịp sống hiện đại, nay lại ra nhóm chợ, sao đành lòng bỏ qua cho được? Nhưng phiên chợ “gánh gánh” này, quá nửa đời người, sao tôi chưa từng nghe. Háo hức tới nỗi, mới sáu giờ ba mươi phút, tôi đã phóng xe xuống tới địa điểm “họp chợ”.

Gặp bữa mù sương, sương che hết mặt người, đi dọc đường ngó từng sợi nắng xuyên qua sương, nghe hơi sương lành lạnh, thú vị như đang trôi trên lưng chừng trời. Chưa có ai tới ngoài hai mẹ con đâu ngoài thành phố chạy vô. Họ nói, cũng nghe người quen chỉ mà tới đây. Thằng con trai mười tuổi, mắt tròn xoe, chưa bao giờ biết cái quang cái gánh thế nào, đã giục mẹ chở đi từ sớm. Tôi quanh quẩn thưởng thức không gian trong lành thoát tục của khu vườn bên ngoài Trí Huệ cung, thầm nghĩ chỗ yên tịnh như vầy sao đành làm nơi họp chợ?

2.Tiếng trẻ lao xao làm tôi chú ý. Ba cô nhóc vừa được một ông cụ chở tới liếng thoắng nói chuyện với một phụ nữ vừa buông chổi quét sân. Cô lớn nhất ôm khư khư một rổ ổi vườn nhà tươi roi rói, chắc to hơn trái ổi sẻ một chút. Cô nói bà ngoại cô biểu, hôm nay có nhóm chợ tiên lấy lá làm tiền, bán hàng lấy lộc, cầu vui vẻ, khoẻ mạnh, bình an. Vậy nên ba đứa kéo nhau dậy từ sớm xin ngoại cho bẻ những trái ổi ngon nhất trong vườn nhà mang ra bán cầu may mắn và hạnh phúc.

Niềm tin mãnh liệt hiện lên trong đôi mắt ngời ngời của đứa nhỏ, làm cho một kẻ già đầu như tôi cũng thốt rúng động. Chợ Tiên! Chợ Tiên! Một người già, có vẻ ít học, lại có thể gieo vào lòng con trẻ một thứ niềm tin trong sáng và đẹp đẽ như vậy, làm sao tôi có thể hững hờ bước qua?

Có một chiếc xe tải chở nhiều quang gánh, thức ăn dừng lại trước nơi chúng tôi đứng. Mọi người trên xe và một số người chạy xe máy theo thoăn thoắt dọn đồ xuống. Bày như kiểu “buffet gánh”, thành hai hàng dài. Tôi nhẩm đếm có đến trên 20 món ăn, từ dân dã đến cầu kỳ. Một bà cụ xách rổ lá mai tới chia cho mỗi người vài lá, nói đây là “tiền” để dùng “mua” thức ăn.

Muốn mua thứ nào chỉ việc đưa một chiếc lá cho người bán, là xong. Khách sẽ được nhận một phần thức ăn nho nhỏ: xôi, bắp, khoai luộc, cơm, nước, sữa đậu… và chỉ được mua mỗi món một ít như vậy “để người sau còn có mà mua”. Không cần biết mệnh giá là bao nhiêu. Khách mua cứ mua, người bán cứ bán, và cùng cảm ơn nhau, chúc nhau những lời tốt lành đầu năm mới.

Du khách mua thức ăn bằng lá cây thay cho tiền. Ảnh: Vũ Nguyệt

Tôi như lạc vào một cõi khác. Thoát tục. Nơi náo thị này chỉ có nụ cười tươi vui, sự hớn hở háo hức của đám trẻ con, sự mừng rỡ của người lớn. Không một ai nghĩ đến chuyện hơn thua được mất, ít nhất cho đến lúc chợ tan.

Phiên chợ kết thúc sau một tiếng đồng hồ. Nghe nói là vì người ở đây đã dùng đủ, họ rong ruổi tới một địa điểm khác. Những bạn trẻ tham gia phiên chợ lặng lẽ gom hết rác rến vương vãi bên ngoài, dọn về luôn, trả lại mặt bằng sạch sẽ và bình an như chưa từng xảy ra buổi chợ.

3. Không nhiều người biết tới phiên chợ này, dù nó đã được tổ chức liên tục mười năm. Người tổ chức là bác sĩ Bùi Quốc Thái, một thầy thuốc nam, làm từ thiện. Ban đầu ông chỉ nghĩ ra cách tổ chức một phiên “chợ” thức ăn vào dịp Nguyên tiêu (14, 15 tháng Giêng) để đãi đằng những anh em bè bạn đã vất vả cùng ông trong suốt năm qua. Sau đó lại tính chuyện phục dựng những gì đã sắp trở thành… cổ tích: áo dài, áo bà ba, gióng mây thúng tre… trong phiên chợ quê thời xưa, nhắc nhớ vậy cho vui.

Ngoài khoản chi phí tự thân có được, bạn bè ông góp sức thêm, ai có gì góp nấy để buổi “chợ” phong phú thêm về thức ăn thức uống. Vì làm có tính chất nội bộ nên ít ai biết đến. Tuy nhiên dần dà những người tham gia đã biến nó thành một buổi chợ mua lộc bán may, lấy lá làm tiền để trao đổi hàng hoá “cho vui”. Riêng năm nay ông cho mở rộng ra các điểm bên ngoài vườn thuốc, đến các nhà dưỡng lão của đạo Cao Đài. Cái gọi là phiên chợ “tiên”, ông cũng mới được nghe, như một phiên bản đẹp.

4.Tôi đã đăng một status ngắn cùng với hình ảnh lên facebook. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã nhận được khá nhiều comment hỏi thăm, tiếc nuối vì không được tham gia “phiên chợ Tiên” đầy nhân văn và thú vị. Ngay hôm sau, đã có nhiều bạn trẻ đi quay phim, chụp ảnh ở một số điểm mà họ biết, làm dấy lên một phong trào “tìm chợ Tiên, chợ Lá” để cầu may (vui là chính)! Rất nhiều người già, nhiều bạn trẻ cho đây là một hoạt động vui, thú vị, lành mạnh và cần phát huy. Bởi đây là một nét đẹp văn hoá riêng biệt không dễ đâu có được.

Xin mượn bài thơ trên FB Dương Diên Hồng, làm cái kết cho khúc tản mạn này:

CHỢ TIÊN...

Chợ Tiên đã có từ lâu

Tiên ngày xưa tóc trắng phau bây giờ

Chợ Tiên gọi bầu tinh mơ

Ngoắc chàng Từ Thức đến giờ lên tiên...

Ở đây lá mắt đưa duyên

Lá cây làm tiền mua bán cho vui...

Chợ tiên không bán trầu vôi

Nụ cười móm mém để rơi chút tình.

CẨM GIANG

Sử dụng lá cây thay tiền để mua đồ ăn, nước uống chính là nét độc đáo tại phiên chợ “có một không hai” ở Tây Ninh. Phiên chợ đặc biệt này được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng Giêng.

Những người tổ chức phiên chợ này quan niệm: “Tiền chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống mưu sinh, cũng chỉ là thứ vật chất phù du như chiếc lá. Điều quan trọng là con người phải sống với đức thiện lương chứ không phải vì tiền mà đánh mất lương tâm. Phiên chợ cũng chính là thông điệp để nhắc nhở mọi người quay trở về và luôn nuôi dưỡng tâm lương thiện”.

Địa điểm tổ chức phiên chợ “lá” (chợ tiên) không cố định, thường là ở trong khu dân cư, gần các khu chợ truyền thống hay ở những điện thờ. Bất kể ai cũng có thể tham gia phiên chợ. Bà Tô Yến Tuyết, ngụ tại xã Trường Tây, huyện Hoà Thành chia sẻ: “Hằng năm, tôi đều tham gia phiên chợ này. Chợ lá được tổ chức để cho người tới mua cầu chúc cho người bán ăn nên làm ra, để có tiền đi phụng sự nhân sinh”.

Tham gia phiên chợ, người bán lẫn người mua cảm thấy vui và háo hức. Chị Trần Vương Trúc Phương, ngụ tại xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành chia sẻ cảm xúc: “Tình cờ tôi biết tới phiên chợ này trên mạng xã hội. Tôi liền mua nước suối tới đây tham gia. Từ sáng tới giờ tôi bán hết 3 thùng nước rồi, giờ chuẩn bị đi chở thêm về bán. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia phiên chợ. Tôi cảm thấy rất vui, vì làm được việc tốt, và chia sẻ với người xung quanh”.

Không chỉ người dân trong tỉnh, phiên chợ lá (chợ tiên) cũng có đông đảo người dân ở các tỉnh tham gia. Bà Nguyễn Thị Ái, ngụ tại Cà Ná, Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Tôi và mấy chị em đi Tây Ninh chơi, tình cờ gặp phiên chợ bán hàng, tôi cũng bắt chước bán hàng theo. Bán hàng khỏi cần tiền bạc gì hết, chỉ cần đưa 1 cái lá là mua được món hàng mình cần. Tôi thấy phiên chợ này thật vui, lần đầu tiên trong đời giờ mình mới thấy”.

Một cậu bé mang lá đến mua chè

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục