Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Độc đáo vườn kinh đá
Thứ hai: 11:04 ngày 26/12/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long có một “vườn kinh đá” được nhiều du khách xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đó là vườn kinh đá tọa lạc ở chùa Phước Hậu.

=>
Vườn kinh đá được thiết kế dưới cây sao tạo không khí mát mẻ và tĩnh lặng, khiến du khách cảm thấy thanh tâm bình yên và an lạc - Ảnh: Minh Tâm

Công trình có ý nghĩa về mặt tâm linh được thiết kế dưới vườn cây sao tạo không khí mát mẻ và tĩnh lặng, nên thu hút rất đông khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng... tìm chút bình yên và an lạc.

Ý tưởng xây dựng vườn kinh đá xuất phát từ sư thầy Thích Phước Cẩn - trụ trì chùa Phước Hậu. Cách đây 4 năm, thầy Phước Cẩn sang Myanmar du lịch, vào các chùa tham quan và thấy kinh pháp cú được khắc trên đá bằng tiếng Pali.

Đây là bộ kinh cốt yếu của Phật giáo Nam truyền nên sư thầy khởi niệm khi về nước sẽ xây vườn kinh đá với những phiến đá khắc những điều hay lẽ phải khuyên con người bớt sân si, làm lành lánh dữ để cuộc sống được an lành và hạnh phúc.

Ý tưởng của sư thầy được chính quyền địa phương và bà con đồng tình ủng hộ bởi thấy đây là cách làm hay, định hướng người dân theo nẻo thiện, tương trợ lẫn nhau.

Tháng 3-2014 công trình được khởi công xây dựng, đến tháng 3-2016 hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Vườn kinh đá có diện tích 10.000m2 gồm 3 khu chính: vườn kinh pháp cú, vườn kinh bát truyền trích diễn, vườn kinh A Di Đà. Trong đó vườn kinh pháp cú được xây dựng quy mô nhất với diện tích khoảng 4.000m2.

Có tổng 432 bài kinh khắc trên hai mặt của 216 phiến đá, mỗi phiến đá có bề dày từ 8cm, ngang 90cm, cao 120cm. Mỗi mặt khắc một bài những lời răn dạy của Phật tập hợp những câu nói ngắn gọn, đơn giản dễ hiểu nhưng đầy ý nghĩa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi ngài còn tại thế.

Vườn kinh pháp cú được thiết kế theo kiểu 8 lá bồ đề bung xòe ra, tượng trưng bát chánh đạo của Phật giáo. Ở trung tâm vườn kinh pháp cú có ngọn núi Bốn Phật.

Ngoài ra, các góc vườn kinh pháp cú có mô hình núi Yên Tử ở Quảng Ninh và núi Non nước ở Đà Nẵng, cụm bảy núi Thất Sơn ở An Giang và 3 địa danh tượng trưng 3 miền Bắc, Trung, Nam…

Vườn kinh A Di Đà với 31 phiến đá được xếp theo hình thể đất nước Việt Nam. Các bài kinh ở vườn mang nhiều thâm trầm, triết lý.

Vườn kinh bát truyền với 15 phiến đá được dịch theo thể văn xuôi. Mỗi phiến đá của hai vườn kinh đều có chiều ngang 150cm, cao 90cm, dày 8cm cũng được khắc ở hai mặt.

Ngoài 3 khu vườn kinh chính này, xung quanh khuôn viên chùa còn 10 phiến đá khắc chữ tâm, nhẫn, xả, những câu triết lý Phật giáo… 

Đi dạo dưới vườn kinh rợp bóng cây sao, lắng nghe tiếng chuông gió, gió sông thổi mát rượi, ngẫm nghĩ những câu triết lý Phật giáo, tâm hồn du khách tham quan dần tĩnh lặng, vơi bớt những não phiền từ cuộc sống sinh lợi, bon chen…

Lối vào vườn kinh A Di Đà - Ảnh: Minh Tâm
=Khách tham quan chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong hồ sen của vườn kinh A Di Đà - Ảnh: Minh Tâm
Du khách dạo chơi trong vườn kinh đá - Ảnh: Minh Tâm
Những điều hay lẽ phải khuyên con người làm lành lánh dữ, sống tốt - Ảnh: Minh Tâm
Kinh khắc trên các phiến đá với nhiều điều răn, dạy - Ảnh: Minh Tâm
Những lời răn dạy của Phật trên phiến đá kinh được du khách chụp lại để lấy đó sống tốt - Ảnh: Minh Tâm

Theo TTO

Tin cùng chuyên mục