Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Con đường tuần tra biên giới Việt Nam - Campuchia đi qua tỉnh Tây Ninh phẳng phiu sắp hoàn thành, không chỉ phục vụ cho an ninh quốc gia mà còn mở ra cơ hội phát triển cho một miền biên ải, xây dựng cuộc sống mới trù phú, ấm no.
Ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ (thứ hai từ trái sang) thăm hỏi động viên và tặng quà cho các chiến sĩ tại điểm chốt Ngã ba sông Vàm Cỏ Đông thuộc Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu ngày 25.1.2021. Ảnh: Lê Quân
Vững vàng biên giới Tây Nam
Hơn 130km đường tuần tra biên giới giai đoạn 2017-2020 được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thi công, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng. Những ngày đầu năm, chúng tôi ngược lên vùng biên giới huyện Châu Thành.
Đưa chúng tôi đi trên con đường tuần tra trải bê-tông rộng 6m từ Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu vào chốt Tân Định, Thượng tá - Chính trị viên Phùng Văn Ninh cho biết, Đồn quản lý 23km đường biên( trong đó có 6km đường sông). “Ngày trước, việc đi tuần tra, kiểm soát của anh em khá vất vả- nhất là ở những đoạn qua sông rạch. Như đoạn ngã ba Vàm (giữa xã Biên Giới, xã Phước Vinh và Campuchia), để có thể đến cột mốc 134 (2) và 134 (3) do phía Việt Nam quản lý, anh em phải dùng ghe đi lại. Nhưng từ khi có đường tuần tra, chỉ cần đi bộ một đoạn là đến nơi. Việc cơ động cho tuần tra, kiểm soát của anh em vì vậy cũng nhanh và thuận lợi hơn” - Thượng tá Ninh nói.
Những ngày này, đi trên đường tuần tra biên giới lại càng cảm nhận được lợi ích mà tuyến đường mang lại trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Gần một năm nay, cả nước gồng mình chống dịch. Là tỉnh biên giới, công tác phòng, chống dịch của Tây Ninh lại càng quan trọng hơn. Từ đầu mùa dịch, trên tuyến biên giới dài hơn 240km của tỉnh, bên cạnh các trạm kiểm soát, điểm cảnh giới cố định của lực lượng Biên phòng, dọc đường tuần tra giờ có thêm 123 tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19.
Con đường tuần tra hình thành tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, quan sát cũng như hỗ trợ, tăng cường cho nhau, bảo đảm sức khoẻ cho anh em. “Khi có đường tuần tra, anh em chúng tôi làm nhiệm vụ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đơn giản nhất là việc đi lại để thay ca nhau về chốt, trạm ăn cơm hoặc đi mua thức ăn tự nấu ở các chốt. Nếu đường không thông thoáng, việc tới lui của anh em sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và ảnh hưởng đến nhiệm vụ canh gác trên biên giới”- anh Lê Văn Du, công an viên xã Phước Vinh trực tại Chốt phòng, chống dịch số 2 (Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu) chia sẻ.
Khối đoàn, Hội cơ quan Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh tặng quà cho các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Tân Biên
Còn trên đoạn đường tuần tra dài chưa đến 5km từ khu vực cửa khẩu Mộc Bài sang Chốt phòng, chống dịch số 1 thuộc Đồn Biên phòng Phước Chỉ (hay còn gọi là Chốt Vườn Thơm) đã có hơn chục điểm trực cơ động dọc hai bên đường.
Điểm trực đơn giản chỉ là chiếc ghế bố, bên trên được căng thêm tấm bạt che sương, chắn gió. Những ngày đầu năm mới, tiết trời thay đổi, gió rít suốt đêm. Các anh phải mang thêm chiếc chăn bông ra điểm trực để giữ ấm. Đại uý Đỗ Trọng Khánh vừa xong ca trực cho biết, anh là quân nhân chuyên nghiệp của Đồn Biên phòng Tân Phú được điều động tăng cường về Đồn Biên phòng Phước Chỉ hơn 2 tuần nay.
Năm 2017, anh cũng từng được điều động tăng cường về Đồn Phước Chỉ một lần, cùng anh em phòng, chống buôn lậu. Những năm đó, chưa có đường tuần tra biên giới, mật phục ở bờ ruộng, nằm giữa trời, có khi phải lội mương mới có đường đi. “
Lần này quay lại đây công tác, có điểm trực cơ động thế này là rất quý. Buổi tối dù trời có lạnh nhưng vẫn có mái che, có cả chăn mền để giữ ấm. Đường tuần tra có đèn năng lượng mặt trời do Tỉnh đoàn lắp đặt nên việc canh gác, quan sát của anh em dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng tôi lơ là, mất cảnh giác”- Đại uý Khánh chia sẻ.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới.
Cán bộ chiến sĩ dựng cờ Tổ quốc tại Chốt phòng, chống dịch số 6 (Đồn Biên phòng Phước Chỉ).
Cùng thắp sáng con đường tuần tra.
Theo Đại tá Nguyễn Tài Sơn- Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, để thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống dịch, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã đưa bộ đội lên tuyến biên giới cùng các cán bộ, chiến sĩ Công an, Dân quân thường trực ở các xã biên giới tham gia trực chiến.
Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tăng cường lực lượng về cho biên giới Tây Ninh. Từ khi chống dịch đến nay đã có 3 đợt tăng cường lực lượng Biên phòng từ các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Thuận về đây.
“Quá trình thực hiện nhiệm vụ phối hợp bảo vệ biên giới, BCH Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp các đơn vị có quân tăng cường để làm tốt công tác động viên tư tưởng. Đặc biệt là trong dịp tết sắp tới, ngoài tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng cấp, đơn vị trích một phần để thăm hỏi, động viên anh em.
Chúng tôi cũng tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đi thăm, tặng quà, động viên anh em- nhất là các cán bộ, chiến sĩ ở xa đến gắn bó với Bộ đội Biên phòng tỉnh, gắn bó với biên giới Tây Ninh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và bảo vệ biên giới”- Đại tá Nguyễn Tài Sơn nói.
Cuộc sống mới ở vùng biên
Bên con đường tuần tra biên giới đi qua ấp Tân Long, xã Biên Giới, anh Lê Minh Thuận chăm sóc hơn nửa công đất trồng dưa leo, khổ qua chuẩn bị bán dịp tết. Anh Thuận cho biết, nơi đây khi xưa vẫn có đường dân sinh, nhưng nhỏ, mùa mưa trơn trượt rất khó đi lại. “Từ hồi con đường tuần tra này mở ra, việc trồng tỉa của vợ chồng tôi thuận lợi hơn. Hàng bông thu hoạch, chất lên đường là có người đến chở đi, mình không phải vận chuyển như trước nữa”- anh Thuận hồ hởi nói.
Đường tuần tra biên giới đi qua địa bàn xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng
Các chiến sĩ Biên phòng, Công an, Dân quân trên đường tuần tra biên giới .
Chạy dọc hai bên con đường tuần tra từ xã Biên Giới lên Phước Vinh là những vườn cao su rợp bóng, ruộng lúa xanh mơn mởn màu mạ non. Giữa mênh mông ruộng lúa, cây cầu Tân Định 2 hiện ra trước mắt. Tiếp đó là cầu Tân Định 1 và cầu Phước Trung nối liền giữa xã Biên Giới với Phước Vinh. “
Trước đây, khu vực này chỉ có ruộng và ruộng. Hoàn toàn không có đường đi. Bà con làm lúa phải vận chuyển bằng ghe trên những con rạch nhỏ. Khi đường tuần tra biên giới được hình thành 3 cây cầu bắc qua sông nối liền các xã cũng được xây dựng, giúp cho việc vận chuyển vật tư, nông sản của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Có đường, thương lái vào tận nơi mua hàng, nhờ đó giá thành cũng cao hơn, đời sống của bà con khu vực này đang từng ngày thay đổi”- bà Nguyễn Thị Đức Diệu, Bí thư Đảng uỷ xã Biên Giới cho biết.
Ấp Tân Định, xã Biên Giới được xem là ốc đảo vào mùa mưa. Những năm trước, bà con trong ấp muốn đi ra trung tâm xã và ngược lại phải mượn con đường phía đất bạn Campuchia. Nhưng từ năm nay, mọi thứ đã thay đổi. “Có đường tuần tra, mỗi khi ốm đau, bệnh tật, bà con di chuyển xuống trung tâm xã, trung tâm huyện nhanh hơn. Việc đi học của các em thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều”- bà Diệu cho biết thêm.
Tại khu vực ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, nơi đường tuần tra biên giới đi qua, bà con dọn đất chuẩn bị vụ mùa mới. Bà Sáu Dung vớt những bao lúa giống từ mương nước lên bờ ruộng, chuẩn bị xuống giống. Bà Dung chia sẻ: “Trước đây, con đường tuần tra này là bờ bao do bà con tự đắp, để đi bộ mà thôi. Còn việc chở phân tro, lúa, đều phải nhờ đường sông, chi phí đội lên rất nhiều. Khi có đường tuần tra, mình muốn làm gì cũng tiện, lúc nào muốn xới đất, hay phóng lúa đều chủ động được”.
Cầu Phước Trung nối liền giữa xã Biên Giới và xã Phước Vinh (huyện Châu Thành) nằm trên tuyến đường tuần tra biên giới
Cách ruộng lúa của bà Sáu Dung không xa là ruộng dưa gang của ông Huỳnh Văn Rô. Từ sáng sớm, ông Rô cùng 3 người làm công ra đồng, cắt dưa để kịp 9 giờ sáng xe đến chở đi. Hơn 1 tấn dưa nhanh chóng được thu hoạch, chuyển lên xe tải.
“Tôi trồng đến nay đã được 5 vụ dưa, mỗi vụ khoảng 3 tháng. Nếu trồng 1 ha dưa gang, trung bình lợi nhuận thu về được 40 triệu đồng, gấp đôi so với làm lúa. Thêm nữa, việc chăm sóc, bón phân cho dưa gang nhẹ nhàng hơn so với làm lúa. Trước đây, có đất nhưng không trồng được, vì xe tải đâu vô tới. Còn nay, cứ cắt dưa rồi chuyển lên đường, xe tải chạy tới bờ ruộng của mình để chất dưa lên, rồi theo đường tuần tra vận chuyển về phía Mộc Bài và ngược xuống Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Giao thông không còn cách trở, làm gì cũng suôn, cũng tốt”- ông Rô nói.
Việc hình thành đường tuần tra biên giới, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn biên giới bình yên mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn vùng biên thêm khởi sắc. Đó chính là sứ mệnh cao cả của con đường biên giới. Biên cương dường như đẹp hơn, thiêng liêng hơn khi có thêm con đường tuần tra kiên cố, in dấu chân những người lính bình dị, cống hiến hết sức mình bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ nhân dân.
Ngọc Diêu