Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đọc sách “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Thứ sáu: 08:10 ngày 01/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tác phẩm được thể hiện dưới văn phong báo chí, bình dân, dễ đọc. Hầu hết chi tiết của tác phẩm được tác giả ghi chép trong hàng chục năm công tác ở lĩnh vực tình báo quốc phòng, tức người thật việc thật, không phải hư cấu như tiểu thuyết hay truyện ngắn.

Bìa cuốn sách “Người thầy”.

1 Tôi được một đồng nghiệp thuộc thế hệ đi trước tặng hai cuốn sách về đề tài tình báo, trong đó có cuốn “Người thầy” của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ông vừa qua đời cách nay vài tháng). Cuốn sách gồm 7 chương, dày 491 trang.

“Người thầy” ra mắt công chúng tháng 4.2023, chỉ trong ít ngày đã bán được hơn 6.000 cuốn. “Người thầy” được giới thiệu là “truyện” nhưng nội dung tác phẩm cho thấy, cuốn sách như một hồi ức của tác giả, gọi bằng hồi ký cũng không sai.

Tác phẩm được thể hiện dưới văn phong báo chí, bình dân, dễ đọc. Hầu hết chi tiết của tác phẩm được tác giả ghi chép trong hàng chục năm công tác ở lĩnh vực tình báo quốc phòng, tức người thật việc thật, không phải hư cấu như tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đan xen những sự kiện, ghi ghép, tác giả có tham gia bình luận, nói lên suy nghĩ về những chi tiết trong tác phẩm.

“Người thầy” mở đầu bằng hình ảnh tác giả (giữ trọng trách cao trong quân đội) chia tay các nhà tình báo huyền thoại trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, gồm Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Khiêm.

Sau hình ảnh này, tác giả ngược dòng thời gian trở về thời thanh niên sôi nổi, khi ông vừa tốt nghiệp trường sĩ quan và sang công tác tại nước bạn Campuchia trong vai trò một người giúp việc, học việc với nhà tình báo huyền thoại Đặng Trần Đức, bí danh Ba Quốc- nhân vật trung tâm của tác phẩm.

Không đi sâu vào liệt kê kiểu “báo cáo thành tích” của người anh hùng, tác giả chỉ điểm qua một số sự kiện, chiến công đặc biệt tiêu biểu của nhà tình báo này. Trong ba chiến công đặc biệt lớn, chiến công đầu tiên (trước năm 1975) của nhà tình báo Đặng Trần Đức, tức Ba Quốc lúc này làm việc trong cơ quan tình báo của chế độ cũ kịp thời báo tin để một cán bộ cấp cao của cách mạng miền Nam thoát khỏi vòng vây của kẻ thù.

Người cán bộ cấp cao này trong vai một thợ sửa radio, chính là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau này. Chiến công thứ hai (sau năm 1975) của nhà tình báo huyền thoại, là chính ông đã báo trước cho lãnh đạo cấp cao rằng, Khmer Đỏ sẽ tấn công nước ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Nhà tình báo biết sớm chuyện này vì người báo tin cho ông là một sĩ quan cấp cao của Khmer Đỏ (tư lệnh một sư đoàn), nhưng luôn coi ông Ba Quốc như người anh, người thầy. Chiến công thứ ba, nhờ vào sự nhạy cảm đặc biệt, tố chất đặc biệt của mình, thông qua một số nguồn tin hiếm hoi, thậm chí còn mơ hồ, ông dự báo chính xác những biến động ở Đông Âu và Liên Xô. Chính vì thế, khi “cơn địa chấn chính trị lớn nhất thế kỷ XX” xảy ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có sự chuẩn bị để đối phó.

Phần xúc động nhất, hay nhất của cuốn sách thực sự không phải nói về những chiến công hiển hách của nhà tình báo đại tài. Giá trị nổi bật nhất của cuốn sách ở chỗ, tác giả kể lại, ghi chép lại một cách chân thực về sự hy sinh vô cùng to lớn của người phụ nữ ở hậu phương.

Trước khi vào hoạt động ở miền Nam, nhà tình báo Đặng Trần Đức đã có một vợ và hai người con, một gái một trai. Để có vỏ bọc an toàn, công khai, “hợp pháp” ở miền Nam, nhà tình báo buộc phải lấy một người vợ khác.

Người vợ thứ hai này là cháu gái của một sĩ quan người Việt Nam làm việc cho thực dân Pháp. Chỉ có cách đó, ông mới xoá hết, tẩy trắng hoàn toàn hồ sơ, lý lịch tham gia cách mạng. Sau khi tổ chức thông báo tình hình, ông về trình bày với vợ. Vợ ông nói cho bà suy nghĩ ba ngày. Ba ngày sau, nén nỗi đau riêng tư, bà đồng ý “cho người phụ nữ kia mượn chồng mình”.

Được tin con trai “theo vợ mới vào Nam”, cha của ông Đặng Trần Đức nổi giận và nói với con dâu “để tao xuống Hải Phòng lôi cổ nó về”. Nhưng, cô con dâu đã can ngăn. Cuộc chia ly của ông với người vợ đầu và hai con dự tính chỉ hai năm, chờ ngày tổng tuyển cử theo tinh thần Hiệp định Genève.

Nhưng không ngờ, mãi hai mươi mốt năm sau, sau ngày thống nhất đất nước, ông bà mới có cuộc trùng phùng. Suốt hơn 20 năm đó, vợ và hai người con của ông chịu muôn vàn đắng cay, tủi nhục không sao kể xiết vì “chồng, cha theo giặc, phản bội Tổ quốc”.

Cô con gái lớn của ông bà lập gia đình với một thanh niên làm việc “trong nhà nước” (ở miền Bắc), ngay tức khắc, người con rể này mất việc. Lúc 15 tuổi (trước khi lấy chồng), cô con gái của ông được mẹ cho biết “cha đang đi học bên Trung Quốc”. Bạn bè ở trường hỏi cô gái: “Sao cha mày đi học lâu vậy, cả chục năm tao có thấy cha mày ở nhà bao giờ đâu?”.

Trong khi đó, tại miền Nam, ông và người vợ thứ hai, ban đầu sống với nhau chỉ như một màn kịch nhưng theo thời gian, tình cảm nảy sinh, đơm hoa kết trái. Ông có bốn người con với bà vợ thứ hai này. Trong suốt hơn 20 năm, ông không hề cho vợ con biết thân phận thật của mình.

Nhưng cuối cùng bà vợ cũng biết. Bà thấy, hằng đêm, khi đã khuya, ông thường cặm cụi ghi ghi chép chép ở cầu thang. Khi con trai của ông với bà vợ thứ hai lớn lên, ông còn nhờ người này chụp tài liệu để ông chuyển ra cho cách mạng.

Năm 1974, người giao liên (hộp thư) của ông Đặng Trần Đức bị bắn chết. Quân địch tìm thấy trong người của người giao liên một số tài liệu, đủ chứng cứ để bắt ông. Ông thoát khỏi tay giặc trong đường tơ kẽ tóc.

Trước đó, vào khoảng năm 1972, khi nhà tình báo chưa bị lộ, một mệnh phụ phu nhân tên Mai, có chồng người Việt Nam nhưng làm cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói với ông rằng: “Công an nghi ngờ anh là Việt Cộng. Người như anh mà còn theo Cộng sản thì chế độ này - VNCH sẽ sụp đổ”. Những ai từng xem bộ phim “Ván bài lật ngửa” hẳn chưa quên nhân vật Đại uý Thổ, người làm trong cơ quan tình báo của chế độ cũ.

Trong phim, Đại uý Thổ của quân đội Sài Gòn có những hành động vô cùng bí ẩn. Chính Đại uý Thổ là người đầu tiên và duy nhất đưa cuộn băng ghi âm ghi lại nội dung cuộc họp của nhóm tướng lĩnh bàn kế hoạch lật đổ chế độ gia đình trị của ông Ngô Đình Diệm cho nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo. Nhân vật Đại uý Thổ được xây dựng từ nguyên mẫu nhà tình báo Đặng Trần Đức.

Đất nước thống nhất nhưng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam lại nổ ra. Nhà tình báo tiếp tục sang Campuchia công tác. Chính tại đây, mối quan hệ giữa ông và người sĩ quan trẻ Nguyễn Chí Vịnh gắn bó với nhau suốt thời gian dài và chính ông là người đào tạo, dìu dắt người sĩ quan trẻ này.

Tác giả cuốn sách- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là con trai duy nhất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tại Campuchia, Tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam, người có quyền hạn cao nhất đã nói với nhà tình báo: “Anh làm sao thì làm nhưng đừng để thằng Vịnh chết, vì anh Nguyễn Chí Thanh có mình nó con trai”.

Tình cảm thầy trò, mối quan hệ cấp trên cấp dưới, được tác giả khắc hoạ rõ nét trong cuốn sách. Khi tác giả- Nguyễn Chí Vịnh về phép, nhà tình báo Đặng Trần Đức nhờ học trò, tức lính mình mang gói quà về cho vợ con ở miền Bắc.

Về đến nhà, mở gói quà, mọi người mới biết chỉ có hai lạng rưỡi mì chính (bột ngọt). Món quà này được vợ ông chia làm bốn phần cho bà con, họ hàng. Tác giả cho biết, nhà tình báo không thiếu thứ gì, nếu như ông muốn. Nhưng ông trong sạch đến thánh thiện. Món quà 0,4kg bột ngọt gửi từ Campuchia về chính ông bỏ tiền ra mua.

Hoà bình lập lại, đất nước sạch bóng quân thù, quân tình nguyện Việt Nam sau khi cứu bạn khỏi nạn diệt chủng, rút về nước. Nhà tình báo lúc bấy giờ có hai gia đình, hai người vợ, sáu người con. Tác giả cho biết, mối quan hệ giữa hai gia đình của một ông tướng tình báo “chừng mực, hoà thuận”.

Trong lần ra miền Bắc công tác và về thăm nhà, người vợ đầu của nhà tình báo hỏi chân ông còn đau không. Một sĩ quan cấp dưới buột miệng: “Trong Sài Gòn, chú Đức còn bưng nước cho cô Xuân (tên người vợ hai) ngâm chân kìa”. Nghe vậy, người vợ lớn của ông nói: “Từ nay anh còn làm cho người ta như thế, khi đau chân, đau lưng đừng kêu em”.

Gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách, điều lớn nhất đọng lại trong lòng độc giả có lẽ không phải những chiến công thầm lặng nhưng rung trời chuyển đất của nhà tình báo. Tình yêu Tổ quốc, lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng vì sự nghiệp thống nhất đất nước, yêu quê hương, số phận mỗi người, mất mát của mỗi gia đình, là điều gây ấn tượng nhất khi đọc tác phẩm này. Tất cả do chiến tranh.

Việt Đông

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục