Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đôi điều về điểm ưu tiên và điểm chuẩn sư phạm
Thứ tư: 05:55 ngày 16/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh vào đại học coi như đã xong. Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay là những bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên, khuyến khích và tình trạng điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp.

Sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Theo quy chế hiện hành của kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển vào đại học, cao đẳng, có đến hàng chục nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên với nhiều mức điểm cộng khác nhau.

Chính sách cộng điểm ưu tiên được căn cứ vào khu vực thí sinh định cư như nông thôn, miền núi, hải đảo, rẻo cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngay cả ở khu vực đô thị như thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh cũng có nhiều xã, phường thuộc diện ưu tiên.

Ngoài yếu tố địa lý, xã hội, chính sách cộng điểm còn áp dụng với nhóm đối tượng gia đình có công với cách mạng, con em của những người đang công tác trong lực lượng vũ trang hoặc những người đang công tác trong lực lượng này. Nói chung, thí sinh thuộc diện ưu tiên hiện nay rất nhiều.

Chính vì diện ưu tiên nhiều quá nên trong các đợt xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua đã nảy sinh không ít bất cập. Có trường hợp thí sinh dự tuyển vào đại học y chỉ thiếu chưa đến một điểm là tròn 30 điểm cho tổ hợp ba môn thi mà vẫn bị trượt.

Trong khi đó, cũng thi vào trường này, có thí sinh chỉ đạt hơn 25 - 26 điểm nhưng lại trúng tuyển nhờ được cộng điểm ưu tiên. Ngoài chính sách cộng điểm ưu tiên do Nhà nước ban hành, mỗi trường đại học, học viện, cao đẳng còn có quy chế tuyển sinh cũng như điểm cộng của trường mình, dẫn đến trường hợp mặc dù hai thí sinh có điểm ngang bằng nhau nhưng người đậu, người trượt…

Thật ra, những bất cập và bất công trong cộng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích đã bộc lộ từ lâu, thậm chí từ nhiều chục năm nay chứ không phải gần đây. Vấn đề này chỉ thật sự thành “tâm điểm” khi mạng xã hội phát triển, đặc biệt là facebook.

Chính sự lan toả thông tin liên quan đến chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học đã làm cho dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục không thể yên tâm. Có vẻ như ngày càng có nhiều người nghiêng về phương án hoặc bỏ điểm ưu tiên hoặc giảm loại điểm này xuống.

Theo thống kê của một trường đại học y dược ở phía Nam, trong số gần 400 sinh viên trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa, có hơn 300 trường hợp được cộng điểm ưu tiên. Số thí sinh trúng tuyển không có điểm ưu tiên chỉ hơn 40. Với quy chế hiện hành, có thể nói, học sinh của hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang chịu thiệt thòi vì hộ khẩu, địa bàn cư trú.

Trong số hàng chục nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên, có trường hợp được cộng đến gần 5 điểm, riêng nhóm thí sinh được cộng từ 1,5 đến 2 - 3 điểm nhiều vô kể. Số điểm ưu tiên quá nhiều đã đem lại lợi thế tự nhiên cho hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn thí sinh trong cả nước vì hơn 70% số dân Việt Nam định cư ở nông thôn.

Kẻ cười người khóc, hàng ngàn thí sinh có học lực khá, thậm chí giỏi, tổng điểm bài làm cao nhưng không đậu vào trường đại học theo nguyện vọng chỉ vì không thuộc diện ưu tiên. Trong xã hội, nhiều điều có thể châm chước, linh hoạt, nhưng trong khoa học thì khách quan là điều quan trọng nhất. Đã nói đến thi cử là phải bình đẳng, vì khoa học không châm chước cho bất kỳ ai.

Trước những bất cập, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị cần xem xét bỏ hẳn điểm ưu tiên để có thể tạo ra một cuộc thi sòng phẳng, minh bạch. Thay cho chính sách cộng điểm, những thí sinh thuộc diện ưu tiên như hiện nay có thể được hỗ trợ bằng vật chất.

Trong trường hợp vì lý do nào đó chưa thể bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên, nên hạ điểm này xuống theo hướng không quá 1 điểm. Nếu vẫn duy trì quy chế “tặng không” điểm như lâu nay, nhiều thí sinh ở đô thị lớn không thể cạnh tranh được với học sinh nông thôn, miền núi. Trong tuyển sinh đại học, chỉ hơn nhau 0,25 điểm là đã đem lại hai kết quả trái ngược nhau.

Cùng với câu chuyện điểm cộng ưu tiên, điểm chuẩn vào trường sư phạm cũng trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt trong kỳ tuyển sinh năm nay. Câu chuyện “nóng” đến mức từ học sinh, giáo viên cho đến cả lãnh đạo cấp cao cũng phải lên tiếng.

Nguồn cơn của vấn đề được xới lên khi một số trường cao đẳng sư phạm công bố điểm chuẩn chỉ 9 điểm hoặc cao hơn một chút cho tổ hợp ba môn xét tuyển. Đối với trường đại học có ngành sư phạm, điểm chuẩn vào trường bằng đúng điểm sàn (mức điểm tối thiểu) do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định.

Tương tự câu chuyện cộng điểm ưu tiên, một lần nữa cần khẳng định rằng, tình trạng đầu vào của trường sư phạm thấp không phải là chuyện mới. Nhiều người không biết rằng, việc nhiều trường cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn chỉ 9 hoặc 10 điểm cho 3 tổ hợp ba môn thi không hề thấp so với nhiều năm trước, thậm chí còn cao hơn.

Khi chưa có kỳ thi THPT quốc gia, cả nước vẫn áp dụng kỳ thi ba chung, gồm chung đợt, chung đề và chung kết quả, Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa bỏ điểm sàn đối với trường cao đẳng sư phạm, trong số 3 môn thi, thí sinh được nhân đôi hệ số một môn.

Chính vì thế, tuỳ vào từng năm, điểm chuẩn vào các trường dao động trong khoảng 12 - 15 điểm hoặc cao hơn. Lấy tổng điểm chuẩn chia cho 4 môn, mỗi môn cũng chỉ được 3 - 4 điểm. Thậm chí, trước đây có trường cao đẳng sư phạm ở phía Nam, thí sinh chỉ cần đạt chưa đến 3 điểm mỗi môn là đã trúng tuyển.

Kể từ khi kỳ thi THPT quốc gia ra đời, cộng với những yếu tố khác, hệ thống trường cao đẳng nói chung, cao đẳng sư phạm nói riêng không còn áp dụng điểm sàn nữa. Quy chế tuyển sinh đối với hệ đào tạo này cũng không đề ra việc thực hiện nhân đôi điểm số của một trong số 3 môn thi. Điều này giải thích vì sao tổng điểm 3 môn thi chỉ có 9 điểm chứ không phải 12 hoặc 15 điểm như trước.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục