Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đôi điều về “văn hoá đọc”
Thứ hai: 04:13 ngày 24/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều cuối tuần gặp ông bạn đọc quen ngồi một mình bên bàn cà phê cắm cúi đọc quyển sách dày cộp, Bàn Dân buột miệng nói:

-Hay quá, lâu lắm rồi Bàn Dân mới thấy lại hình ảnh một người tranh thủ thời gian rảnh ngồi đọc sách trong quán cà phê như ông đấy!

-Cám ơn ông, thật ra tôi cũng biết đọc sách trong quán xá thế này coi có vẻ “màu mè, ra dáng” lắm. Nhưng vì hôm nay trời nóng quá, nhà lại mất điện, không thể vừa quạt vừa đọc, nên buộc lòng tôi phải ra đây, nhâm nhi cà phê và đọc sách. Ông đừng cười tôi nhé!

-Không dám cười đâu, giữa lúc mọi người đều chúi mũi với cái điện thoại thông minh trên tay, chỉ có mình ông chăm chú đọc từng trang sách in, Bàn Dân “nể” ông không hết, có đâu lại cười.

-Phải nói thật rằng, trong thời buổi bùng nổ thông tin này, người ta thích xem ti-vi, thích đọc sách báo “trên mạng” nhiều hơn là đọc sách, báo in. Vậy chắc ngành xuất bản, in sách, bán sách theo cách truyền thống hoạt động khó khăn lắm phải không ông?

-Quả thật là có chuyện đó, từ khi có sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, với những ứng dụng vào toàn bộ đời sống kinh tế xã hội trên khắp thế giới, nhất là trên “xa lộ thông tin” internet, thì có thể nói là “văn hoá nghe nhìn” online đã lấn lướt “văn hoá đọc” truyền thống của nhân loại. Không chỉ có sách in, mà cả báo in cũng bị “đe doạ tính mạng”, nếu không nhanh chóng chuyển đổi từ phương thức hoạt động theo lối cổ điển sang phương thức hoạt động hiện đại.

Tức là sách, báo phải chuyển từ xuất bản, ấn hành bản in truyền thống sang xuất bản, ấn hành “siêu văn bản” số hoá trên internet; còn người đọc thì phải chuyển từ đọc sách in, báo in sang đọc sách điện tử, báo điện tử trên mạng thông tin toàn cầu.

-Nhưng mà đâu phải tất cả mọi người trên trái đất này đều “rành công nghệ”, biết sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị kỹ thuật số? Mặt khác, đâu phải là xã hội không còn ai thích đọc sách in, báo in? Chẳng lẽ mọi người phải chấp nhận “văn hoá đọc” không tồn tại nữa?

-Không đến nỗi như vậy đâu ông ơi. “Văn hoá đọc” vẫn có, vẫn còn giá trị lâu đời của nó, không phải dễ “xoá sổ” nó được đâu. Thực trạng “văn hoá đọc” sa sút là điều ai cũng nhận thấy và ai cũng mong muốn phục hồi “văn hoá đọc”. Về phía Nhà nước, cách đây 6 năm, ngày 15.3.2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 329/TTg-QĐ phê duyệt Đề án phát triển văn hoá đọc (giai đoạn 2021-2025).

Từ đó đến nay, trên khắp đất nước ta phong trào phục hồi “văn hoá đọc” ngày càng phát triển mạnh mẽ, các cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác liên quan cùng gia đình, cộng đồng đều có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển “văn hoá đọc”.

Bộ Văn hoá đã có tổ chức Giải thưởng Phát triển văn hoá đọc hàng năm nhằm ghi nhận và tôn vinh nhưng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc phát triển “văn hoá đọc”, đồng thời hằng năm còn tổ chức “Cuộc thi đại sứ văn hoá đọc” giao cho ngành thư viện thực hiện để khuyến khích mọi người đọc sách.

Đối với ngành xuất bản- là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi “vận mệnh” của “văn hoá đọc”, trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh hoạt động nhằm đem đến cho người đọc những ấn phẩm với chất lượng ngày càng cao về nội dung cũng như hình thức. Kết quả là năm 2022 vừa qua, lần đầu tiên cả nước ta đạt mục tiêu 6 bản sách/người/năm…

-Kết quả vậy cũng đáng mừng ông hả! Nhưng mà sao tôi thấy… ở vùng tôi cư ngụ, số cửa hàng sách ít quá, mà số người mua sách cũng không nhiều, làm sao mà có được số lượng sách tính trên đầu người như vậy hả ông?

-Bàn Dân nghĩ rằng do tình hình phát triển kinh tế xã hội giữa các địa phương không đồng đều, nên mức độ hưởng thụ văn hoá ắt phải có sự chênh lệch. Thôi thì cứ hy vọng là quá trình phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá dần dần sẽ thu hẹp khoảng cách chênh lệch ấy.

-Ông nói vậy thì tôi nghe vậy, nhưng tôi cảm thấy vẫn còn có điều này rất đáng suy nghĩ trong việc phục hồi, phát triển văn hoá đọc nè ông…

-Chuyện “đáng suy nghĩ” là chuyện gì, ông cứ nói ra luôn đi chứ sao lại ngập ngừng?

-Đó là tình trạng sách in lậu, rao bán trên mạng xã hội. Đây, ông cứ xem cuốn sách tôi đang đọc thì biết. Có phải là cuốn sách này về nội dung thì quá hay, còn hình thức in thì quá tệ hay không? Nhìn sơ cái bìa và lật vài trang thì biết ngay là sách in lậu, bán lậu rồi.

Chữ nghĩa thì lem nhem do in lại bản phô-tô sách gốc, hình ảnh thì chỉ là một mảng mực in đen thùi. Sở dĩ nói đến chuyện này tôi cứ ngập ngừng là vì tôi biết rõ là sách lậu nhưng vẫn phải mua. Bởi lẽ sách thật in ít quá, bán hết lâu rồi mà không được tái bản, thành thử mới có “đất sống” cho những người in sách lậu, bán sách lậu. Tôi nghĩ chuyện này cơ quan có trách nhiệm phải để mắt tới mới được, nó nhan nhản trên mạng xã hội đó, chắc không quá khó xử lý đâu!

​Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh