Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đối lập chính sách ngoại giao giữa ông Trump và bà Harris
Thứ hai: 01:30 ngày 04/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Về chính sách đối ngoại, hai ứng viên Donald Trump và bà Kamala Harris cho thấy sự đối lập quan điểm về nhiều vấn đề nóng.

Bà Kamala Harris được kỳ vọng sẽ "nối gót" Tổng thống Joe Biden về chính sách đối ngoại trong nhiều vấn đề quan trọng, như Nga, Ukraine, China và Iran.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, linh hoạt với Nga và ủng hộ mạnh mẽ Israel trong cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông thường ưu tiên các vấn đề trong nước hơn các vấn đề toàn cầu so với các vấn đề quốc tế và xung đột khu vực.

Xung đột Nga - Ukraine


Hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris. Ảnh: Bloomberg

Tương tự ông Biden, bà Harris ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Hồi tháng 6-2024, nữ Phó Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình ở Ukraine, nơi bà có cuộc gặp lần thứ 6 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trước đó, tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) vào tháng 2, bà Harris nhắc lại cam kết của chính quyền ông Biden là sẽ hỗ trợ Ukraine "bao lâu cũng được". Tại hội nghị này, bà Harris cũng nỗ lực trấn an các đồng minh về sự hỗ trợ an ninh của Mỹ để đối phó các mối đe dọa.

Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông có thể chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine nhanh chóng nếu ông tái đắc cử.

Mỹ đã cung cấp hàng chục tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 2-2022 nhưng kịch bản ông Trump thắng cử có thể đe dọa sự hỗ trợ trong tương lai.

Cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza


Ông Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng năm 2019. Ảnh: Bloomberg

Tương tự Tổng thống Biden, bà Harris cũng ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7-10-2023.

Tuy nhiên, bà chỉ trích chiến thuật quân sự của Israel mạnh mẽ hơn tổng thống. Bà cũng công khai cáo buộc Israel chưa làm đủ để giảm bớt "thảm họa nhân đạo" đang diễn ra trong cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza.

Bà Harris cũng từng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza hồi tháng 3, trước khi ông Biden có động thái tương tự.

Trong khi đó, ông Trump là người ủng hộ mạnh mẽ Israel, thể hiện qua quyết định đơn phương chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem khi ông còn là tổng thống vào năm 2017.

Giờ đây, trong chiến dịch tranh cử, ông hứa hẹn sẽ chấm dứt xung đột ở Gaza và giải thoát con tin Mỹ.

Trung Quốc

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: mfa.gov.cn

Khi còn làm thượng nghị sĩ bang California giai đoạn 2017-2021, bà Harris đã chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump đối với Trung Quốc.

Trong cuộc tranh luận phó tổng thống năm 2020 với ông Mike Pence, bà nói rằng ông Trump đã "thua trong cuộc chiến thương mại đó". Bà cũng lưu ý rằng chính sách thuế quan của ông Trump đã gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ mà không giúp cân bằng lại mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.

Trong cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thái Lan hồi tháng 11-2022, bà Harris kêu gọi kết nối các kênh liên lạc để quản lý sự cạnh tranh giữa hai quốc gia một cách có trách nhiệm.

Trong khi đó, ông Trump có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, với chính sách tập trung vào việc áp thuế đến 60% đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia này. Ông ủng hộ những hạn chế mới đối với cơ sở hạ tầng do Trung Quốc sở hữu tại Mỹ và đề xuất xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa.

Iran
Bà Harris và ông Trump cũng có quan điểm khác nhau về thỏa thuận hạt nhân Iran. Bà Harris ủng hộ Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Tuy nhiên, ông Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận trên vào năm 2018. Ông cũng thực hiện chiến lược gây sức ép tối đa đối với Iran, đưa ra một loạt lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với các thực thể Iran. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông tuyên bố rằng những khó khăn kinh tế của Iran là hậu quả trực tiếp từ các chính sách của ông.

Đồ họa: Thanh Long

NATO

Một phần quan trọng khác trong chính sách đối ngoại của bà Harris là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với NATO, khẳng định rằng Mỹ sẽ không bao giờ rút lại các cam kết của mình đối với liên minh. Bà từng nói tại Hội nghị an ninh Munich rằng NATO đóng vai trò trung tâm trong cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh toàn cầu và cam kết của Mỹ đối với NATO là bền vững.

Về phần mình, ông Trump nhiều lần khẳng định một số thành viên NATO không thực hiện các cam kết tài chính của họ trong liên minh quân sự này. Bà Harris cũng chỉ trích mạnh mẽ những bình luận của ông Trump về các quốc gia NATO không đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP.

Hồi tháng 2-2024, ông Trump từng cảnh báo sẽ không can thiệp trong trường hợp Nga tấn công bất kỳ đồng minh nào không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với NATO.

Nguồn NLĐO

Tin cùng chuyên mục