Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đổi mới công tác Hội gắn với công nghệ số
Thứ bảy: 07:18 ngày 21/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang dần thay đổi để bắt kịp xu thế và hướng đến mục tiêu phụ nữ ứng dụng công nghệ số trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Hội Phụ nữ trao giải cuộc thi “Phụ nữ Tây Ninh sáng tạo khởi nghiệp”.

Chuyển đổi số giúp người dân được bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ và tiến bộ khoa học, giúp thay đổi các hoạt động trong đời sống xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống. Công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang dần thay đổi để bắt kịp xu thế và hướng đến mục tiêu phụ nữ ứng dụng công nghệ số trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Yêu cầu đặt ra là cán bộ Hội phải trang bị kiến thức về công nghệ số để tiếp cận, ứng dụng các phần mềm, sử dụng mạng xã hội trong hoạt động của Hội.

Theo Hội LHPN tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội là một trong hai khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 lựa chọn với nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng việc tập huấn kỹ thuật sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ từ cơ sở.

Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Hội các cấp về nghiệp vụ vận hành phần mềm quản lý hội viên, kỹ năng viết tin bài, tương tác trên các trang Fanpage, hội, nhóm Zalo. Các cấp Hội Phụ nữ triển khai nhiều hoạt động nhằm trang bị cho cán bộ, hội viên các kiến thức xây dựng kế hoạch kinh doanh trên nền tảng số, truyền thông thương hiệu trong môi trường kỹ thuật số, quảng cáo trực tuyến, livestream, video marketing, bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam. Hội khuyến khích chị em ứng dụng công nghệ thông tin mở rộng mạng lưới tương tác, thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số.

 Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn nghiệp vụ sử dụng phần mềm trên trình duyệt web và trên các thiết bị thông minh cho cán bộ Hội phụ trách từ huyện đến cơ sở, rà soát tình trạng máy vi tính để bàn làm việc của cơ sở Hội; hỗ trợ các cấp Hội thực hiện quy trình đăng ký, sử dụng chữ ký số. Tham mưu thực hiện mã định danh đối với cơ quan Hội LHPN từ tỉnh đến xã để thuận lợi trong quá trình liên thông văn bản giữa các cơ quan cấp xã và huyện. Hội phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở trong quá trình thực hiện. Hiện nay, hệ thống xử lý văn bản của Hội LHPN tỉnh đã liên thông với 523 đơn vị từ xã đến Trung ương.

Chị Nguyễn Thị Mộng Linh- Chủ tịch Hội LHPN phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết, tham gia công tác Hội từ năm 2021, trước đây chị có nhiều năm làm việc ứng dụng các phần mềm điện tử, chị Linh không gặp khó khăn nào và bắt nhịp khá nhanh. Chị chia sẻ: “Với các phần mềm, tôi thấy làm việc đỡ tốn thời gian và hiệu quả hơn”.

Chị Linh đã thành lập các nhóm Facebook, Zalo để tiện thông báo, trao đổi công việc, nhờ vậy đỡ chi phí và thời gian. Hiện chị Linh củng cố, tạo nguồn trẻ hoá cán bộ ở chi hội để kịp thích ứng với chuyển đổi số.

Bên cạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về các phần mềm quản lý, chữ ký số, chị Linh và hội viên còn được tham gia các lớp tập huấn về kinh doanh, ngày hội khởi nghiệp. Qua đó, mang đến những cách tiếp cận mới trong việc kinh doanh mang lại hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Dẻ- Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu chia sẻ về những tiện ích khi ứng dụng công nghệ số vào công tác Hội. Cuối năm 2022, chị bắt đầu sử dụng phần mềm Egov, chữ ký số giúp công tác Hội thêm thuận tiện. Chị không phải đi xa để gửi văn bản, hồ sơ; chị lưu trữ và ghi chú cẩn thận trên máy tính, có thể tìm lại bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, phần mềm quản lý hội viên cũng giúp cán bộ Hội không phải dùng đến sổ ghi chép như trước đây.

Chị Dẻ cho biết: “Từ khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động Hội, tôi và hội viên được tiếp cận nhiều điều mới mẻ như được tập huấn, tham gia cuộc thi “Phụ nữ Tây Ninh sáng tạo khởi nghiệp”. Qua đó, hội viên mạnh dạn phát triển ý tưởng kinh doanh, kỹ năng chụp ảnh, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội hiệu quả hơn trước đây rất nhiều”.

Theo chị Dẻ, dù còn những vướng mắc khi thực hiện ứng dụng công nghệ số vào hoạt động Hội, nhưng chuyển đổi số là xu thế phát triển chung, mang lại nhiều lợi ích, mỗi cán bộ Hội và hội viên luôn cố gắng để thực hiện. Sau hơn một năm tiếp cận, đến nay, chị Dẻ có được những kết quả tích cực trong công tác và cuộc sống.

Tuy nhiên, đối với nhiều cán bộ Hội lớn tuổi, việc ứng dụng công nghệ số gặp không ít khó khăn nhưng các chị đều cho rằng rất cần thiết và phải cố gắng tiếp cận. Chị Nguyễn Thị Mì- Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Đông, huyện Gò Dầu cho biết gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với công nghệ số vào các hoạt động của Hội, nhưng hiệu quả mang lại rất tích cực, nên chị luôn cố gắng để thích ứng, hoàn thành tốt công tác. Hiện nay, chị sử dụng thành thạo Zalo, Facebook để phục vụ công tác Hội.

Chị Trịnh Thị Thoa- Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Long, huyện Châu Thành từng bước tiếp cận với chuyển đổi số trong các hoạt động của Hội. Theo chị Thoa: “Có cái đang phù hợp, thuận tiện nhưng cũng có cái mình chưa nắm bắt kịp. Hiện tại, chị đang rất cố gắng để theo kịp, đáp ứng nhu cầu công tác Hội”. Chị Thoa mong muốn có những lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng để hội viên và phụ nữ tại địa phương biết sử dụng Zalo, Facebook ứng dụng vào công tác Hội và kinh doanh hiệu quả hơn.

Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, hầu hết cán bộ Hội các cấp cơ bản đã thành thạo quy trình tiếp cận, sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động Hội. Tiến độ tiếp nhận và xử lý văn bản trên phần mềm Egov đã nhanh hơn, công tác lưu trữ khoa học hơn. Với gần 1.200 văn bản đi và hơn 3.000 văn bản đến trong năm 2023 đã được xử lý qua eGov, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm, tốc độ xử lý văn bản nhanh hơn, thuận tiện ở mọi lúc mọi nơi có kết nối internet, góp phần rất lớn vào thành công của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.

Vi Xuân

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục