Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục:
Đổi mới sáng tạo, kết nối nhà trường - gia đình và xã hội
Chủ nhật: 18:07 ngày 04/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Chuyển đổi số dần hiện hữu trong các cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô và học trò, tạo chuyển biến tích cực trong ngành giáo dục. Đây còn là cơ hội thu hẹp khoảng cách tiếp cận công nghệ, tri thức cho từng học sinh”, ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tây Ninh nhấn mạnh tại hội nghị triển khai kế hoạch chuyển đổi số giữa Sở GD&ĐT và VNPT Tây Ninh, năm học 2024-2025.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Đánh giá kết quả hợp tác triển khai công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành giáo dục, theo Sở GD&ĐT, từ năm 2021, ngành giáo dục và VNPT Tây Ninh đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động giáo dục, góp phần rất lớn thúc đẩy việc đổi mới phương thức quản lý dạy và học, kết nối mối quan hệ giữa nhà trường- gia đình và xã hội.

Theo đó, Sở GD&ĐT đã triển khai vận hành phần mềm Quản lý Trường học vnEdu cho 421/421 trường học phổ thông và mầm non công lập trên toàn tỉnh, làm nền tảng phục vụ công tác quản trị, thống kê, báo cáo tập trung thống nhất trong toàn ngành giáo dục Tây Ninh. 

Trong năm học 2023 - 2024, hệ thống đã nhắn hơn 500.000 tin thông báo các lịch họp, nội dung triển khai và hoạt động của ngành đến giáo viên, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng, kịp thời của công việc; 274/313 trường học các cấp có phụ huynh sử dụng sổ Liên lạc điện tử (tăng 9% so với năm trước) và hơn 5 triệu tin nhắn di động từ hệ thống vnEdu gởi đến phụ huynh học sinh.

Đối với Trung tâm điều hành giáo dục thông minh IOC-EDU và Học bạ số cấp tiểu học, dù trong quá trình thí điểm nhưng hai đơn vị đã tích cực triển khai, tập huấn, hướng dẫn cho 100% các trường trên địa bàn tỉnh sử dụng, nhập liệu phần mềm.

Hiện tất cả trường phổ thông và khối mầm non công lập đã đồng bộ cơ sở dữ liệu về Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Sở GD&ĐT (Trung tâm điều hành giáo dục IOC-EDU), cung cấp bức tranh tổng quan về giáo dục thông qua các thống kê báo cáo, lưu trữ số liệu liên quan đến giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị.

“Tây Ninh là một trong những tỉnh đứng đầu về triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học. Mô hình này được thực hiện đúng theo lộ trình và kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Các trường đã ký số gửi số liệu về cổng Sở GD&ĐT, số liệu được duyệt và liên thông cổng Bộ GD&ĐT”- Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phước cho biết.

Hiện tại, VNPT Tây Ninh duy trì vận hành 200 cổng TTĐT của Sở GD&ĐT, các trường THPT, THCS, Tiểu học, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Phòng GD&ĐT (tăng 91 trường so với năm 2022-2023); lắp đặt 430 camera giám sát hoạt động dạy và học tại 36 trường mầm non, với 9.531 phụ huynh đang dùng; 83 trường triển khai hệ thống điểm danh thông minh và 262 trường thực hiện dịch vụ thanh toán học phí không dùng tiền mặt VNPT-Money, với 153 trường đã phát sinh dòng tiền.

Đối với phần mềm quản lý tuyển sinh lớp 10, đơn vị thực hiện hơn 37.512 tin nhắn gửi đến trong kỳ thi tuyển lớp; đồng thời triển khai thí điểm dịch vụ tuyển sinh đầu cấp cho các trường Tiểu học và Mầm non trên địa bàn thành phố Tây Ninh.

Lãnh đạo các sở, ngành và VNPT Tây Ninh tại hội nghị triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT năm học 2024-2025.

Phù hợp xu hướng chuyển đổi số

Ngày 29.6.2024, Hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2024-2030 được ký kết giữa UBND tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với các mục tiêu rất cụ thể, Trong đó, xây dựng kế hoạch, chương trình tổng thể triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên nền tảng Khung kiến trúc Chính quyền điện tử được ban hành và cập nhật theo phiên bản mới của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, công thương; Nâng cấp hệ thống IOC cấp tỉnh sử dụng nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu và triển khai nhân rộng mô hình IOC cấp huyện.

Ông Thái Đăng Khoa- Giám đốc VNPT Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Thái Đăng Khoa- Giám đốc VNPT Tây Ninh, bên cạnh việc không ngừng nâng cấp, hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều chức năng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu quản lý, sử dụng của ngành giáo dục như: Phần mềm Quản lý giáo án; Hồ sơ điện tử (vnEdu HSS), ký số điện tử, giáo án, Sổ điểm, sổ học bạ; dịch vụ Điểm danh thông minh; dịch vụ hóa đơn điện tử và thanh toán học phí không dùng tiền mặt VNPT-Money; VNPT-Camera giám sát; Hệ thống quản lý thi tuyển... VNPT Tây Ninh còn có chính sách riêng về giá cước sử dụng, hỗ trợ đường truyền-wifi và tài trợ học bổng và các giải thưởng do Sở GD&ĐT tổ chức.

“Kế hoạch năm học 2024-2025, VNPT Tây Ninh sẽ tài trợ 612,6 triệu đồng cho ngành giáo dục, trong đó 212,6 triệu đồng dành cho các cuộc thi của ngành và 400 triệu đồng tài trợ chi phí tin nhắn cho đối tác của VNPT Tây Ninh thuộc ngành giáo dục”, ông Khoa bày tỏ thêm: “VNPT Tây Ninh cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung theo thoả thuận hợp tác, chịu trách nhiệm về bản quyền phần mềm, đảm bảo an toàn thông tin mạng, lưu trữ an toàn dữ liệu theo đúng yêu cầu của Bộ và Sở GD&ĐT”.

Đại diện VNPT Tây Ninh cũng nhìn nhận, giai đoạn đầu triển khai thí điểm Học bạ số còn gặp một số khó khăn, do thay đổi cấu trúc về cơ sở dữ liệu, cập nhật nâng cấp phần mềm chưa kịp theo tiến độ. Một số trường chưa đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy - học và quản lý.

Triển khai hệ thống camera giám sát cần có sự phối hợp nhiều bộ phận trong quá trình triển khai; phần mềm vnEdu Mầm non chưa thể triển khai, mặc dù đã có chính sách miễn phí. Để đạt được mục tiêu đề ra, các cơ sở giáo dục tích cực ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động quản lý, đào tạo, nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Các đơn vị giáo dục được khen thưởng tại hội nghị

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, năm học 2023-2024, các ứng dụng CNTT đã được đẩy mạnh tại các trường, đơn vị ngành giáo dục. Các phần mềm thân thiện với người dùng, thao tác đơn giản, dễ sử dụng; Khai thác được hết các tính năng của phần mềm một cách dễ dàng;

Lưu trữ thông tin lâu dài, liên tục, không bị thất lạc, dễ dàng tra cứu, giúp Ban giám hiệu nắm bắt kịp thời tình hình dạy của giáo viên và học tập của học sinh mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng, hiệu quả. Mặt khác, công tác quản lý và chỉ đạo được thực hiện từ xa, tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý khác, giúp Ban giám hiệu có phương án kịp thời nâng cao chất lượng dạy và học.

Bà Huỳnh Thanh Nam- Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, đặc biệt là các nền tảng giáo dục số, trong đó phối hợp các doanh nghiệp viễn thông triển khai các chính sách “bình dân hóa” chi phí phù hợp để đa số người dân được tiếp cận dễ dàng hơn. 

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục