Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phát huy vai trò nòng cốt trong việc đưa quy định pháp luật đến với người dân, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh luôn sáng tạo, đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Lài tuyên truyền pháp luật về các vấn đề liên quan đến xâm hại và bảo vệ bản thân cho học sinh.
Với phương châm hướng về cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã trở thành cầu nối giữa cấp uỷ, chính quyền địa phương với nhân dân, tuyên truyền, PBGDPL, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Tự hào với “nghề nói” về pháp luật
Hơn 8 năm làm công tác tuyên truyền pháp luật với hàng trăm văn bản khác nhau, cho hàng ngàn lượt người nghe, đến nay, chị Nguyễn Thị Lài- báo cáo viên pháp luật cấp huyện, chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Tân Biên không thể nhớ hết đã thực hiện bao nhiêu buổi tuyên truyền pháp luật. Điều ai cũng nhận thấy rõ ở người báo cáo viên này là sự tận tâm, trách nhiệm với công việc, luôn vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chị Lài cho biết, để bảo đảm cho mỗi cuộc tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả, chị chủ động chuẩn bị nhiều nội dung, nắm vững và hiểu sâu các vấn đề sẽ tuyên truyền, bao gồm những quy định mới nhất, sửa đổi, bổ sung và cách áp dụng thực tế.
Ngoài ra, chị còn soạn thảo bài thuyết trình, tài liệu dễ hiểu, ngắn gọn, tránh thuật ngữ pháp lý phức tạp; làm rõ nội dung chính mà đối tượng cần nắm vững (như quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, quy định mới liên quan đến công việc hoặc đời sống). Đặc biệt, chị còn chuẩn bị sẵn sàng để trả lời các câu hỏi liên quan đến pháp luật mà người nghe có thể đặt ra trong quá trình tuyên truyền.
“Tuỳ vào đối tượng mà tôi sẽ chọn cách tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu. Quá trình tuyên truyền, tôi thường đưa ra các câu hỏi, tình huống thực tế hoặc ví dụ để kích thích sự tham gia của người nghe. Điều này giúp mọi người dễ dàng tiếp cận, hiểu sâu hơn về các quy định pháp luật” - chị Lài chia sẻ.
Chị Lài còn trình chiếu tài liệu, hình ảnh, video… để thu hút người nghe, tạo hiệu quả trong hoạt động PBGDPL. Điều quan trọng để việc tuyên truyền miệng đạt hiệu quả tốt, người báo cáo viên cần phải gây thiện cảm ban đầu cho người nghe; tạo sự hấp dẫn, ấn tượng trong khi nói; sử dụng phương pháp thuyết phục trong tuyên truyền miệng; biết kết luận đúng cách để khi kết thúc còn đọng lại những điều cần thiết cho mọi người tiếp tục suy nghĩ.
Buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu vào cuối năm 2023 vẫn để lại nhiều cảm xúc với chị Nguyễn Thị Lài. Đây là một hoạt động quan trọng mà Phòng Tư pháp huyện phối hợp Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức để nâng cao nhận thức cho học sinh về các vấn đề liên quan đến xâm hại và bảo vệ bản thân.
Chị Lài kể: “Để bắt đầu buổi tuyên truyền, tôi mời các em tham gia trả lời một số câu hỏi tình huống, giúp học sinh tự mình nhận ra những dấu hiệu của sự xâm hại. Những câu trả lời từ học sinh thật sự khiến tôi bất ngờ, bởi các em có sự nhạy bén và sáng suốt hơn tôi tưởng.
Thông qua buổi tuyên truyền, học sinh đã nắm được một số kỹ năng cơ bản để phòng tránh xâm hại thông qua nguyên tắc 5 ngón tay, địa chỉ tin cậy mà các em có thể đến nếu gặp phải tình huống xâm hại. Đó là một khoảnh khắc mà tôi hiểu rằng công tác tuyên truyền không chỉ là việc truyền đạt thông tin mà còn giúp các em có thêm kiến thức, biết tự bảo vệ, hình thành những thói quen, hành động đúng đắn trong cuộc sống”.
“Mềm hoá” buổi tuyên truyền
Nói đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, chúng tôi rất ấn tượng với Trung uý Nguyễn Minh Khang (sinh năm 2000) - Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 5, một trong những cán bộ có cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền pháp luật cho bộ đội.
Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, Trung uý Minh Khang không ngừng nỗ lực trong học tập và công tác, vận dụng những kiến thức đã học vào tổ chức giáo dục, quản lý chỉ huy bộ đội, tổ chức cho đơn vị thực hiện theo đúng kế hoạch của cấp trên, duy trì nghiêm nền nếp công tác Đảng, công tác chính trị, chủ động nắm bắt tình hình mọi mặt trong đơn vị, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hạ sĩ quan, binh sĩ.
Để nâng cao nhận thức, ý thức cho chiến sĩ, Trung uý Nguyễn Minh Khang coi trọng việc đổi mới và vận dụng linh hoạt, đa dạng hoá các hình thức, phương pháp tuyên truyền, PBGDPL để bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng vào thực tiễn. Anh cố gắng giảng dạy có phân tích, giải thích, nêu tình huống cụ thể, kèm theo hình ảnh minh hoạ. Với chất giọng trầm ấm, tự tin trong công tác tuyên truyền, bài giảng của anh luôn lôi cuốn, thu hút sự tham gia của chiến sĩ.
Trung uý Nguyễn Minh Khang cho biết, đối với một buổi tuyên truyền pháp luật cho hạ sĩ quan, chiến sĩ, anh làm tốt mọi công tác chuẩn bị về kiến thức, vật chất bảo đảm có liên quan. Đặc biệt, trong quá trình huấn luyện, anh vận dụng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tâm lý cũng như đối tượng mà anh hướng đến để chiến sĩ nắm rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của đơn vị.
“Trong buổi tuyên truyền, tôi thường tổ chức hái hoa dân chủ, cho bộ đội xem phim tài liệu về pháp luật, hình ảnh, video, kể câu chuyện pháp luật cho mọi người nghe, giúp có nhiều kiến thức về pháp luật cũng như trang bị kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, áp dụng sau khi bộ đội xuất ngũ. Sau mỗi bài giảng, tôi luôn hệ thống lại kiến thức một lần nữa, kiểm tra nhận thức của các em để chắc rằng các em đã được tiếp thu một cách sâu sắc nhất” - Trung uý Khang nói.
Trung uý Nguyễn Minh Khang luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các chiến sĩ
Trước buổi tuyên truyền, Trung uý Khang còn chịu khó sưu tầm tài liệu, soạn thảo bài giảng, bám sát đặc điểm, thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị, thiết thực với mỗi người như: Luật Nghĩa vụ quân sự; các văn bản, chỉ thị, quy định của Chính phủ, quân đội… Trung uý Nguyễn Minh Khang- Chính trị viên Đại đội 3 cho biết: “Theo tôi, để trở thành một báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi, đặc biệt là về lĩnh vực pháp luật, điều đầu tiên chúng ta phải có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như là phải đặt cái tâm vào công việc, có trách nhiệm, nội dung mình đã lựa chọn thì mới có thể thành công”.
Sự nhiệt huyết của người trung uý trong từng bài giảng không chỉ giúp chiến sĩ hiểu bài nhanh, còn ý thức được việc chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, biết cách giải quyết khi gặp tình huống để không vi phạm pháp luật, kỷ luật.
Binh nhì Phạm Hữu Định - chiến sĩ Tiểu đội 5, Trung đội 8, Đại đội 3 chia sẻ: “Khi mới vào Đại đội, em được Trung uý Nguyễn Minh Khang- Chính trị viên Đại đội hỗ trợ rất nhiều. Thông qua các hình thức tuyên truyền của anh Khang đã giúp em học được kiến thức về mọi mặt, nhất là các vấn đề về pháp luật. Những kiến thức ban đầu khá lạ lẫm. Nhờ cách truyền đạt, minh hoạ dễ hiểu và ngắn gọn của anh Khang đã giúp em hiểu vấn đề nhanh hơn, làm việc trôi chảy hơn, không cần phải mất nhiều thời gian tìm hiểu”.
Vốn là người năng nổ và có ý thức, Nguyễn Minh Khang không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tham gia và đạt kết quả cao trong các hội thi, hội thao như: giải Nhất bảng A của hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về pháp luật do Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức; giải Nhì hội thi “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và đạt giải Nhất trong hội thi “Tuyên truyền viên trẻ” năm 2024 do Sư đoàn 5 tổ chức. Ngoài ra, anh có nhiều bài viết hay, sức lan toả trên các trang nhóm của Sư đoàn, góp phần đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
“Trung uý Nguyễn Minh Khang là cán bộ chính trị có năng lực công tác, nắm chắc kiến thức, tích cực đổi mới phương pháp giảng bài, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu về lối sống, có tính kỷ luật cao, thực sự là “trung tâm” đoàn kết của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Với sự nỗ lực của bản thân, năm 2024, Trung uý Nguyễn Minh Khang được Trung đoàn tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến” - một lãnh đạo Trung đoàn 5 chia sẻ.
Hiện toàn tỉnh có 183 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 247 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.313 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân; báo cáo viên của Đảng, Công đoàn; báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… cũng tích cực góp phần tuyên truyền, PBGDPL lồng ghép trong hoạt động chuyên môn, công tác tiếp công dân, công tác đoàn thể của cơ quan, tổ chức mình.
Thiên Di - Phương Thảo
(còn tiếp)