Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước của nhân dân Nam kỳ từ đây đã có đội tiên phong dẫn lối, chỉ đường. Giai đoạn 1932-1935 là giai đoạn sôi động của những phong trào yêu nước khi ấy.

Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha xâm lược Việt Nam, năm 1859, thành Gia Định thất thủ. Người dân Nam kỳ khi ấy đã buồn thương, ngơ ngác và gửi gắm tâm sự bất lực của mình trong những bài thơ yêu nước. Gia Định phú (khuyết danh) đã viết: “Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định. Vực thẳm nên cồn. Đất bằng nổi sóng”. Từ đó trở đi, các thế hệ người dân Việt Nam, người dân Nam kỳ đã không ngớt vùng dậy chống lại xâm lăng song tất cả đều thất bại.
Số học viên do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện trong ba khoá ở Quảng Châu, Trung Quốc, giai đoạn 1924-1927 gồm 75 người.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước của nhân dân Nam kỳ từ đây đã có đội tiên phong dẫn lối, chỉ đường. Giai đoạn 1932-1935 là giai đoạn sôi động của những phong trào yêu nước khi ấy.
Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 4 cho biết, sau cao trào cách mạng 1930-1931, thực dân Pháp tiến hành “khủng bố trắng”, nhiều đảng viên và quần chúng bị sát hại. Những năm ấy, hầu hết các đồng chí Uỷ viên Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ bị bắt. Các tổ chức của Đảng khi ấy tan vỡ gần hết. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam ở Hong Kong từ ngày 6.6.1931. Thực dân Pháp đã câu kết với bọn phản động ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Hà Lan…v.v… để lùng bắt các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Với ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm vô song và sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, các đảng bạn, đảng ta đã dần khôi phục tổ chức. Tháng 6.1932, Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chương trình hành động của Trung ương Lâm thời Chấp uỷ. Bản Chương trình hành động này được đánh giá như một cương lĩnh đã soi sáng các vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam trong hiện tại và cả lâu dài. Đây được xem là bản tổng kết quan trọng về lý luận và kinh nghiệm tranh đấu của Đảng ta từ khi ra đời.
Tháng 3.1934, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, là bước phát triển quan trọng trên con đường khôi phục tổ chức. Trong thời gian này, Ban Chỉ huy ở ngoài kiêm Ban Trung ương lâm thời, đóng vai trò cơ quan lãnh đạo của Đảng, trực tiếp chỉ đạo Xứ uỷ Ai Lao, Bắc kỳ, “Liên địa phương miền Nam Đông Dương” và “Đặc biệt bộ ở Bắc Trung kỳ”.
Tháng 6.1934, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng và các đại diện của các tổ chức đảng trong nước đã họp thông qua Nghị quyết về việc khôi phục các tổ chức bị địch đánh phá, kết nạp thêm đảng viên. Từ sau Hội nghị tháng 6.1934, Ban Chỉ huy ở ngoài đã tập trung vào việc củng cố tổ chức, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Đảng năm 1932, đóng góp xứng đáng vào việc tổ chức thành công đại biểu Đại hội Đảng lần thứ nhất (27 - 31.3.1935). Đến năm 1935, sau 5 năm ra đời, hoạt động và đấu tranh gian khổ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã được kết nạp vào quốc tế Cộng sản với tư cách là một phân bộ. Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản năm 1935, Đảng Cộng sản Đông Dương đã cử một đoàn tham dự đại hội.
Như vậy, có thể khẳng định rằng giai đoạn 1932-1935 là giai đoạn khôi phục tổ chức và phát triển mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy.
Cùng với việc khôi phục tổ chức, tham gia Quốc tế Cộng sản, Đảng đã phát động các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Việt Nam khi ấy, trong đó có nhiều phong trào diễn ra sôi nổi ở Nam kỳ.
Khi người Pháp đô hộ Việt Nam, Nam kỳ trở thành lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp, vì vậy chế độ cũng thông thoáng hơn các xứ bảo hộ Bắc kỳ và Trung kỳ. Đó là lý do mà từ khi Đảng ra đời, các phong trào đấu tranh, các hoạt động của Đảng đã diễn ra sôi động ở vùng đất Nam kỳ trong đó tập trung ở các độ thị lớn, nhất là thành phố Sài Gòn.
Khi ấy, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có sẵn sợi dây liên lạc với bên ngoài qua ngả Xiêm (Thái Lan), vì vậy rất nhiều truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cách mạng, chủ nghĩa cộng sản đã được chuyển về Việt Nam, về Nam kỳ.
Cuối năm 1932, tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó có thuộc địa Nam kỳ của người Pháp, vì vậy dù địch tăng cường bố ráp, song vẫn không ngăn cản nổi các phong trào cách mạng khi ấy.
Lê Thành Khôi trong tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” cho biết vào tháng 10.1932, có một cựu học sinh trường Stalin là Trần Văn Giàu đã trở về Sài Gòn. Khi trở về Sài Gòn, Trần Văn Giàu đã “lập lại một uỷ ban miền ở Sài Gòn, xuất bản tờ báo Cờ Đỏ và Tạp chí Cộng sản, tái lập bộ phận Đông Dương của Liên minh chống chủ nghĩa đế quốc và thành lập một bộ phận địa phương của Cứu trợ đỏ. Việc tuyên truyền diễn ra chủ yếu trong giới công nhân. Các chi bộ doanh nghiệp và nghiệp đoàn bí mật sẽ sớm được hình thành từ các môi trường này (1)”.
Từ năm 1931, bộ phận lãnh đạo chủ chốt của Trung ương đã chuyển vào Sài Gòn, vì vậy, Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp tại Sài Gòn. Ngày 18.4.1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị địch bắt, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng khi ấy cũng bị địch bắt, giam cầm như Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Văn Lương… Khi bị giam ngoài Côn Đảo, đồng chí Ngô Gia Tự, người “tù chính trị hạng đặc biệt nguy hiểm” đã được cử vào Ban Chi uỷ chi bộ nhà tù. Khi ấy, Đảng có chủ trương “biến nhà tù thành trường học Cộng sản” nên Ngô Gia Tự đã cùng Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác dịch nhiều cuốn kinh điển của Chủ nghĩa Marx-Lenin như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản, Làm gì, v.v… tổ chức viết báo, nghiên cứu đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam…
Đầu tháng 5.1933, toà đại hình Sài Gòn đã mở phiên toà xét xử 120 chiến sĩ cộng sản. Phiên toà diễn ra trong 1 tuần (từ ngày 2 đến 9.5.1933). Báo chí khi ấy đã gọi đây là “Vụ án khổng lồ”, “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Tại toà, các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Bùi Lâm và nhiều đồng chí khác đã phản đối tên Chưởng lý khi đọc cáo trạng đã vu khống những người cộng sản là “giết người, cướp của, phá rối trị an, gây thù hằn dân tộc…”.
Với lý lẽ sắc bén, các đồng chí đã kịch liệt phê phán chính sách phản động của thực dân Pháp, bảo vệ và nêu cao chính nghĩa của Đảng là hoạt động để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, mang lại tự do, cơm no, áo ấm, hoà bình, không thù hằn dân tộc, chống lại thực dân Pháp xâm lược nhưng là bạn của công nhân và nhân dân Pháp. Tuy nhiên, với những bản án đã được định sẵn, toà thực dân vẫn tuyên 8 người bị tử hình trong đó có Phạm Hùng, Lê Văn Lương…, 19 người bị khổ sai và đày chung thân, trong đó có Ngô Gia Tự, Hà Huy Giáp…, 79 người bị tù có thời hạn với tổng cộng 970 năm tù…
Kể từ khi Đảng khôi phục tổ chức, ở Nam kỳ nói chung mà tiêu biểu là Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã xuất hiện những hình thức và phương pháp đấu tranh mới, tận dụng điều kiện công khai để có thể tranh thủ tổ chức quần chúng một cách rộng rãi và tích cực khôi phục lực lượng, tổ chức của Đảng, đấu tranh chống thực dân Pháp.
Ngày 20.2.1932 đã diễn ra cuộc đấu tranh của 184 công nhân làm đường ở Tân Đảo-Sài Gòn, thực dân Pháp đã đàn áp làm 18 người chết và bị thương. Tiếp đó là cuộc bãi công của 400 nữ công nhân người Hoa tại 13 xưởng dệt khăn ở Chợ Lớn ngày 21.4.1932….
Các phong trào đấu tranh của công nhân khi ấy đã thúc đẩy các giới khác như biểu tình chống thuế và chống khủng bố của 1.000 nông dân ở Hóc Môn (tháng 4.1932), 2 lần bãi thị của tiểu thương chợ Bến Thành năm 1933.
Theo thống kê của Pháp, “ở Đông Dương từ năm 1932 có 230 vụ xung đột giữa công nhân và chủ tư bản, năm 1933 có 244 vụ… Trong 2 năm này, toàn Đông Dương có 60 cuộc đấu tranh của công nhân thì có đến 40 cuộc nổ ra ở Sài Gòn-Chợ Lớn, đặc biệt ở các cơ sở công nghiệp quan trọng và trong ngành vận tải thành phố như Ba Son, sân bay Tân Sơn Nhất, các nhà máy xay, công ty xe điện, ngành xe kéo và xe thổ mộ (2)”. Riêng từ tháng 5 đến tháng 11.1935, nổ ra 3 cuộc tổng đình công của anh em đánh xe thổ mộ.
Ngay từ năm 1935, lợi dụng tình hình khi ấy, các cơ sở Đảng và công hội ở Sài Gòn đã sử dụng khả năng hoạt động hợp pháp để che giấu các tổ chức bí mật. Trong cuộc tranh cử vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn khoá 1935, một liên danh ứng cử viên đại diện cho quần chúng lao động - “Sổ lao động” đã thắng cử với một người trong Đảng Cộng sản (đệ tam) là Nguyễn Văn Tạo.
Trước đó, để tạo ra tiếng nói trước cuộc bầu cử Hội đồng thành phố, những người theo phái tả đối nghịch với phe Lập hiến, trong đó có Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo đã hợp tác ra một tờ báo lấy tên là La Lutte (tranh đấu).
Vì vậy, trong số ra đầu tiên ngày 24.4.1933, báo La Lutte đã kêu gọi quần chúng và cử tri ủng hộ Sổ Lao Động. Danh sách ứng cử viên trong Sổ Lao Động gồm các nhà cộng sản theo đệ tứ và đệ tam. Kết quả 2 ông Nguyễn Văn Tạo (đệ tam) và Trần Văn Thạch của đệ tứ đã thắng cử. Tràng An báo ra ngày 17.5.1935 cho biết: “Thực thụ
MM Trần Văn Thạch 777 phiếu
Nguyễn Văn Tạo 769 phiếu (3)”.
Hồi ký của bà Nguyễn An Ninh cho biết khi ấy cha bà sở dĩ đề nghị ông Nguyễn Văn Tạo đứng đầu Sổ Lao Động bởi theo ông người vô sản mới chăm lo quyền lợi cho người lao động: “Để tạo ra ứng cử đứng đầu sổ, mình kiếm thêm mấy người nữa lập một liên danh. Tốt nhất là chọn người cộng sản và người lao động. Mình cổ động với đồng bào: người vô sản mới là người chăm lo quyền lợi cho dân lao động, còn bọn tư sản chỉ lo cho nhà giàu (4)”.
Khi ấy, trước thắng lợi của Sổ Lao Động, Nha Mật thám Đông Dương đã phải cảnh báo về sự thắng cử này khi viết trong báo cáo: “Hoạt động của họ là trung tâm thu hút mọi hoạt động chính trị ở Sài Gòn-Chợ Lớn và vùng ngoại ô. Họ đã trở thành những người cố vấn chính thức của giai cấp cần lao, của viên chức sở xe điện, của những người tiểu thương (5)”.
Có thể thấy, giai đoạn 1932-1935, dù Đảng mới khôi phục tổ chức sau khi bị đàn áp, song với đường lối đúng đắn lúc ấy, Đảng Cộng sản Đông Dương đã khéo léo vận động các tầng lớp nhân dân Nam kỳ, nhất là Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định tiến hành các phong trào cách mạng. Những phong trào cách mạng ở Nam kỳ giai đoạn này đã có những đóng góp quan trọng trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.
Vũ Trung Kiên
(1) Lê Thành Khôi: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới, 2014, tr. 544
(2) Hà Minh Hồng (chủ biên): Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh hành trình 100 năm (1911-2011), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 179-180
(3) Nguyễn Đức Hiệp: Sài Gòn-Chợ Lớn đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí (1925-1945), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr. 310
(4) Trung tâm nghiên cứu Quốc học: Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người thân, Nxb Văn học, 2009, tr. 274
(5) Hà Minh Hồng (chủ biên): Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh hành trình 100 năm (1911-2011), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 185