Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đổi thay cung đường Trảng Dầu
Thứ sáu: 14:11 ngày 24/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hơn 10 tuổi, mỗi khi mẹ rủ ra Trảng Dầu (ấp Trường Ðức, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành) mua mít, chuối, dừa là tôi nhất quyết không đi. Ngần tuổi ấy, cô bé con nhà nông như tôi đã có thể khiêng được một trái mít hay buồng chuối xiêm 6 nải. Nhưng mẹ đi mua hướng nào thì tôi đi theo, chứ nghe đến Trảng Dầu là tôi không đi.

Đường ở Trảng Dầu hôm nay.

Tôi nghe người ta đồn ở Trảng Dầu thời ấy có nhiều “ông kẹ” lắm! Bởi đường về Trảng Dầu lúc đó là độc đạo, chỉ có một con đường duy nhất từ sau chợ Trường Lưu đi vào hun hút với ngập bùn sình đất đỏ. Lúc ấy, Trảng Dầu có nhiều vườn chôm chôm, ổi, chuối, dừa, mít… Ðây là những loại cây lâu năm mà người dân hay trồng, nhất là các loại chuối. Chuối chín mẹ tôi cũng mua, chuối vừa “mỏ vịt” mua bán cho người làm món chuối chát chấm mắm cũng có. Nhưng mẹ mua nhiều nhất là dừa khô, dừa rám. Mẹ mua hái xong thì lột vỏ tại chỗ, chỉ mang trái về. Tôi ám ảnh con đường đất đỏ ở Trảng Dầu từ lần theo mẹ đi mua dừa về trong một cơn mưa to.

Mẹ con tôi vận chuyển bằng xe đạp gần trăm trái dừa cho vào ba chiếc bao. Hai bao ràng bên thân xe, một bao trên ba-ga. Chiếc xe đạp sườn ngang thời 1995 có lắm công dụng, nhất là việc chuyên chở đồ. Xe chở dừa của mẹ con tôi ì ạch lê từng vòng trên con đường đất đỏ thì bất chợt trận mưa ập tới. Mưa lớn lắm, khu Trảng Dầu lúc đó lại ít nhà, mẹ con tôi chỉ biết đụt mưa dưới bóng cây mà thôi. Dứt cơn mưa dữ dội ấy thì mặt đường đất đỏ lênh láng nước chỗ trũng và nhão nhoẹt bùn sình.

Mà đất đỏ rất lạ, cứ như có hàng tấn keo đổ xuống hay sao ấy, cứ vòng xe nhích một chút là món “keo” đó dính vào một chút, xe đẩy tầm dăm mét là đất đỏ dính cứng cả bánh xe, không đẩy được nữa. Vậy là phải tìm nhánh cây nào đó cạy bùn ra, cạy đến đổ mồ hôi, đến phát khóc thì cuối cùng cũng đẩy xe ra được tới đường lớn. Gần trăm trái dừa lần đó của mẹ bán đi vẫn không đủ tiền cho hai mẹ con uống thuốc vì cảm sốt đến chục ngày.

Sau này, mẹ tôi vẫn mua đi trái cây “nhà vườn” nhưng không đi xe đạp nữa. Mẹ cũng ngán cảnh đường mưa đẩy xe dưới bùn rồi. Tôi thì nhất quyết, mẹ mua hàng ở đâu thì theo phụ chứ ở Trảng Dầu là “bó tay”.

Hai mươi năm nay, những con đường đất đỏ nắng bụi mưa lầy ở Trảng Dầu đã biến mất dần dần. Cũng lộ đỏ đó nhưng đường rộng thênh thang. Mưa thì nước đã chảy xuống hai bên mương của lề đường nên đường càng khô sạch. Mặt đường cũng mở rộng hơn chứ chẳng phải chỉ một bánh xe đi như ngày nào. Rồi Trường Ðông lại vừa đạt chuẩn xã “nông thôn mới” nên đường về Trảng Dầu không chỉ thênh thang mà còn trải nhựa băng băng.

Con đường nhựa đổ dài từ đầu đường Trường Ðông vào đường số 31 để về Trảng Dầu với chiều ngang mặt đường 10m cao ráo. Những ngôi nhà ở Trảng Dầu bây giờ nhiều không thua gì khu vực chợ, hoa cỏ bốn mùa cũng được trồng khắp sân, hai bên lề đường. Gần cuối Trảng Dầu là Trường tiểu học Trường Ðông B khang trang xinh đẹp với lầu cao và phượng vĩ.

Tôi đi giữa cung đường quê hương mà như quen như lạ, bởi cảnh nắng bụi mưa lầy đã biến mất. Cung đường ngày xưa ngập bùn keo nghiến chặt bánh xe, giờ thênh thang xe chạy để chở nông sản, rau màu từ ruộng về nhà, từ nhà ra chợ cho cuộc sống người dân nơi đây khấm khá hơn. Chương trình nông thôn mới đã thực sự thay da đổi thịt cho các cung đường ở quê tôi rồi.

THUỲ TRANG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục