Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá
Chủ nhật: 10:11 ngày 27/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hoà bình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Lễ Khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022.

Với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, tối 26/3, tại Đảo Ký ức Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 đã chính thức diễn ra. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo. 

Phát biểu khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022, đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 cho biết: Tỉnh Quảng Nam nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là địa phương được biết đến với sự năng động, bứt phá mạnh mẽ trong 25 năm qua kể từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1997.

Từ một tỉnh nghèo, sau 20 năm Quảng Nam đã tự chủ được ngân sách và tham gia điều tiết về Trung ương; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống nhân dân ngày càng thay đổi. Trong đó, hoạt động du lịch đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn và khai thác hợp lý các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể - phi vật thể, các tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng trải dài từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo.

Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh đã bền bỉ, linh hoạt thích ứng, không ngừng làm mới sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến các dịch vụ, đào tạo lại nhân lực, chú trọng chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, sẵn sàng đón nhận và khai thác các cơ hội mới.

Cùng với cả nước, Quảng Nam vô cùng khao khát phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, bởi đó không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế, mà hơn thế, du lịch còn đem lại ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn khi khơi dậy, lan tỏa và truyền tải đến bạn bè năm châu những giá trị của lịch sử, văn hóa và thiên nhiên vô cùng đặc sắc ở khắp các vùng miền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Đồng chí Lê Trí Thanh cho biết, du lịch Xanh sẽ là xu hướng du lịch tất yếu được lựa chọn của nhân loại. Chính vì vậy, Năm du lịch quốc gia 2022 lấy chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch Xanh” nhằm truyền tải thông điệp đến với bạn bè, du khách khắp muôn nơi về một Quảng Nam lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột, qua đó kêu gọi cùng chung tay vì một Việt Nam xanh, góp phần gìn giữ cho hành tinh của chúng ta mãi mãi xanh tươi, hòa bình và hạnh phúc.


Tiết  mục  nghệ  thuật  "Hào  khí  non  sông- Ân  tình  xứ  Quảng" mở  đầu  Lễ  khai  mạc  Năm  du  lịch quốc gia 2022.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hoà bình. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử hào hùng, văn hoá phong phú, đa dạng, con người hiền hoà, thân thiện, cởi mở, mến khách, chính trị ổn định, an ninh, an toàn.

Thủ tướng cho biết, những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước - du lịch không khói. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu.

 Thủ tướng khẳng định, trong hơn 2 năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, ngành Du lịch và Nhân dân Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm sáng tạo như đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng du lịch thực tế ảo…

Du lịch và hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Thế nhưng đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu nguồn nhân lực, sửa chữa, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách, tăng thêm sức hấp dẫn và hiệu quả hơn.

“Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn chồng chất của ngành du lịch, của doanh nghiệp, người lao động và người dân có công ăn việc làm gắn với hoạt động du lịch.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên và người lao động trong ngành du lịch, đồng thời xác định, biện pháp căn cơ nhất là đưa ra các giải pháp quyết liệt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động du lịch, mở cửa lại du lịch. Kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố tiên quyết để mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy du lịch phát triển”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho biết: Trên cơ sở kết quả phòng chống dịch, tham khảo ý kiến chuyên gia và sau khi được các cấp có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, Việt Nam chính thức mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua đó đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch nước nhà, đáp ứng nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân, du khách trong nước và quốc tế.

“Tuy nhiên, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để “biến nguy thành “cơ”. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách”- Thủ tướng lưu ý.

Theo Thủ tướng, Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại của chúng ta và là sự kiện trọng tâm của Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2022. Cùng với Lễ Khai mạc này, chúng ta kỳ vọng chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè quốc tế.

Đề cập đến vấn đề phát triển du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng: dự báo có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những bất ổn trên thế giới.

“Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu.

Tuy nhiên, đây cùng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Muốn vậy, một mặt, chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hòa giải, “Việt Nam - Đất nước an toàn”, hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, một điểm đến với “vẻ đẹp bất tận”.

Mặt khác, ngành Du lịch cần chủ động, sáng tạo và ứng phó linh hoạt để đưa du lịch tiếp tục phát triển, sẵn sàng đón dòng khách du lịch trở lại trong năm 2022 và những năm tiếp theo”- Thủ tướng chỉ đạo.

Dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động phối hợp thực hiện thật tốt một số trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc - một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Theo Thủ tướng, phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế với bản sắc Việt Nam, gắn với mảnh đất thiêng liêng mà anh dũng, gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam thân thiện, đôn hậu.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2022. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường.

Điều này cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đó là đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.


Pháo hoa chào mừng Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022. 

Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất nhưng có trách nhiệm với môi trường xã hội.

Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch cần quán triệt nghiêm chỉnh, tuân thủ các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19. Chủ động tuyển dụng, bồi dưỡng, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới của du khách trong bối cảnh hậu COVID-19.

Tăng cường thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch. Đây là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước. Các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần chủ động, tích cực chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, đầu tư phát triển các mô hình, loại hình du lịch hướng tới sự bền vững về cả kinh tế, xã hội và môi trường.

Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại điểm đến nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, cảnh quan môi trường, vệ sinh dịch tễ; đảm bảo việc ứng xử văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch. Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cạnh tranh và có trách nhiệm.

Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng, để mỗi người dân là một “đại sứ du lịch”. Sự tham gia của người dân địa phương có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững và hấp dẫn của du lịch Việt Nam đối với du khách.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch.

Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo.

Cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bối cảnh mới, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phù hợp xu hướng của thế giới hậu COVID-19.

Thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn du lịch. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững.

Qua đó góp phần để bạn bè quốc tế cảm nhận được truyền thống yêu chuộng hòa bình, thân thiện và mến khách của dân tộc ta. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam; những khách đã đi rồi sẽ quay trở lại nhiều hơn.


Sự kết hơp ánh sáng giữa truyền thống với hiện đại làm cho sân khấu chính và các tiết mục nghệ thuật gây nhiều ấn tượng với khán giả trong đêm Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022. 

Các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quảng Nam và các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần giảm nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch, doanh nghiệp du lịch.

Cần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chúng ta cần mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn. 

“Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Cùng với chủ đề chung này, những “từ khóa” chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là: “Hòa bình”, “xanh hóa”, “số hóa” và “kết nối”.

Thủ tướng cũng đã biểu dương Bộ VHTT&DL, tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để triển khai các hoạt động, chương trình phát động du lịch trên phạm vi cả nước.  Đồng thời chúc Quảng Nam, vùng đất “Ngũ phụng tề phi”, “Chưa mưa đà thấm” với “Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say” và những con người “Ơn trượng, nghĩa dày”, phát triển bền vững, luôn là điểm đến hấp dẫn và đã đến rồi thì mãi giữ trong lòng tình cảm ấm áp, yêu thương.

Sau phần lễ Khai mạc là phần biểu diễn nghệ thuật với chủ đề: “Quảng Nam- Điểm đến Du lịch xanh”; gồm 03 chương, trong đó chương 1 với chủ đề “vẻ đẹp bất tận”; chương 2 “về miền di sản”; chương 3 “hội nhập- toả sáng".

Tham gia biểu diễn các tiết mục nghệ thuật có khoảng 600 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên và một số ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp được khán giả yêu thích.

Chương trình nghệ thuật được dẫn dắt từ cội nguồn núi rừng đến biển, đảo; thể hiện những nét văn hóa, sinh hoạt của người dân, những phong cảnh làng quê, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của cư dân bản địa, gắn với tuyên truyền bảo vệ môi trường, giảm rác thải, phát triển du lịch an toàn, thân thiện. Chương trình được thực hiện tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An kết hợp công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo nên những đại cảnh phức hợp, nhiều màu sắc nghệ thuật./.

Nguồn dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục