Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Tây Ninh: Chung tay xây dựng đô thị sinh thái
Thứ hai: 09:16 ngày 09/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thành phố Tây Ninh là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Tây Ninh, đang trong tiến trình phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị thông minh, hiện đại, theo hướng đô thị kinh tế sinh thái, phấn đấu phát triển đạt 75% tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030.

Người Tà Mun ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân tham gia trồng cây xanh.

Trước yêu cầu nhiệm vụ đó, qua khảo sát 10 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn Thành phố với hơn 500 hộ, gần 2.000 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ gần 1,5% dân số, Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã xây dựng và triển khai mô hình “Vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Tháng 4.2022, MTTQ Thành phố chọn khu phố Ninh Đức, phường Ninh Thạnh (có 46 hộ người Tà Mun với hơn 220 nhân khẩu) làm điểm thực hiện mô hình, đem lại kết quả rất khả quan, nhất là việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống, đóng góp tích cực vào việc xây dựng đô thị sinh thái.

Mô hình bao gồm các hoạt động: tuyên truyền kiến thức về bảo vệ môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số; vận động bà con trồng và chăm sóc hoa, cây xanh, trang bị thùng rác, khai thông cống rãnh, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, treo cờ Tổ quốc theo quy cách thống nhất vào dịp lễ, tết… trên tuyến đường; tập trung các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5.6, ra quân “Ngày chủ nhật xanh” để dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, chăm sóc cây xanh, hoa kiểng hai bên đường, tuyên truyền kiến thức bảo vệ môi trường đến đồng bào và nhân dân…

Đến nay, mô hình được nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn Thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gồm: khu phố 2, phường 1 (có 140 hộ dân tộc Chăm sinh sống); tổ 49, ấp Tân Lập, xã Tân Bình (có 34 hộ dân tộc Tà Mun sinh sống); ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân (có 23 hộ Tà Mun sinh sống).

Xã Thạnh Tân là một trong những địa phương triển khai mô hình trong năm 2023, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Ông Lê Minh Hưng- Chủ tịch MTTQ xã Thạnh Tân cho biết: “Sau khi MTTQ Thành phố triển khai, xã Thạnh Tân chọn đây là mô hình mới của xã năm 2023 và tổ chức các hoạt động như thu gom rác, vận động người dân dọn dẹp vệ sinh nơi ở, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh… được người dân đồng tình, ủng hộ”.

Trong quá trình triển khai mô hình ở các địa phương, phải kể đến vai trò của lực lượng cốt cán ở cơ sở khi tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu về ý nghĩa của mô hình và hưởng ứng làm theo.

Trưởng ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân- ông Lê Văn Lang chia sẻ: “Hiện nay, đồng bào Tà Mun ở ấp Thạnh Hiệp có 54 hộ với 187 nhân khẩu, qua vận động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sach - đẹp, người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia, ủng hộ các hoạt động ở địa phương. Qua những lần vận động, người dân đã dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, trồng cây xanh làm cho đường làng ngõ xóm sạch, đẹp”.

Người Tà Mun ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân dọn dẹp vệ sinh tuyến đường.

Khi MTTQ xã Thạnh Tân tổ chức trồng cây, ông Lâm Văn Sỏi- người Tà Mun ở địa phương tham gia rất nhiệt tình. Bà Lâm Thị Hom- người Tà Mun ở xã Thạnh Tân cũng vui vẻ tham gia phong trào. Những cây xanh được trồng trước nhà bà hay các hộ dân khác trong khu dân cư đều được các hộ thường xuyên chăm sóc, cây phát triển tốt tươi.

Qua thời gian triển khai thực hiện, mô hình đã đạt một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số trong giữ gìn vệ sinh môi trường, thể hiện được ý nghĩa của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp; thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng phường văn minh đô thị, xây dựng xã nông thôn mới.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều hưởng ứng treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, tết; tham gia với MTTQ và các đoàn thể dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, cây hoa trên tuyến đường; không xả rác, nước thải sinh hoạt ra đường; biết dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng.

Đáng phấn khởi, một số hộ đồng bào thay đổi phong tục lạc hậu trong chăn nuôi, không chăn nuôi gia súc thả rong xung quanh nhà, làm chuồng chăn nuôi…; đăng ký thu gom rác thải, hạn chế sử dụng túi ni-lông, trang bị thùng rác tự quản tại gia đình, bỏ rác đúng nơi quy định, dọn dẹp vệ sinh nhà ở… góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng sạch đẹp, văn minh và thân thiện với môi trường. Tổng kinh phí vận động hỗ trợ thực hiện mô hình trị giá 279.000.000 đồng (gồm vận động tiền mặt, cây hoa, cây xanh, ngày công lao động...).

 Kết quả đạt được dễ thấy của việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp là các khu vực đồng bào dân tộc sinh sống có những con đường sạch - đẹp, nhà cửa ai ai cũng sạch sẽ, gọn gàng.

Ông Lâm Văn Ron- người có uy tín trong đồng bào Tà Mun ở thành phố Tây Ninh nói: ông muốn góp sức xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, cho nhà cửa, đường làng ngõ xóm khang trang. Là người có uy tín trong đồng bào, ông luôn gương mẫu thực hiện các hoạt động, phong trào ở địa phương, đồng thời vận động đồng bào làm theo. Ông mong rằng Đảng, Nhà nước quan tâm mở rộng thêm mô hình, xây dựng địa phương phát triển tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng Thành phố sinh thái trong tương lai.

Quế Hương - Xuân Vũ

Tin cùng chuyên mục