Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, với thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp nên trong hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng trên địa bàn, việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm.
Từ năm 2013, khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng Tây Ninh đã có đóng góp tích cực trong thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Thu hoạch mãng cầu tại xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh- Ảnh minh hoạ
Tại hội nghị sơ kết 5 năm tái cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh cho biết: trong 5 năm (giai đoạn 2013- 2017) hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt doanh số 104.215 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2018 đạt 14.706 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6.2018 dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của hệ thống Ngân hàng Tây Ninh là 21.221 tỷ đồng với 209.123 hộ và 312 doanh nghiệp vay, chiếm 46,5%/tổng dư nợ, tăng 90% so với cuối năm 2013.
Trong đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn của ngành Ngân hàng đã từng bước chuyển sang các cây, con, ngành nghề có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững theo đúng định hướng tái cơ cấu của tỉnh; tập trung cho các cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn liền với thị trường và công nghiệp chế biến; vùng chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại; lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, thì tín dụng chính sách của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Ninh cho các đối tượng chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã có mức tăng trưởng tốt qua từng năm. Tổng dư nợ cho vay đối tượng chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 6.2018 là 1.813,4 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so cuối năm 2013.
Vốn tín dụng ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua đã giúp người dân mở rộng diện tích các loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh, như mía, mì, cao su, cây ăn trái… hình thành vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản của tỉnh và khu vực.
Ông Nguyễn Xuân Hiền cho biết thêm: trong thời gian tới, với sự quyết tâm của địa phương trong thực hiện Đề án tài cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngành Ngân hàng Tây Ninh sẽ tiếp tục quan tâm, dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là những cây con, ngành nghề có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, sản xuất theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao; quan tâm đầu tư xây dựng các xã nông thôn mới, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhi Trần