Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”
Thứ hai: 17:29 ngày 24/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm 2021 là năm đầy khó khăn với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (khu công nghiệp) trong tỉnh khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Có thời điểm các doanh nghiệp phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, cũng có doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì không đáp ứng được các điều kiện sản xuất.

Các sở, ngành tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Với sự chỉ đạo và hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; trong đó Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh giữ vai trò chính, đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Ngày 3.9.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2104/QĐ-UBND về việc ban hành phương án khôi phục sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Để tạo điều kiện triển khai thực hiện phương án khôi phục sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh căn cứ kết quả phân loại các vùng nguy cơ định kỳ tại địa phương thẩm định và phê duyệt phương án khôi phục sản xuất đối với các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và các doanh nghiệp đang ngừng hoạt động muốn khôi phục lại sản xuất. 

Ngày 21.10.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3676/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP trên địa bàn tỉnh. Trong kế hoạch có nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Theo Kế hoạch 3676, UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có trách nhiệm triển khai hoạt động khôi phục sản xuất đến từng doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án theo từng giai đoạn kiểm soát của dịch bệnh; phối hợp tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp.

UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn, bảo đảm các doanh nghiệp xây dựng môi trường sản xuất thông thoáng, an toàn cho công nhân; có trách nhiệm tiếp nhận, theo dõi, tổng hợp phương án lưu trú, phương án tổ chức sản xuất do các doanh nghiệp gửi theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 22.10, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh ban hành hướng dẫn một số nội dung cụ thể của Kế hoạch số 3676/KH-UBND để các doanh nghiệp thực hiện; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất nhằm phục hồi kinh tế, doanh nghiệp được giảm gánh nặng về chi phí trong hoạt động sản xuất. Có thể khẳng định, Kế hoạch 3676 của UBND tỉnh chính là “đòn bẩy” mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khôi phục sản xuất và đạt được những kết quả khả quan vào những tháng cuối năm 2021.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong năm 2022, Ban Quản lý tiếp tục theo dõi tình hình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chính sách liên quan. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ các trung tâm y tế thực hiện và UBND Thị xã triển khai tiêm vaccine cho người lao động nước ngoài và Việt Nam. Khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh theo Kế hoạch số 3676/KH-UBND ngày 21.10.2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong tỉnh đã dần phục hồi và đi vào ổn định, nhưng khó khăn vẫn còn phía trước do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn những dự báo khó lường. Theo một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng), doanh nghiệp và người lao động đã thống nhất sẽ nghỉ tết nguyên đán từ ngày 29.1 đến ngày 7.2. Nguyên nhân bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên đơn hàng của công ty bị dồn lại rất nhiều. Chính vì lý do đó mà doanh nghiệp cho người lao động nghỉ cận kề tết nguyên đán và bắt tay ngay vào sản xuất, sau khi nghỉ tết nguyên đán để kịp tiến độ giao hàng đầu năm.

Thế Nhân

Tin liên quan