Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đọng lại một ánh trăng buồn
Chủ nhật: 07:12 ngày 08/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bài thơ “Bạn tôi” của Tân Quảng (ảnh) đăng trong Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam số 7&8 năm 2017.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có số lượng người già chiếm tỷ lệ cao. Nhờ chất lượng cuộc sống ngày được cải thiện- cả về mặt vật chất lẫn tinh thần nên tuổi thọ trung bình của người Việt cũng được nâng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Trước kia, người ta thường nghĩ: Nhân sinh thất thập cổ lai hi (Người sống đến bảy mươi tuổi xưa nay hiếm). Nhưng giờ thì khác, người ta sống đến ngoài tuổi bảy mươi là bình thường. Ấy là một điều mừng.

Nhưng cũng có điều không vui, hay có thể nói là rất buồn đối với các thành viên trong gia đình có người già, vì số đông người già thường có sức khoẻ kém.

“Bạn tôi” của Tân Quảng là những nét ký hoạ chân thực về một người bạn: Buồn cho bạn mắc chứng quên… Thường trong gia đình, giữa ông, bà và cháu có mối quan hệ khăng khít, gắn bó thân thiết vào loại bậc nhất. Thế mà: Thằng cháu nội chẳng nhớ tên là gì.

Tên của cháu nội mà cũng không nhớ thì còn cái gì nhớ nổi? Kể cả người mẹ- hình bóng thân yêu nhất mà khi mất đi là cả một sự mất mát không gì lớn lao bằng, thế mà giờ đến ngày mẹ mất cũng không biết: Giỗ mẹ hỏi có việc chi/ Mới ra khỏi ngõ đã đi lạc nhà… Ðến nỗi: Ảnh mình cũng chẳng nhận ra/ Cơm vừa buông đũa bảo là chưa ăn/ Ði dép thì xỏ nhầm chân/ Mắt nhìn bè bạn người thân hững hờ.

Ðến mức này thì hết cách! Không lo sao được! Sao yên lòng được khi người đáng kính nhất trong nhà không còn được hưởng những thành quả do chính mình suốt cả cuộc đời gầy dựng, vun vén… để làm nên, cho cháu con được thừa hưởng.

Bốn câu thơ kết như một tiếng thở dài xót xa: Một đời viết sách làm thơ/ Yêu thương thù hận bây giờ đều quên. Thông thường, ánh trăng là biểu hiện của sự thư thái, yên lành mà vũ trụ ban cho con người nhưng trong bài thơ này, ánh trăng lại chan chứa một nỗi buồn, cho dù: Sân nhà vằng vặc trăng đêm; bởi có người tuy vẫn đang còn sống như bao người nhưng lại không nhận ra được bản thân và sự vật chung quanh mình: Bàn chân vô thức giẫm lên bóng mình.

Bài thơ mở đầu bằng câu: Buồn cho bạn mắc chứng quên. Nỗi buồn ấy không chỉ là cho bản thân người bị mắc chứng quên, cho những người thân trong gia đình người đó, mà đây còn là một nỗi buồn cho toàn xã hội.

Bài thơ như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh để tất cả mọi người sống trong xã hội và trong mỗi gia đình đều phải có trách nhiệm quan tâm, yêu thương, chăm sóc người già; phải làm sao để các cụ cao niên được sống vui, sống khoẻ trong những ngày tháng cuối đời.

Cảnh Trà

Tin cùng chuyên mục