Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đồng lòng vượt khó 2009
Thứ hai: 11:14 ngày 13/07/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với quyết tâm vượt khó, nuôi con ăn học thành tài, nhiều năm qua, vợ chồng anh Cường, chị Hài đã được Hội khuyến học Thị xã tuyên dương là Gia đình hiếu học.

Anh Cường, chị Hài

Anh làm bảo vệ trường, chị làm nhân viên phục vụ. Tiền lương hằng tháng của vợ chồng anh chị hiện tại chỉ tròn trèm 2 triệu đồng. Để có tiền lo cho các con ăn học, chị phải đi phụ giúp thêm việc nhà. Tằn tiện chi tiêu, không ngại vất vả, gần 15 năm vào đất Tây Ninh lập nghiệp, “tài sản” đáng giá nhất mà anh chị có được là 2 đứa con, đứa trai đầu đang học năm thứ hai Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đứa gái út đang học lớp 12 Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Đó cũng là niềm hạnh phúc của họ- anh Đinh Văn Cường (sinh năm 1961) và chị Trần Thị Hài (sinh năm 1965), ngụ ở khu phố 3, phường 3, Thị xã.

Dáng người nhỏ nhắn và đôi bàn tay chai sạm đã nói lên nỗi vất vả mà suốt hơn chục năm qua chị Hài phải trải qua. Năm 1994, chị cùng chồng và đứa con gái nhỏ rời quê ở Hà Tĩnh vào Tây Ninh lập nghiệp theo sự giúp đỡ của người quen. Đứa con trai lớn, anh chị phải để ở lại quê nhờ ông bà nội nuôi giúp. Không có chỗ ở, anh chị tá túc trên đất rẫy của người bà con rồi đi làm thuê, làm mướn, kiếm sống qua ngày.

Sức khoẻ kém do vết thương ở cột sống từ hồi còn ở chiến trường biên giới Lào để lại di chứng nên anh Cường không thể làm những công việc đồng áng nặng nhọc. Muốn cho con mình có chỗ học hành ổn định, năm 1997 vợ chồng anh về thị xã Tây Ninh ở nhờ nhà người quen. Anh Cường xin vào làm nhân viên bảo vệ cho Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, còn chị Hài cũng đi làm cấp dưỡng ở Trường MN Thái Chánh. Chị Hài kể, mấy năm đó, tiền lương của cả vợ chồng cộng lại chỉ được 250.000 đồng/tháng, không đủ sống nên chị phải đi phụ giúp việc nhà cho những gia đình khá giả khác để chi tiêu cho cả nhà. Chị kể, công việc hằng ngày của chị ở trường bắt đầu vào lúc khoảng 5 giờ sáng. Quần quật suốt ngày với hàng trăm thứ công việc không tên của một nhân viên phục vụ, đến giờ tan trường chị lại tất tả đến nhà chủ để làm vai trò người giúp việc nhà cho đến 9, 10 giờ đêm mới về. Trong thời gian nhà trường nghỉ hè, được rảnh tay chị nhận phụ việc nhà cho hai, ba gia đình để tăng thu nhập, có điều kiện lo cho các con vào năm học mới. Năm 1999, chị Hài xin chuyển về làm chung với anh Cường ở Trường TH Võ Thị Sáu. Chị Hài cho biết: “Hai vợ chồng làm chung trường cũng thuận tiện vì anh chị có thể phụ giúp công việc cho nhau. Anh trực ở trường 24/24 giờ, mỗi buổi sáng và chiều lại phụ tôi quét dọn vệ sinh sân trường, lớp học. Đã gần chục năm rồi, thời gian chúng tôi sống ở Trường Võ Thị Sáu còn nhiều hơn ở nhà…”.

Biết hoàn cảnh của anh chị, BGH Trường TH Võ Thị Sáu đã có ý giúp đỡ bằng cách tạo điều kiện cho hai người làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Hai vợ chồng cùng đỡ đần công việc cho nhau, cùng động viên nhau vượt khó. Đến năm 2003, khi nguồn thu nhập gia đình dần ổn định, anh chị mới dám đón thêm đứa con trai đầu vào Tây Ninh. Không phụ lòng ba mẹ, hai đứa con của chị Hài và anh Cường đã cố gắng học thật giỏi, luôn biết tiết kiệm trong chi tiêu, để đỡ nhọc nhằn cho cha mẹ. Cả hai lần lượt thi đỗ vào Trường chuyên Hoàng Lê Kha. Đứa con trai đầu tên là Đinh Gia Hoàng, sau khi tốt nghiệp THPT đã đỗ vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cô con gái út Đinh Thị Lam cũng rất ngoan ngoãn và học giỏi không kém anh, luôn nỗ lực phấn đấu để không phụ công lao vất vả của cha mẹ. Anh Cường cho biết: “Cũng nhờ nhà trường thông cảm hoàn cảnh gia đình tôi, năm học nào các con tôi cũng được xét nhận học bổng khuyến học, nhà trường còn miễn giảm học phí, tiền xây dựng kể cả tiền học phụ đạo… nhờ vậy mà các con tôi yên tâm theo học”.

Từ khi con trai vào đại học, cứ hai tuần một lần, chị Hài lại đi thăm con. Chị tâm sự “Mỗi tháng ngoài thực phẩm đem xuống, tôi chỉ cho thêm nó 400.000 đồng để tiêu xài. Nó đang ở nhà người bà con, cách trường gần 20 cây số. Cuộc sống cực khổ vậy mà nó chẳng hề than thở, không dám tiêu xài hoang phí, chỉ ăn cơm ngày ba bữa rồi đến trường học. Thấy các con chịu học nên dù vất vả cỡ nào vợ chồng tôi cũng ráng, chỉ mong làm có nhiều tiền để cho các con ăn học tới nơi tới chốn”.

Với suy nghĩ ấy mà đã hơn 10 năm rồi, chị Hài chưa một lần về thăm quê. Khi gia đình ở quê có việc quan trọng thì thường là anh Cường về. Chị bảo: “Làm quần quật suốt ngày cũng mệt mỏi lắm nhưng nghĩ tới con, biết đến cuối tháng con cần tiền là tôi lại quên hết vất vả, mệt nhọc. Đó là động lực quan trọng giúp vợ chồng tôi vượt qua bao khó khăn”.

Với quyết tâm vượt khó, nuôi con ăn học thành tài, nhiều năm qua, vợ chồng anh Cường, chị Hài đã được Hội khuyến học Thị xã tuyên dương là Gia đình hiếu học. Gia đình anh chị cũng là một trong 10 Gia đình hiếu học tiêu biểu của Thị xã tham dự Đại hội thi đua khuyến học lần thứ nhất và Hội nghị Biểu dương Gia đình hiếu học tỉnh Tây Ninh lần thứ hai năm 2009 sẽ diễn ra trong tháng 7 này.

KN

data:
Giá Phanh cẩu Hitachi 3 tấn, 5 tấn
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục