Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Đồng Nai chú trọng thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường và 3 đột phá” để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh
Thứ tư: 09:49 ngày 25/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 24-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về dự Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai năm 2024 với chủ đề “Kết nối - hội nhập - cất cánh”. Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh:P. Tùng

Về phía tỉnh Đồng Nai, tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Đồng Nai đang ở thời điểm vàng để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn

Ngày 3-7-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh). Theo quy hoạch phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm: tổng diện tích tự nhiên hơn 5,8 ngàn km2 với 11 đơn vị hành chính.

Tại hội nghị, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn khoảng 155 ngàn tỷ đồng; đồng thời, trao thư quan tâm cho 24 dự án.

Quy hoạch tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.Tùng

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai nhận thức sâu sắc: “Một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra”. Vì vậy, công việc xây dựng và triển khai Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Phải tận dụng cơ hội này để phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, kiến tạo động lực phát triển mới, kết hợp thực hiện 5 đột phá chiến lược gồm: khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành; hoàn thành khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các khu công nghiệp xanh, giảm phát thải carbon, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển tổ hợp giáo dục, đào tạo và triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp.

“Đồng Nai đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn phải thông; quyết chí đồng tâm, vượt qua thách thức, ấm lòng nhân dân; thi đua với toàn vùng, không ngừng phấn đấu đi đầu tiên phong” - Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH gửi gắm đến Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đồng Nai.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Quy hoạch tỉnh được xây dựng trên cơ sở tính toán trong tổng thể chung của vùng Đông Nam Bộ dựa theo lợi thế, tiềm năng của từng địa phương và của tỉnh. Với nền tảng đó, Đồng Nai sẽ phát triển dựa trên sự hợp tác liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, khu vực, phát huy tối đa các điều kiện, các lợi thế của tỉnh đã được xác định, đặc biệt là Sân bay Long Thành. “Trên cơ sở những định hướng quan trọng mà Quy hoạch tỉnh đã xác định, Đồng Nai được đánh giá đang ở thời điểm vàng, hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Đảng bộ và chính quyền Đồng Nai cam kết xây dựng môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch và cùng kiến tạo phát triển. “Dịp này, Đồng Nai mời gọi nhà đầu tư không những đến đầu tư, phát triển cùng Đồng Nai, mà hãy đến cùng xây dựng chiến lược phát triển 100 năm tới tại Đồng Nai, vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh bày tỏ.

Bản quy hoạch tốt để Đồng Nai “kết nối, hội nhập và cất cánh”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; có giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.Tùng

“Đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đồng Nai, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhân dân và của cả nước, bản quy hoạch tốt để “kết nối, hội nhập và cất cánh” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.Tùng

Để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá”. Trong đó, trọng tâm là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…).

2 tăng cường gồm: tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và chuỗi, kết nối thị trường.

3 đột phá gồm: đột phá phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đột phá thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển; đột phá đào tạo, thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nguồn baodongnai

Tin cùng chuyên mục