Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đông - Tây Nam Bộ cần đường thênh
Thứ ba: 17:59 ngày 13/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc liên kết vùng Đông Nam Bộ và mở rộng ra là miền Đông và miền Tây ngày càng trở nên khả thi hơn khi hàng loạt công trình kết nối hai miền đang bứt tốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: GIAI THỤY

Suy nghĩ đã chín, tư tưởng đã thông, cơ chế chính sách đã có, cờ đã đến tay, cả Chính phủ, bộ ngành, TP.HCM cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, làm việc trọng tâm hơn nữa. Làm việc gì phải dứt điểm việc đó để lấy niềm vui, cảm hứng làm việc tiếp theo. Phải có tư tưởng tấn công, chứ không phải chỉ có phòng ngự. Tức là giải quyết vướng mắc pháp lý dẫn đến việc còn sợ sai, sợ trách nhiệm để mở rộng tấn công chứ không chỉ phòng ngự.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

Thay vì khi Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành và TP phải nhanh chóng thực hiện thủ tục pháp lý đảm bảo thực hiện thì chúng ta cứ luẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để đảm bảo tính an toàn cho số cơ quan, số bộ ngành. Đây là nguyên nhân của sự chậm trễ, của việc phân cấp chưa tối đa khiến nhiều vấn đề kéo dài.

Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN

Ngày 10-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và làm việc với TP.HCM về nghị quyết 98, trong đó thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm, từ đây mở ra yêu cầu mở rộng kết nối giao thông giữa Đông và Tây Nam Bộ.

Việc liên kết vùng Đông Nam Bộ và mở rộng ra là miền Đông và miền Tây ngày càng trở nên khả thi hơn khi hàng loạt công trình kết nối hai miền đang bứt tốc, hình thành một mạng lưới liên kết liền mạch, hứa hẹn tạo ra cuộc cách mạng kết nối giao thông, hàng hóa, du lịch và đầu tư của cả khu vực miền Nam.

Chờ đột phá khi một dải Đông - Tây liền mạch
Những ngày này, công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang hối hả tiến hành thi công, tạo nên một bức tranh sôi động tại nút giao Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là điểm kết nối chiến lược giữa ba tuyến giao thông quan trọng: cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 3 TP.HCM.

Trong vài tháng tới, các nhánh kết nối từ đây sẽ chính thức thông xe, mở đường dẫn thẳng đến quốc lộ 1, đặt nền móng cho việc hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2025. Sau gần một thập niên chờ đợi, đây thực sự là tin vui cho người dân, đánh dấu bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của giao thông khu vực.

Hãy tưởng tượng về ngày cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km chính thức thông xe, tạo nên một hành lang kết nối giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Khi đó, những đoàn xe chất đầy lúa gạo, trái cây và thủy hải sản từ vùng đất trù phú miền Tây - nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người - sẽ nhập vào trục dọc TP.HCM - Cà Mau, đoạn Cần Thơ - Cà Mau cũng dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Khi đến nút giao Mỹ Yên, những chiếc xe sẽ băng băng trên cao tốc Bến Lức - Long Thành, không ngừng nghỉ cho đến khi tiếp cận với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu năm 2026).

Tại đây, xe có thể rẽ trái để đi về sân bay Long Thành hoặc tiếp tục cuộc hành trình trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, nối liền các điểm đến như Phan Thiết, Nha Trang. Hoặc rẽ phải theo cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thẳng đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không chỉ hàng hóa, tuyến cao tốc Đông - Tây này còn mang lại lợi ích lớn cho người dân miền Tây trong những chuyến du lịch tới Phan Thiết hay Vũng Tàu. Việc di chuyển sẽ trở nên nhanh chóng, mượt mà hơn mà không còn lo lắng về tình trạng tắc nghẽn giao thông như trước đây.

Đặc biệt, với cam kết của các địa phương, tuyến đường vành đai 3 TP.HCM dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.

Nếu đúng tiến độ, đường vành đai 3 sẽ kết hợp với cao tốc Bến Lức - Long Thành, tạo nên một vòng tròn hoàn chỉnh kết nối TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Khi đó, việc di chuyển từ các tỉnh miền Tây qua đường vành đai 3 sẽ trở nên thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các tuyến cao tốc liên vùng.

Một số nội dung trong buổi làm việc của thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM

Sớm đồng bộ hệ thống đường kết nối
Việc mở rộng đường cao tốc chắc chắn sẽ cải thiện khả năng di chuyển, nhưng cần lưu ý rằng các đường dẫn, nút giao và kết nối vào đô thị cũng phải được đồng bộ. Nếu không, các điểm này có thể trở thành nút thắt cổ chai, gây ùn tắc và làm giảm hiệu quả của cao tốc.

Chẳng hạn cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn thành, nhưng vẫn cần các kết nối bổ sung như làm nút giao hoàn chỉnh với quốc lộ 50 hay nút giao đường Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Hữu Thọ.

Tương tự, nút giao với đường Rừng Sác chưa được xây dựng, khiến người dân ở huyện Cần Giờ còn phụ thuộc vào phà Bình Khánh trong khi chờ cầu Cần Giờ xây dựng. Vì vậy, thời gian qua TP đã đề xuất triển khai xây dựng, nâng cấp ba nút giao này nhằm tối ưu hóa sự kết nối của cao tốc với các khu vực lân cận.

Tại điểm đầu tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nút giao An Phú cũng cần đảm bảo tiến độ. Còn đoạn đường dẫn cao tốc với vốn gần 1.000 tỉ đồng cũng được đề xuất đầu tư.

Còn ở điểm nóng ùn tắc tại khu vực trạm thu phí Long Phước, một nút giao sẽ xây dựng tới đây để kết nối với Thủ Đức.

Ở phía tây, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng yêu cầu tư vấn nghiên cứu phương án mở rộng đường kết nối cho phù hợp nhu cầu đi lại trong tương lai.

Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng thêm các nút giao mới để đảm bảo giao thông thông suốt.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giao thông, thời gian qua việc áp dụng thu phí không dừng (ETC) tại các trạm thu phí đã góp phần tích cực trong việc giảm ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.

Tuy nhiên để đảm bảo tốc độ lưu thông như thiết kế của cao tốc, cần phải sớm thực hiện đa làn tự do (không có barrier). Ngoài ra, các trạm dừng chân dọc cao tốc cũng cần được sớm triển khai nhằm tạo thuận tiện cho người dân khi đi trên cao tốc.

Công trình nhà ga hành khách - trái tim sân bay Long Thành - đang đảm bảo tiến độ - Ảnh: A LỘC

Định hình các cực phát triển mới
Ngoài hệ thống cao tốc, các dự án trọng điểm như cao tốc Bến Lức - Long Thành, sân bay quốc tế Long Thành và cảng quốc tế Cần Giờ đang được triển khai, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn định hình tương lai của khu vực.

Những dự án này không chỉ giải quyết vấn đề về giao thông mà còn mở ra cánh cửa mới cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế.

Với vai trò là chủ đầu tư của hai dự án trọng điểm - nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30-4-2025, trong khi giai đoạn 1 của sân bay Long Thành sẽ được hoàn thiện, chạy thử trước ngày 31-8-2026, và sẵn sàng đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 2-9-2026.

Sân bay Long Thành, với thiết kế hiện đại, sẽ có khả năng phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm trong giai đoạn 1.

Khi hoàn thành toàn bộ dự án, công suất của sân bay sẽ tăng lên đến 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa hàng/năm, đưa Long Thành trở thành sân bay quốc tế lớn nhất cả nước.

Điều này không chỉ là cột mốc quan trọng trong hạ tầng giao thông, mà còn biến Long Thành thành trung tâm kết nối khu vực miền Nam với thế giới.

Một khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, nó sẽ trở thành cực phát triển mới, đồng thời là cửa ngõ quốc tế của cả khu vực miền Nam.

Người dân từ các tỉnh miền Tây có thể dễ dàng tiếp cận sân bay thông qua cao tốc Bến Lức - Long Thành, rồi kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, và cuối cùng là tuyến đường T1 dẫn thẳng vào sân bay.

Tương tự, người dân từ Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ có thể di chuyển nhanh chóng bằng các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rồi tiếp tục qua đường T2 và T1 vào sân bay.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ kết nối với Long Thành qua cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong khi Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh sẽ kết nối thông qua các tuyến đường vành đai đang dần hình thành.

Trong buổi khảo sát ngày 8-8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh rằng sân bay Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Ông cũng cảnh báo về tầm quan trọng của việc đồng bộ hóa kết nối giữa sân bay Long Thành và các dự án hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng, đặc biệt là với TP.HCM.

"Không thể để sân bay Long Thành vận hành mà thiếu sự kết nối hạ tầng. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của sân bay", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh hạ tầng hàng không, hệ thống cảng biển của Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho một bước nhảy vọt với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. TP.HCM đã hoàn thành đề án và trình Thủ tướng, với sự quan tâm đặc biệt từ Hãng tàu MSC - hãng tàu lớn nhất thế giới.

MSC sở hữu đội tàu với năng lực chuyên chở trên 23 triệu TEU mỗi năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải toàn cầu, và kết nối với hơn 500 cảng biển quốc tế. Đầu tư của MSC vào cảng Cần Giờ sẽ tạo ra một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế hàng hải của Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án cảng Cần Giờ, và khẳng định rằng có đủ căn cứ chính trị và pháp lý để triển khai.

Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được đưa vào nhóm dự án ưu tiên chọn nhà đầu tư chiến lược theo nghị quyết số 98, nhằm thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Khi thành công, dự án này sẽ không chỉ gia tăng tiềm năng hệ thống cảng biển hiện hữu mà còn đưa Việt Nam lên bản đồ hàng hải quốc tế, trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới.

Đây là bước đi chiến lược giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế cạnh tranh và củng cố an ninh, quốc phòng và kinh tế biển.

Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ
Ngày 10-8, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Tại hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá cao nỗ lực của các thành viên hội đồng, các bộ ngành và địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ quan trọng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế đáng lưu ý. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của vùng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường và ngập úng vẫn là vấn đề bức xúc, nhất là tại TP.HCM.

Để khắc phục những hạn chế này, Thủ tướng đã đưa ra một loạt phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm. Các bộ ngành và địa phương cần rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2024 để nỗ lực hoàn thành. Đồng thời, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và mới, tăng cường liên kết vùng.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành nghiên cứu các dự án vùng và liên vùng quan trọng như đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

TP.HCM được giao chủ trì trình các cơ chế chính sách cho dự án đường vành đai 4. Các tỉnh liên quan cũng cần khẩn trương hoàn thành thủ tục cho các dự án đường cao tốc, phấn đấu khởi công vào dịp 30-4-2025.

TP.HCM cần cơ chế mới để làm metro
Tại cuộc họp với Thủ tướng ngày 10-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trình bày kế hoạch tham vọng về phát triển đường sắt đô thị của TP.

Theo đề án, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng 183km metro đến năm 2035, nâng lên 352km vào năm 2045, và đạt 510km vào năm 2060. Khi hoàn thành, hệ thống này dự kiến sẽ đáp ứng từ 50 - 60% nhu cầu vận tải công cộng của TP. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, TP cần có những cơ chế đặc thù và vượt trội.

Ông Mãi nhấn mạnh rằng nếu tiếp tục thực hiện theo quy trình đầu tư công hiện tại, việc hoàn thành 500km metro có thể mất hàng thế kỷ.

Ông dẫn chứng việc tuyến metro số 1 đã mất gần 20 năm để hoàn thành 20km. Do đó, TP đang chuẩn bị đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan đến quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, huy động vốn và thủ tục dự án.

Bên cạnh hệ thống metro, TP.HCM cũng đang tập trung vào các dự án đường vành đai. Đối với đường vành đai 3, dự án đang gặp một số vướng mắc về nguồn cung cấp cát cho xây dựng, giải phóng mặt bằng (đặc biệt tại Đồng Nai), và tiến độ của một số hạng mục. Các địa phương liên quan đã thống nhất sẽ họp bàn để đảm bảo tiến độ dự án.

Đối với dự án đường vành đai 4, TP dự kiến sẽ trình hồ sơ lên Bộ Giao thông vận tải trong tháng 8 này. Mục tiêu là trình Quốc hội vào cuối năm 2024 để phê duyệt chủ trương đầu tư. Các địa phương có dự án đi qua đã đề xuất phương án phân bổ vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, TP.HCM sẽ tự đảm bảo vốn, trong khi các tỉnh khác đề nghị sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương với tỉ lệ khác nhau.

Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang được đẩy nhanh tiến độ - Ảnh: C.TUẤN

Yên tâm với tiến độ nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Trong ngày 10-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến kiểm tra tiến độ công trình dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh xây dựng các công trình thuộc phần cầu, kết nối hệ thống giao thông với nhà ga T3. Vừa qua, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đã thể hiện rất rõ về liên kết hệ thống giao thông. Đề nghị TP.HCM phối hợp với dự án ACV, Ban quản lý vốn nhà nước, Ban Giao thông hoàn thành hệ thống giao thông kết nối.

"Cách đây 3 năm, tôi cũng rất lo lắng về tổ chức công việc của ACV. Tuy nhiên, qua 3 năm vừa qua, ACV đã lớn lên, trưởng thành rất nhanh từ nhà ga Long Thành tới nay và sân bay Điện Biên Phủ... cùng các nhà thầu liên danh, làm càng ngày càng nhanh.

Đồng thời biểu dương tinh thần 3.000 công nhân luôn có mặt trên công trường. Chiều thứ bảy vẫn còn người. Chỗ nào cũng có công nhân làm việc. Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", Thủ tướng phát biểu.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn của ACV (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước); tiến độ xây dựng dự kiến 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Dự án có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ phục vụ khai thác nội địa, phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.

Kết quả triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 100% vào tháng 6 vừa qua. Sân đỗ máy bay đã hoàn thành. Phần bê tông thô đạt 100%, nhà ga xây thô kiến trúc đạt 80%. Thi công phần thân công trình đang kiểm soát được tiến độ theo kế hoạch.

Các đơn vị phấn đấu hoàn thành lắp dựng kết cấu thép dịp 2-9-2024, đưa dự án vào khai thác đúng dịp 30-4-2025.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục