Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Huyện Dương Minh Châu:
Dự án di dời “lò mì” lại bị phản ứng mạnh
Thứ hai: 16:34 ngày 28/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau một thời gian yên ắng, gần đây, chính quyền và nhiều người dân xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) lại tiếp tục phản ứng khi dự án di dời “lò mì” về địa phương sắp thực hiện.

Một đoạn bờ kênh bị sạt lở nghiêm trọng vì đường ống xả thải của nhà máy mì ở xã Phước Ninh.

Ðầu năm 2017, nhiều người dân xã Phước Ninh từng một phen sốt vó khi thấy một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chưa xin giấy phép đã thi công lắp đặt đường ống dẫn nước xả thải để chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì.

Sau khi bị chính quyền và người dân hai xã Phước Ninh, Chà Là (huyện Dương Minh Châu) phản ứng mạnh mẽ, dự án này đã dừng lại. Thế nhưng, đến nay, dự án này lại “rục rịch” tiếp tục triển khai, chính quyền và nhiều người dân xã Phước Ninh lại tiếp tục canh cánh lo âu.

Ðó là dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì của DNTN Thiên Ðức, toạ lạc thị trấn huyện Dương Minh Châu, do ông Hà Văn Thắng làm chủ doanh nghiệp.

Trước đây, nhà máy này toạ lạc ở ấp Phước Hội, xã Suối Ðá, do gây ô nhiễm môi trường nên chủ nhà máy sang nhượng lại cho ông Thắng. Chủ DNTN Thiên Ðức lại có kế hoạch nâng công suất nhà máy lên 8 lần và di dời về ấp Phước Tân, xã Phước Ninh để tiếp tục hoạt động.

Dự án này đã được UBND tỉnh chấp nhận tại Quyết định 2187/QÐ-UBND ngày 18.8.2016 với diện tích đất sử dụng gần 94 ngàn mét vuông.

Theo quy định của pháp luật, trước khi xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì, chủ doanh nghiệp phải lấy ý kiến người dân địa phương. Tuy nhiên, trong khi chưa thực hiện động thái bắt buộc này, tháng 10.2016, chủ DNTN Thiên Ðức đã thi công lắp đặt đường ống dẫn nước xả thải, cặp theo kênh TN02A, dài gần 6 ngàn mét, dẫn từ vị trí dự kiến xây dựng nhà máy ra khu vực ấp Láng, xã Chà Là.

Chính quyền địa phương và người dân xã Chà Là- nơi DNTN Thiên Đức đặt đường ống dẫn nước xả của nhà máy mì- cũng kịch liệt phản đối. Ngày 5.6.2017, UBND xã đã tổ chức lấy ý kiến người dân việc nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì Thiên Đức đặt đường ống dẫn nước xả nước thải xuống kênh TN0-2A.

Kết quả, tập thể nhân dân và UBND xã cùng thống nhất không đồng ý cho DNTN Thiên Đức đặt ống xả nước thải xuống kênh TN0-2A. 

“Lập lờ” báo cáo đánh giá tác động môi trường

Gần một năm sau, DNTN Thiên Ðức nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường và hồ sơ tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư. Các hồ sơ này đều do doanh nghiệp tự thực hiện. Sau khi xem xét kỹ những hồ sơ này, lãnh đạo xã Phước Ninh nhận thấy có nhiều vấn đề bất ổn.

Thứ nhất, để chứng minh nhà máy xây dựng xa trụ sở UBND xã, không gây ô nhiễm môi trường, không gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến hoạt động của UBND xã, trong báo cáo, DNTN Thiên Ðức ghi khoảng cách từ vị trí dự kiến xây dựng nhà máy đến trụ sở UBND xã 7km.

Trong khi đó, trên thực tế, hai vị trí này chỉ cách nhau chỉ có vỏn vẹn 1,8km, tính theo đường chim bay và cách nhau 2,4km theo đường bộ.

Ngoài ra, trong báo cáo, DNTN Thiên Ðức ghi vị trí dự kiến xây dựng nhà máy “cách hộ gần nhất 350 mét” và “trong vòng bán kính 300 mét hầu như không có dân cư sinh sống. Xung quanh khu vực dự án không có công trình, cảnh quan, kiến trúc, di tích lịch sử, bảo tồn nào” là không đúng với thực tế.

Vì hiện tại, đối diện con đường đất đỏ sát dự án là một nhà cấp 4 của dân. Căn nhà này cách dự án khoảng 10 mét. Ðiều đáng nói là, dự án này giáp ranh với một trong những cụm rừng nguyên sinh thuộc di tích lịch sử Căn cứ Huyện uỷ Dương Minh Châu- nơi đang dự kiến phát triển thành khu du lịch sinh thái.

Về mặt số liệu, DNTN Thiên Ðức nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường là: “Di dời và nâng công suất nhà máy chế biến tinh bột mì, công suất từ 50 tấn củ mì/ngày lên 200 tấn sản phẩm/ngày từ ấp Phước Hội, xã Suối Ðá về ấp Phước Tân, xã Phước Ninh”.

Phải chăng DNTN Thiên Ðức cố tình sử dụng cách tính hai đơn vị như thế này để gây mập mờ? Thực tế cho thấy, muốn sản xuất được 1 tấn sản phẩm tinh bột khoai mì, phải sử dụng nguyên liệu khoảng 4 tấn củ, tức gấp 4 lần. Chính xác, dự án này phải ghi rõ “nâng công suất nhà máy chế biến tinh bột mì, từ 50 tấn/ngày lên 800 tấn củ mì/ngày…”.

Thứ hai, trong hồ sơ tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư, DNTN Thiên Ðức cung cấp, có 7 ý kiến đồng ý cho xây dựng nhà máy ở xã Phước Ninh, nhưng trên thực tế, 7 hộ dân này chỉ có đất nông nghiệp gần vị trí xây dựng lò mì, còn gia đình của họ đều cư ngụ ở địa phương khác, như ở ấp Bàu Dài (xã Phước Ninh)- cách vị trí xây dựng lò mì gần 3km, thậm chí có hộ ở tận ấp Tân Ðịnh, xã Suối Ðá, cách vị trí xây dựng lò mì khoảng 10km và có hộ dân ở ấp Long Thới, xã Long Thành Bắc (huyện Hoà Thành), cách vị trí xây dựng lò mì gần… 40km (?).

Vì vậy, họ đều đồng ý, vì nếu nhà máy này có gây ô nhiễm môi trường, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ.

Một trong những hố ga của nhà máy mì ở xã Phước Ninh.

Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đến phản đối

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương kiến nghị lãnh đạo cấp trên xem xét, thu hồi lại chủ trương đối với dự án di dời và nâng công suất nhà máy chế biến tinh bột mì Thiên Ðức về xã Phước Ninh.

Lý do, trên địa bàn xã hiện nay đã có 3 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì và 5 trạm thu mua củ mì thường xuyên hoạt động. Củ mì của người dân Phước Ninh thu hoạch không đủ cung cấp cho những nhà máy, trạm thu mua này nên không nhất thiết phải có thêm nhà máy trên địa bàn xã.

Mặt khác, Phước Ninh là xã đạt chuẩn nông thôn mới, đất nông nghiệp phù hợp với phát triển nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch sinh thái theo đúng định hướng của tỉnh, huyện, vì thế, xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì ở ấp Phước Tân e rằng sẽ gây ảnh hưởng môi trường và phá vỡ quy hoạch chung của xã.

Ngày 3.5.2018, Ðảng uỷ xã Phước Ninh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Ðảng bộ xã mở rộng để lấy ý kiến về việc di dời “lò mì” về xã. Cuộc họp diễn ra trên tinh thần dân chủ, công khai, thẳng thắn.

Nhiều vấn đề được đặt ra, như có cần thiết không khi trên địa bàn xã đã có 3 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì và 5 điểm thu mua khoai mì thường xuyên hoạt động, vấn đề ô nhiễm môi trường hiện tại và tương lai, ảnh hưởng đến xã nông thôn mới, dư luận phản đối v.v…

Kết quả, 17/18 đại biểu không đồng ý việc triển khai xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn xã Phước Ninh.

Nhiều người dân trong xã cũng kịch liệt phản đối. Bà Huỳnh Thị Nhặc- cán bộ hưu trí ở ấp Phước Hiệp nói: “Trước đây, trên diện tích DNTN Thiên Ðức chuẩn bị xây dựng lò mì, có một dự án xây dựng trang trại nuôi heo, nhưng khi đơn vị tư vấn đến khảo sát thực tế, họ thấy nơi đây là một vùng đất trũng, không có địa điểm xử lý nước thải, sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Vì vậy, dự án xây dựng trang trại nuôi heo bị dừng lại. Thế thì tại sao đến nay, dự án xây dựng “lò mì” lại được thực hiện? Tôi không đồng ý!”.Ông La Thanh Mừng- cán bộ hưu trí ngụ ấp Phước Tân phản ánh: “Những năm trước đây, không có lò mì Thiên Ðức, nông dân trong xã vẫn tiêu thụ mì được bình thường.

Vì vậy, theo tôi, không cần thiết phải xây dựng thêm lò mì mới trên địa bàn xã, để bảo đảm môi trường”. Bà Võ Thị Kén- nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng lên tiếng: “Ðường ống dẫn nước thải xả ra ruộng của người dân.

Ðường ống bằng nhựa, kích thước nhỏ, luồn theo bờ kênh có nhiều khúc quanh co nên lo ngại nước thải sẽ tràn ra môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp”.

Ông Võ Văn Chùm- Bí thư Chi bộ ấp Phước Hiệp cho hay: “Ấp đã họp lấy ý kiến dân. Nhìn chung, bà con trong ấp đều không đồng tình cho xây dựng lò mì Thiên Ðức”.

Ông Trang Thanh Bình- Hiệu trưởng Trường TH Phước Ninh A đề nghị: “Ðảng uỷ, UBND xã Phước Ninh nên xem xét lại dự án này, làm sao phải bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường”.

P.V

Tin cùng chuyên mục