Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dự án sửa chữa Quốc lộ 22B: Bao giờ hết “bất cập”?
Thứ sáu: 09:32 ngày 05/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tiếng là quốc lộ, nhưng quốc lộ 22B - kéo dài từ Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát nhỏ hẹp, mặt đường xuống cấp, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hoá, lưu thông của người dân. Tuyến đường này do Bộ Giao thông Vận tải quản lý nên mọi công tác nâng cấp, sửa chữa đều thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành GTVT tỉnh chỉ có thể đề xuất, kiến nghị khi phát sinh hư hỏng.

Thi công hệ thống thoát nước quốc lộ 22B đoạn qua phường 1, thành phố Tây Ninh.

Năm 2017, người dân lưu thông trên quốc lộ 22B phải tập trung cao độ để điều khiển xe vì mặt đường có quá nhiều “ổ gà”. Khi đó, đơn vị quản lý quốc lộ 22B cho giặm vá, sửa chữa nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng trên lại xuất hiện, nhất là đoạn từ ngã ba Giang Tân đến thị trấn Gò Dầu.

Trước những kiến nghị của địa phương, Ban Quản lý Dự án 8 thuộc Tổng cục Ðường bộ triển khai dự án sửa chữa tuyến quốc lộ 22B từ Gò Dầu đến Cửa khẩu Xa Mát dài 84,16km với kinh phí khoảng 255 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, 2017-2019.

Nhìn chung, tuyến quốc lộ 22B sau khi sửa chữa, mặt đường không còn “ổ gà”, nhiều đoạn hư hỏng nặng đã được thảm nhựa mới. Ðoạn đường từ ngã ba Mít Một đến huyện Tân Biên được cải tạo, mở rộng thêm bề mặt lòng đường, làm mới hệ thống thoát nước dọc tuyến đối với những đoạn đường có địa hình thấp.

Thế nhưng, việc sửa chữa này đã bộc lộ nhiều bất cập. Trên tuyến đường này, người dân cho rằng, việc mở rộng lòng đường phát huy hiệu quả không được như mong muốn. Mỗi bên lòng đường được mở rộng thêm hơn 1m  nhưng không được đầu tư đồng bộ, mặt đường cũ thảm bê tông nhựa, phần đường mới mở rộng lại tưới nhựa. Do đó, dù phần đường mở rộng để người điều khiển mô tô lưu thông, nhưng ít ai dám chạy.

Anh Nguyễn Văn Bình, ngụ ấp Tua Hai, xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành cho rằng, nếu toàn tuyến được sửa chữa, mở rộng đồng bộ, sẽ giải quyết được bất cập, bảo đảm an toàn giao thông.

Theo ông Nguyễn Văn Hải- Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 8 Tổng cục Ðường bộ (chủ đầu tư dự án sửa chữa quốc lộ 22B), do khả năng cân đối nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương còn hạn hẹp, vốn được phân kỳ và bố trí cho từng năm nên Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo (Thông báo số 45/TB-BGTVT ngày 1.2. 2018 kết luận của Thứ trưởng Lê Ðình Thọ tại cuộc họp Dự án sửa chữa QL22B đoạn Km0+00 - Km84+162 tỉnh Tây Ninh) ưu tiên sửa chữa những hư hỏng cấp bách, bảo đảm an toàn giao thông.

Căn cứ vào nguồn vốn được bố trí của từng năm và thực hiện chỉ đạo của Bộ, thứ tự ưu tiên đầu tư sửa chữa cho từng năm như sau:

 Năm thứ nhất (năm 2018), vốn được bố trí là 79,391 tỷ đồng gồm sửa chữa nền, mặt đường; bổ sung rãnh thoát nước dọc; sửa chữa các cầu trên tuyến; sửa chữa, gia cố lề đường; hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông đoạn Km0+00 - Km84+162, quốc lộ 22B, tỉnh Tây Ninh.

Thứ tự ưu tiên đầu tư, sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường từ Gò Dầu đến cửa ngõ thành phố Tây Ninh 45.600m2 bao gồm thảm tăng cường mặt đường những phạm vi xung yếu: 80.600m2; xây dựng rãnh thoát nước những đoạn cấp bách nhất thường xuyên ngập: 8.000 md; sửa chữa cầu Cần Ðăng để dỡ biển tải trọng và cầu Hiệp Hoà, thay thế khe co giãn 4 cầu (cầu Bàu Nâu 2, Cẩm Giang, Hiệp Hoà, Cần Ðăng)… hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 7.2019.

 Năm thứ hai (năm 2019), vốn được bố trí 81,952 tỷ đồng, dự án triển khai gồm sửa chữa hư hỏng nền, mặt và lề đường các đoạn Km33+268 - Km55+00, Km75+00 - Km84+162; hệ thống thoát nước, hệ thống ATGT đoạn Km33+268 - Km84+162; sửa chữa 9 cầu trên tuyến QL22B, tỉnh Tây Ninh.

Thứ tự ưu tiên đầu tư sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường từ thành phố Tây Ninh đến cửa khẩu Xa Mát (gồm các đoạn: Km33+268 - Km55+00, Km75+00 - Km84+162): khối lượng 59.600m2. Trong đó, giải pháp sửa chữa lề do nguồn vốn sau khi sửa chữa các hạng mục ưu tiên (sửa chữa cục bộ, bổ sung rãnh thoát nước) còn lại không nhiều nên Tổng cục Ðường bộ Việt Nam quyết định giải pháp sửa chữa lề gia cố theo phương án láng nhựa 3 lớp trong phạm vi mặt đường đã được sửa chữa và thảm tăng cường. Thời gian hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 7.2020.

Một đoạn quốc lộ 22B qua địa phận huyện Châu Thành được nâng cấp, mở rộng.

 Năm thứ ba (năm 2020), vốn được bố trí 83,913 tỷ đồng, triển khai thực hiện các hạng mục sửa chữa nền, mặt, lề đường và các công trình trên tuyến thuộc các đoạn Km40+129 - Km43+042, Km44+822 - Km48+404, Km55+00 - Km75+00, quốc lộ 22B, tỉnh Tây Ninh.

Riêng giải pháp sửa chữa lề: nguồn vốn sau khi sửa chữa các hạng mục ưu tiên (sửa chữa cục bộ, bổ sung rãnh thoát nước) còn lại đủ để thực hiện giải pháp sửa chữa lề đường đồng bộ với khả năng khai thác của mặt đường hiện hữu.

Vì vậy, những đoạn lề được sửa chữa, gia cố có khả năng khai thác như mặt đường (bề rộng mặt đường cả lề bình quân là 11m). Hiện nay, dự án đang triển khai với khối lượng thi công đạt 90% hợp đồng, dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 4.2021.

Năm 2021, Ban Quản lý Dự án 8 đã báo cáo và đề xuất Tổng cục Ðường bộ Việt Nam bố trí vốn theo kế hoạch bảo trì năm 2021 để tiếp tục triển khai sửa chữa QL22B. Theo đó, ưu tiên tập trung sửa chữa toàn bộ lề gia cố các đoạn còn lại trong phạm vi từ Km33+268 - Km84+162 với giải pháp sửa chữa lề như đã thực hiện trong năm 2020, bổ sung thêm rãnh thoát nước trên tuyến từ Km0+00 - Km84+162, thay thế tấm đan rãnh bị hư hỏng và nối dài 2 cống thuỷ lợi (Km49+100 và Km54+440) với kinh phí dự kiến khoảng 60 tỷ đồng.

Có thể thấy, những bất cập trong dự án sửa chữa quốc lộ 22B phát sinh từ nhu cầu sửa chữa cấp bách, phụ thuộc vào kinh phí từng năm, cũng như sự vận dụng triển khai phương án sửa chữa của chủ đầu tư đối với từng đoạn đường.

Vì vậy, đã xảy ra tình trạng “bất cập” như người dân phản ánh như sửa chữa chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng… Hy vọng với kiến nghị của người dân, của tỉnh, chủ đầu tư dự án sẽ có những đề xuất với Tổng cục Ðường bộ Việt Nam để có giải pháp khắc phục những bất cập trong thời gian tới.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục