Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dự báo 2022 - một năm đầy biến động trong quan hệ Mỹ - Trung
Chủ nhật: 14:08 ngày 02/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mỹ và Trung Quốc đang dần bước sang thời kỳ quan hệ “bình thường mới” - xác định vừa cạnh tranh, vừa hợp tác.

Cách đây đúng 50 năm Tổng thống Mỹ Richard Nixon là nguyên thủ đầu tiên của Mỹ tới thăm Trung Quốc, đưa quan hệ Mỹ - Trung Quốc bước sang trang mới, chuẩn bị cho bình thường hóa và hợp tác sâu rộng. Nhưng nay, 2022 được dự báo sẽ là một năm đầy biến động trong quan hệ Mỹ-Trung, là bước chuyển tiếp cho quan hệ "bình thường mới".

Tiếp tục căng thẳng

2021 là năm quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang đối đầu; Từ vấn đề thương mại, quốc phòng, ngoại giao đều đầy rẫy những hoài nghi và mâu thuẫn.

Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2022. Trong đó, tại Mỹ, dù các thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng và vốn chia rẽ sâu sắc nhưng đều đồng ý với nhau ở duy nhất 1 điểm là không mềm mỏng với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm trực tuyến

Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị củng cố quyền lực cho kỳ Đại hội Đảng diễn ra vào tháng 10/2022 với những chính sách cứng rắn, không khoan nhượng.

Olympic Bắc Kinh sẽ là sự kiện mở đầu một năm 2022 dự báo đầy biến động trong quan hệ Mỹ-Trung.

Mỹ là nước đầu tiên tuyên bố sẽ không đưa quan chức chính phủ cấp cao, tham dự sự kiện thể thao toàn cầu, sau đó có thêm Anh và Australia tham gia “tẩy chay ngoại giao” Olympic Bắc Kinh. Tuyên bố của các nước trên đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nước chủ nhà.

Tháng 2/2022 càng đến gần, căng thẳng càng gia tăng. Trong đó, Mỹ sẽ sử dụng việc “tẩy chay ngoại giao” để thu hút sự chú ý thế giới về hành động của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương mà Washington tố cáo là không nhân văn.

Đài Loan – điểm bùng phát tiềm ẩn nguy hiểm nhất

Về Đài Loan - một trong những điểm nóng xuyên suốt năm 2021, dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục những nỗ lực để phản đối hoạt động ngoại giao cùng những động thái nhằm gia nhập các tổ chức quốc tế của Đài Loan.

Khi căng thẳng trên Eo biển leo thang, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực với Đài Loan có thể là một trong những điểm bùng phát tiểm ẩn nguy hiểm nhất làm bùng lên xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, do Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự kiện lớn nên khả năng cao Bắc Kinh sẽ duy trì sự ổn định thay vì đe dọa.

Còn trên Biển Đông, Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động đảm bảo quyền “tự do hàng hải” trong vùng biển quốc tế, thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên tuyến đường thủy bận rộn bậc nhất thế giới.

Về phần Trung Quốc, nước này sẽ từng bước phát triển Hải quân để bảo vệ lợi ích quốc gia một cách chậm nhưng chắc. Tuy nhiên, cả hai nước đều muốn tránh khả năng xảy ra xung đột trên vùng biển này.

Vấn đề an ninh mạng

An ninh mạng sẽ tiếp tục là vấn đề lớn được đẩy mạnh trong năm 2022, ảnh hưởng tới cả chính sách chiến lược và kinh tế của hai nước.

Trước đó, trong năm 2021, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc tài trợ cho các hoạt động tấn công mạng dữ liệu lớn. Washington cũng phản đối việc triển khai công nghệ viễn thông 5G của Trung Quốc.

Dự báo, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy theo hướng cô lập công nghệ Trung Quốc với phần còn lại của thế giới trong năm 2022, chẳng hạn Mỹ sẽ không từ bỏ việc gây khó khăn, ngăn cản các công ty Trung Quốc mua phần cứng quan trọng do Mỹ sản xuất.

“Mỹ chỉ mới bắt đầu thực hiện các hạn chế chặt chẽ trong vấn đề chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Washington sẽ còn nhiều bước đi khác trong năm 2022” – ông Glaser cho hay.

Dự kiến, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hoàn tất việc vá lỗ hổng quy định chẳng hạn như dừng cho phép nhà sản xuất chip bán dẫn Trung Quốc SMIC mua công nghệ quan trọng của Mỹ.

Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.

Cùng lúc, các đồng minh của Mỹ đang bàn bạc về việc kiểm soát nhập khẩu và giám sát dòng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với Trung Quốc.

Cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác

Dự báo, khả năng mở rộng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm thấp trong năm 2022 với ước tính, tỉ lệ tăng trưởng chỉ đạt 5%. Do đó, theo một số nhà phân tích, trước tình hình này khả năng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hợp tác với Mỹ, giảm bớt các rào cản thương mại từ thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dù vậy, ông Shen Ling, nhà phân tích kinh tế làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông cho rằng, đối đầu vẫn là chủ đề chính trong quan hệ Mỹ-Trung. Vì khi quyền lực kinh tế giữa hai nước thay đổi, Trung Quốc giờ đây đã có sức mạnh kinh tế gần bằng Mỹ thì quan hệ song phương sẽ theo hướng cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác, ông Shen nói.

Chuyên gia Shen nhận định: Hai bên đang bị khóa chặt trong cuộc cạnh tranh sinh tồn để chứng minh hệ thống quản trị nào ưu việt hơn.

Chuyến thăm bước ngoặt của Richard Nixon tại Trung Quốc cách đây 50 năm

Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon là lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Chuyến thăm là kết quả sắp xếp sau gần 7 tháng kể từ khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger bí mật thăm Trung Quốc.

Trên truyền hình, ông Nixon cùng Đệ nhất phu nhân xuất hiện với hình ảnh đi thăm nhiều di tích lịch sử của Trung Quốc. Trong bí mật, giới chức Mỹ và Trung Quốc bàn luận và thông qua những chi tiết cuối cùng trong bản Thông cáo chung Thượng Hải mà hai bên đã bàn trước cả tháng và công bố vào cuối chuyến thăm.

Trong thông cáo, hai bên nhấn mạnh tìm kiếm “bình thường hóa quan hệ” và “không nước nào theo đuổi quyền bá chủ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. Đồng thời, hai bên giải quyết khéo léo về vấn đề Đài Loan trong đó Trung Quốc nhấn mạnh quan điểm coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc còn Mỹ tái khẳng định lợi ích của nước này trong việc Trung Quốc tự giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan.

Nguồn baogiaothong

Tin cùng chuyên mục