Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ GTVT cho biết, dự kiến năm 2021 sẽ cơ bản thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Dự kiến công tác sở tuyển nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP sẽ bắt đầu từ tháng 10/2018 (ảnh minh họa).
Đã duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án đầu tư công
Theo thông tin từ Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT), hiện 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức PPP đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện các thủ tục có liên quan theo quy định như phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đã thỏa thuận với các bộ, ngành và địa phương. “Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án theo đúng quy định”, đại diện Vụ PPP cho biết.
Cũng theo Vụ PPP, trên cơ sở kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước đối với 3 dự án thành phần (đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn QL45 - Nghi Sơn và đoạn Dầu Giây - Phan Thiết) từ ngày 10/7/2018, Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và đang xem xét quyết định mức vốn Nhà nước cho 3 dự án này.
Đối với 5 dự án còn lại (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết), Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn Nhà nước cho 5 dự án còn lại từ ngày 23/8/2018.
“Sau khi Chính phủ quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án, Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án và triển khai các bước tiếp theo theo quy định”, lãnh đạo Vụ PPP thông tin.
Liên quan đến 3 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức đầu tư công, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn, hiện đang triển khai các thủ tục bước thiết kế kỹ thuật theo quy định.
Đối với dự án thành phần còn lại là cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu đến nay đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện đang hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án.
“Hiện Ban QLDA7 đang chỉ đạo tư vấn hoàn thiện các nội dung trên cơ sở ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị phối hợp. Dự kiến sẽ báo cáo hội đồng thẩm định và trình lãnh đạo Bộ GTVT xem xét, phê duyệt trong tháng 9/2018”, lãnh đạo Vụ KH-ĐT cho biết.
Chuẩn bị sơ tuyển nhà đầu tư, cơ bản thi công xong vào 2021
Đề cập đến lộ trình dự kiến triển khai 8 dự án theo hình thức PPP trong thời gian tới, lãnh đạo Vụ PPP cho biết, ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (dự kiến trong tháng 9/2018), Bộ GTVT sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, tổ chức khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần. Dự kiến giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự toán triển khai trong khoảng 11 tháng từ tháng 10/2018 - 08/2019.
Thực hiện song song với công tác lập thiết kế kỹ thuật, sau khi các dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển và tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư. Dự kiến giai đoạn sơ tuyển nhà đầu tư triển khai trong khoảng 4 tháng (từ tháng 10/2018 - 1/2019).
“Khi phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ chủ động các thủ tục liên quan đến công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán sẽ cập nhật hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, đại diện Vụ PPP thông tin và cho biết, dự kiến giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai trong khoảng 7 tháng (từ tháng 9/2019 - 03/2020).
Thời gian dự kiến khởi công các dự án thành phần theo hình thức PPP khoảng cuối tháng 3/2020 và công tác thi công các dự án trong khoảng 2 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Về công tác GPMB, tái định cư (do địa phương tổ chức thực hiện), dự kiến Bộ GTVT sẽ bàn giao cọc GPMB, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương khoảng tháng 4/2019. Các địa phương sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Dự kiến đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng giải phóng mặt bằng. Hoàn thiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng khoảng tháng 10/2020.
Các dự án cao tốc Bắc - Nam dự kiến cơ bản hoàn thành thi công vào năm 2021 (Ảnh minh họa)
Tháng 4/2019, bắt đầu thi công hai cao tốc đầu tư công
Đối với 3 dự án triển khai theo hình thức đầu tư công, theo nguồn tin của Báo Giao thông, hiện Bộ GTVT đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn để triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án. Dự kiến giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn triển khai trong khoảng 6 tháng (từ tháng 10/2018 - 03/2019), dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai trong khoảng 7 tháng (từ tháng 10/2018 - 04/2019) đối với gói cầu, đường dẫn và khoảng 10 tháng (từ tháng 10/2018 - 08/2019) đối với gói cầu chính.
Nguồn tin cho hay, sau khi hoàn thành thiết kế kỹ thuật, Bộ GTVT sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp các dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn, dự kiến bắt đầu triển khai từ tháng 1/2019, hoàn thành tháng 6/2019. Đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, dự kiến bắt đầu triển khai trong giai đoạn từ tháng 5/2019 - 9/2019 đối với gói cầu, đường dẫn và từ tháng 9/2019 - 12/2019 đối với gói cầu chính.
Dự kiến công tác thi công các dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019, thi công trong khoảng 2 năm (cơ bản hoàn thành năm 2021); dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai thi công từ tháng 10/2019 (đối với gói cầu, đường dẫn) và tháng 1/2020 (đối với cầu chính), thời gian thi công cầu chính khoảng 3,5 năm (hoàn thành năm 2023).
Đầu tư 58 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Liên quan đến một dự án trên tuyến Bắc Nam khác là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mới đây, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước về lựa chọn công nghệ để đề xuất cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Công nghệ dự án (cốt lõi là công nghệ đoàn tàu, công nghệ thông tin tín hiệu), theo các chuyên gia có yếu tố quyết định đến việc đầu tư hạ tầng, tốc độ khai thác và tổng mức đầu tư.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với chiều dài khoảng 1.545km, nối Hà Nội - TP.HCM và đi qua 20 tỉnh, thành trên cả nước.
Bộ GTVT cho biết, đến nay dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi giữa kỳ và tháng 10/2018 sẽ báo cáo nghiên cứu cuối kỳ để trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2019.
Trong báo cáo nghiên cứu giữa kỳ, Liên danh Tư vấn Tedi - Tricc - Tedishouth đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với chiều dài khoảng 1.545km, nối Hà Nội - TP.HCM và đi qua 20 tỉnh, thành trên cả nước. Công nghệ phù hợp là công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán và thông tin tín hiệu vô tuyến.
Các tính toán của liên danh tư vấn, với sự kế thừa của các nghiên cứu tư vấn Nhật, Hàn Quốc trước đây cho ra con số suất đầu tư dự án là 38,84 triệu USD/km và tổng mức đầu tư cần khoảng 58,710 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, để làm được toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần nguồn vốn rất lớn, để hoàn thành toàn bộ dự án cần thời gian 20-30 năm, nhưng khi phân kỳ đầu tư thành các giai đoạn, đất nước sẽ xây dựng được tuyến đường sắt này.
“Muốn có dự án đường sắt tốc độ cao trong tương lai, chúng ta phải có hành động khởi đầu, dự án phải được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Số tiền để đầu tư được dự án là rất lớn, nhưng nếu chúng ta phân kỳ đầu tư, chẳng hạn mỗi nhiệm kỳ Quốc hội dành cho tuyến đường sắt này nguồn vốn 10 tỷ USD, thì trong 5-7 kỳ Quốc hội chúng ta sẽ có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến phân kỳ đầu tư, trong nghiên cứu tiền khả thi giữa kỳ, căn cứ chiến lược phát triển GTVT đường sắt đã được phê duyệt, tư vấn đề xuất phân kỳ ưu tiên trước 2 chặng Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM, với nhu cầu vốn là 24,662 tỷ USD. Trong đó, một số phương án huy động vốn cho giai đoạn I gồm: Phương án 1 từ ngân sách (tiết kiệm ngân sách cho đầu tư tương đương 0,7% GDP/năm, từ 2020-2030 (bằng 24,7 tỷ USD).
Phương án 2, ngân sách và ODA (tiết kiệm ngân sách tương đương 0,3% GDP/năm, từ 2020-2030 (bằng 10,7 tỷ USD) và vay ODA phần còn lại (14 tỷ USD) còn lại trong giai giai đoạn 2025-2030).
Phương án 3, ngân sách, ODA và BOT (tư nhân) (tiết kiệm ngân sách 0,3% GPD/năm, từ 2020-2030 (bằng 10,7 tỷ USD), vay ODA 13 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030, nhà đầu tư BOT 1 tỷ USD (mua sắm đoàn tàu, vận hành khai thác).
Phương án huy động vốn sơ bộ từ các nguồn: vốn trong nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp, tư nhân (PPP); vốn thu từ quỹ đất. Tư vấn đề xuất nghiên cứu các cơ chế tài chính theo hướng: nhà nước cấp phát đối với kết cấu hạ tầng; ngân sách nhà nước cấp phát kết hợp với xã hội hóa thông qua khai thác quỹ đất và dịch vụ tại các ga đô thị lớn. Xã hội hóa đầu tư hoặc doanh nghiệp vay lại để đầu tư phương tiện, đầu máy toa xe.
Nguồn Báo giao thông