Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Du lịch quê mình, đừng quên rạch Tây Ninh!
Thứ ba: 23:55 ngày 22/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Báo Tây Ninh ngày 11.10.2021 có bài “Thành phố Tây Ninh phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng” của tác giả Hồng Thu, nêu bật các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Du lịch, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.

Rạch Tây Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Theo đó, Thành phố sẽ “phát triển sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch tâm linh, ẩm thực, sinh thái, khám phá, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng… Bên cạnh đó, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hoá, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch Thành phố…”.

Về biện pháp, bài báo cũng chỉ ra: “Để phát triển du lịch, Thành phố sẽ từng bước xây dựng theo mô hình thành phố sinh thái - kinh tế, phân khu chức năng hợp lý. Tập trung công tác quản lý kiến trúc đô thị…”. Rồi: “Xây dựng đô thị TP. Tây Ninh xanh, sạch, đẹp, đạt chuẩn, được công nhận đô thị loại II trước năm 2025…”.

Đọc kỹ bài báo trên, không thấy một dòng nào nhắc đến rạch Tây Ninh- một dòng chảy xuyên suốt dọc thành phố Tây Ninh. Dĩ nhiên, đã là thành phố xanh, sạch, đẹp, nhất định con rạch này cũng phải xanh, sạch, đẹp. Nhưng đó vẫn chỉ là “suy luận” gián tiếp. Tầm mức, vị trí quan trọng của rạch Tây Ninh cần phải được trực tiếp chỉ ra và cụ thể hoá hơn. Đặc biệt là vai trò quan trọng của rạch Tây Ninh đối với ngành Du lịch.

Tưởng đâu, chỉ có thành phố “quên” mất một tài nguyên vô giá của mình. Thì ở một hội thảo trực tuyến cấp tỉnh- “Khởi nghiệp du lịch cộng đồng”, diễn ra tại Tây Ninh ngày 30.10.2021 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, cũng không hề nhắc tới (Báo Tây Ninh, số ra ngày 1.11.2021).

Theo bài báo “Định hướng cho “Khởi nghiệp du lịch cộng đồng” tại Tây Ninh” của Tâm Giang, các diễn giả mới chỉ quan tâm đến: “Các sự kiện văn hoá du lịch được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp, tạo sự chú ý của cộng đồng, khách du lịch trong và ngoài nước với những điểm đến tham quan, học tập và du lịch trải nghiệm, cùng các sản phẩm nông nghiệp như: bánh tráng phơi sương, muối tôm Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen…” hoặc “tăng cường liên kết các đơn vị cung ứng dịch vụ lưu trú du lịch mang tính đặc trưng của Tây Ninh…”. Các diễn giả cũng quan tâm đến sự phát triển một số mô hình mới về du lịch như: homestay, farmstay đã xuất hiện ở nơi này, nơi khác.

Trong khi đó, dòng rạch Tây Ninh vẫn miệt mài chảy về phía sông Vàm Cỏ Đông. Đang giữa mùa nước nổi nên có lúc dòng chảy dạt dào nước đỏ, chảy phăm phăm dưới trụ cầu Quan. Cây cầu này đã có lịch sử gần 100 năm, bắc ngang giữa lòng Thành phố.

Có một hình ảnh tươi mới đây! Về du lịch cộng đồng trên rạch. Nhưng là của người dân làm ăn tự phát, không phải là lý luận, lý thuyết thường chỉ thiên về “màu xám”. Đấy là ở quán ăn Cầu Nổi ở dưới chân cầu Hiệp Hoà trên quốc lộ 22B- đoạn qua xã Thanh Điền.

Quán gồm 5-6 túp nhà sàn nhỏ trên sông, sau giãn cách vì dịch bệnh, vào tháng 10.2021 đã mở lại đón khách. Điều mới là quán có thêm một con tàu nhỏ du lịch, để có thể đưa thực khách vừa thưởng thức đặc sản đồng quê vừa ngắm nhìn cảnh quan sông nước.

Con tàu thuôn dài như kiểu vỏ lãi ở miền Tây, có mui mái chạy dài suốt thân tàu, có thể chở tới 15 thực khách. Thôi thì tuỳ ý khách mà thả xuôi dòng hay nổ máy ghe ngược nước. Dù chiều nào thì cảnh quan rạch Tây Ninh cũng có thể làm mê đắm lòng người.

Ngược nước thì vào trung tâm thành phố Tây Ninh, qua những vườn chim cò, cầu Thái Hoà, cầu Quan để lên những Trường Đổi, Vườn Dầu... Xuôi dòng thì có thể thẳng ra vàm rạch Tây Ninh, hoặc rẽ trái ở ngã ba gò Nhọn vào kênh Seville đi thẳng ra Bến Kéo.

Vàm rạch Bến Kéo có một làng chài nhộn nhịp xôn xao. Nếu không gặp ngày có lục bình trôi về đặc kín, thì du khách có thể ngắm một vùng sông có khúc quanh vừa đẹp, vừa đông vui nhất trên sông Vàm Cỏ.

Đây chính là nơi người Pháp, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông, đã làm cảng sông đầu tiên trên sông. Vẫn còn dấu tích xưa trên một vài cột trụ, tấm sàn bê tông lở lói mà ngày nay vẫn là chỗ ưa thích của vài ba bác về hưu ra ngồi câu cá.

Thôi thì tàu nhỏ, cần gì phải ra tới sông lớn làm chi. Chỉ cần dạo chơi trên rạch Tây Ninh cũng đã thoả thuê con mắt muốn nhìn rộng, trông xa hoặc được thả mình vào vùng thiên nhiên trong sạch, hồn hậu nhất.

Rạch Tây Ninh xưa đã được Trịnh Hoài Đức ghi trong sách Gia Định thành thông chí, với tên gọi sông Lăng Khê. Sông ở “bờ bắc sông Quang Hoá (tả ngạn- TV), cách trấn lỵ về phía Tây 85 dặm rưỡi, theo sông nhỏ ở cửa sông đi ngược lên phía bắc, 61 dặm thì đến thủ sở Thuận Thành; có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Đen thấm thía chảy ra, dân theo về lợi rừng núi sông chằm đi lại luôn không dứt…”.

Sách Đại Nam nhất thống chí lại gọi là Khe Xỉ: “ở phía bắc huyện Quang Hoá, phát nguyên từ chằm Linh Giang, chảy về phía đông, qua thủ sở Thuận Thành, lại chảy về phía bắc 61 dặm, vào sông Quang Hoá”. Câu trên có thể đã chép hoặc dịch nhầm, vì từ thành phố Tây Ninh hiện nay, rạch Tây Ninh chạy thẳng phía Nam để vào sông Vàm Cỏ.

Trịnh Hoài Đức viết sách Gia Định thành thông chí từ trước năm 1820. Vậy là từ trên 200 năm trước rạch Tây Ninh đã có ghe thuyền “đi lại luôn không dứt”. Chữ sông mà ông dùng có lẽ là chính xác nhất, hơn là những khe hay rạch, mà nay tên thường gọi là rạch Tây Ninh.

Quan sát rạch suốt từ cầu Bến Dầu về tới vàm rạch đổ ra sông, ta thấy bề rộng sông khoảng từ 40 đến 50 mét. Nhờ sự “chăm sóc”, nạo vét thường xuyên của thành phố Tây Ninh từ sau 1975 đến nay, nước rạch không bao giờ bị cạn như trong một vài tấm ảnh xưa chụp từ thời Pháp thuộc.

Đặc biệt là mùa nước nổi năm nay, nước rạch luôn luôn sạch tuyệt vời. Chỉ phăm phăm một dòng chảy hiền hoà chở nặng phù sa màu hoàng thổ. Lên phía thượng lưu sông, từ cầu Quan trở lên đã thấy núi Bà xanh đậm một sắc chàm ở về bên tay phải.

Ruộng rẫy hai bên cây cối tốt bời bời. Lên tới đầu phường 1, sẽ gặp cù lao Gò Chẹt, lênh đênh như một con tàu neo lại giữa dòng trong mùa nước tháng 10. Xuôi xuống hạ lưu cầu Quan chừng cây số rưỡi là ta sẽ gặp một vườn chim, xao xác những cánh cò di trú bay về vào lúc hoàng hôn.

Rất nhiều đàn sáo bay ngang rạch để cũng về vườn chim ấy. Bài Lý Con sáo sang sông có lẽ cũng bắt nguồn từ đây chăng? Mà con người Tây Ninh truyền khẩu hát đã mấy trăm năm. Từ vườn chim xuôi theo con nước vẫn cơ bản là một vùng tràn trề đầy ắp thiên nhiên hoang sơ, hồn hậu.

Bên thì rặng tràm bông vàng cao ngất đung đưa trong gió những tán lá sum suê rực rỡ bông vàng. Bên kia là dứa dại ngập tràn cùng bình bát, cà gai và những loài cây hoang không tên tuổi. Có nơi, bên bờ rạch lại là một ao nở đầy sắc hồng, sắc tím những bông súng và sen.

Đây đó, người chăn vịt quây lưới để chăn nuôi vịt, chúng hồn nhiên bơi lội ven dòng. Đôi khi, ghe lại lướt qua dưới một vàng lưới giăng ngang trên trời đón nắng. Chỉ riêng cảnh quan trên rạch Tây Ninh, suốt 13 cây số đường chim bay từ cầu Bến Dầu ra tới cửa sông, đã đủ làm mê hoặc lòng người, kể cả những ai khó tính hoặc cầu kỳ nhất.

Vì thế cũng không ngạc nhiên gì lắm khi thấy ông chủ trẻ của quán ăn Cầu Nổi sắm cho mình một chiếc ghe du lịch. Liệu đây có phải là ghe du lịch đầu tiên trên con rạch ở thành phố quê ta? Và cũng không chỉ riêng quán Cầu Nổi, trên mé thượng nguồn ở gần khu lò gạch thuộc phường 1, đã có cả một nhà dân cũng sắm chiếc ghe kiểu này. Hỏi, sắm làm chi vậy? Anh chủ (cũng trẻ) thủng thẳng trả lời: Thì thỉnh thoảng chở cả nhà đi chơi trên rạch. Vậy thôi!

Đã thấy những dấu hiệu cho thấy con rạch Tây Ninh được coi trọng và tôn vinh trở lại. Dù có thể mới chỉ là tự phát.

(còn tiếp)

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục