Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017:
Dư luận trái chiều về chuyện không công bố đề thi và đáp án
Thứ năm: 16:02 ngày 19/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tại Tây Ninh, phóng viên đã thăm dò ý kiến 8 vị là hiệu trưởng, nguyên hiệu trưởng và cán bộ quản lý ngành Giáo dục xung quanh chủ trương của Bộ về việc không công bố đề thi và đáp án. Trong đó, có 7 ý kiến bày tỏ sự không đồng tình.

Làm thủ tục dự thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Cách nay ít ngày, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ sẽ không công bố đề thi và đáp án đối với các bài thi trắc nghiệm. Trong số các bài thi, môn thi, chỉ công bố đề thi, đáp án đối với môn Ngữ văn (tự luận). Theo giải thích của Thứ trưởng, có hai lý do chính để Bộ không công bố đề thi và đáp án.

Thứ nhất là để bảo đảm công bằng cho thí sinh. Cụ thể, với 60.000 câu hỏi trắc nghiệm mà Bộ đang hoàn chỉnh, ngoài việc phục vụ cho kỳ thi năm 2017 sẽ còn được dùng cho những kỳ thi trong các năm tiếp theo. Do vậy, nếu công bố đề thi và đáp án thì thí sinh dự thi sau năm 2017 sẽ đoán trước được đề. Để có 60.000 câu hỏi trắc nghiệm ấy, Bộ đã huy động hàng ngàn cán bộ, giáo viên ra đề thi dưới dạng đề thô, sau đó mới biên tập lại; công sức bỏ ra là không nhỏ. Vì thế, việc công bố đề thi và đáp án là một sự lãng phí.

Thứ hai, đáp án đã được chuẩn hoá, các khâu ra đề được chuẩn bị hết sức công phu và sau đó đã thử nghiệm nhiều lần trên chính học sinh lớp 12 nên không thể xảy ra sai sót.

Sau khi thông tin về việc không công bố đề thi và đáp án được đăng tải trên báo chí, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Có thể thấy điều đó qua hàng ngàn bình luận của bạn đọc trên báo chí chính thống và mạng xã hội. Phía ủng hộ việc làm của Bộ cho rằng, đề thi được chuẩn hoá thì không công bố là đúng. Điều này đã được một số nước, trong đó có những quốc gia phát triển làm từ lâu. Ngay ở trong nước, một số trường đại học, trung tâm ngoại ngữ khi tổ chức thi để cấp chứng chỉ, văn bằng cũng không công bố đề thi và đáp án, nhằm tiết kiệm tiền bạc, công sức.

Mặt khác, nếu công bố đề thi và đáp án sẽ diễn ra tình trạng đoán đề, đoán tổ hợp bài thi để học tủ, tạo cơ hội cho một số giáo viên ép học sinh luyện thi, học tủ, học lệch. Ngược lại cũng không ít ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với chủ trương trên. Luồng ý kiến này cho rằng, sau khi thi, đề thi không còn là tài liệu mật theo quy định của Nhà nước, do đó việc công bố là bình thường. Mặt khác, nếu không công bố đề thi và đáp án, lỡ như đề thi, đáp án có “trục trặc” thì ai bảo đảm quyền lợi cho thí sinh?

Tại Tây Ninh, phóng viên đã thăm dò ý kiến 8 vị là hiệu trưởng, nguyên hiệu trưởng và cán bộ quản lý ngành Giáo dục xung quanh chủ trương của Bộ về việc không công bố đề thi và đáp án. Trong đó, có 7 ý kiến bày tỏ sự không đồng tình.

Ông Nguyễn Tấn Tài- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho rằng, không có lý do gì để không công bố đề thi và đáp án. “Công bố đáp án để thí sinh đối chiếu bài làm của mình với đáp án, qua đó các em có thể tiên liệu được kết quả bài thi của mình. Tôi cho rằng, việc công bố đề thi, đáp án là chuyện hoàn toàn bình thường” – ông Tài nói.

Một vị hiệu trưởng khác (đề nghị không nêu tên) nhận định, việc không công bố đề thi và đáp án thể hiện sự lúng túng của Bộ. Tương tự, một hiệu trưởng có hơn 30 năm trong nghề cũng cho rằng: “Sau khi thi, đề thi không còn là tài liệu mật theo quy định, kỳ thi có cả triệu thí sinh tham gia, có muốn giữ bí mật cũng không được. Vậy tại sao lại không công bố”.

Ông Cao Đức Hoà- nguyên Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông tỉnh cũng đứng về phía phản đối việc không công bố đề thi và đáp án. Ông nói: “Mấy ngày qua, tôi có theo dõi thông tin và cá nhân tôi không tìm thấy lý nào để Bộ không công bố đề thi và đáp án. Việc công bố đề thi, đáp án là chuyện đương nhiên, thi xong rồi có còn bí mật đâu mà giữ? Đúng ra, ngoài việc công bố đề thi và đáp án, sau khi chấm thi xong, Bộ cần tổng kết, chỉ ra những lỗi làm bài của thí sinh để các em rút kinh nghiệm cho những kỳ thi khác. Nếu cho rằng công bố đề thi dẫn đến cạn ngân hàng đề là không thuyết phục. Ở những kỳ thi tiếp theo, nếu có trùng lặp thì số lượng câu hỏi bị trùng với kỳ thi trước cũng không lớn, cùng lắm chỉ một vài câu trong tổng số hàng chục, thậm chí hàng trăm câu hỏi trong bài thi tổ hợp.

Mặt khác, Bộ hoàn toàn có thể xây dựng, bổ sung cho ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Tiện đây tôi cũng nói thêm, Bộ cần xem lại việc điều hành, quản lý Nhà nước về giáo dục chứ không thể cứ mãi loay hoay với thi cử. Để cải thiện chất lượng giáo dục, điều cụ thể nhất là đổi mới mạnh mẽ cách sử dụng phương pháp dạy học. Ngành Giáo dục nói chung, mỗi giáo viên nói riêng cần dạy cho học sinh phương pháp học tập, làm việc khoa học để hội nhập với thế giới”. 

Một cán bộ ngành Giáo dục cũng đã nghỉ hưu lại nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng khác: “Kiến thức trong sách giáo khoa cũng có giới hạn. Nếu năm nào cũng làm ngân hàng trắc nghiệm thì sẽ đến lúc cạn dữ liệu, không biết lấy cái gì để xây dựng câu hỏi. Do đó, nên cảm thông sâu sắc với Bộ”.

Cũng giống như chuyện bỏ điểm sàn, ý định không công bố đề thi và đáp án, đến thời điểm này chưa có quyết định chính thức, đây chỉ mới là thông tin do lãnh đạo Bộ Giáo dục- Đào tạo phát biểu với báo giới.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục