Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh, tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9.2017 đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh ước chiếm 73% tổng dư nợ.
Số dư nợ cho vay một số cây trồng chính của tỉnh cũng tăng so với đầu năm. Cụ thể, dư nợ cho vay đầu tư trồng cây mía tăng 51,5%; cây mì tăng 19,8%; cây cao su tăng 10,1%.
Nhiều trang trại chăn nuôi được hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng- Ảnh minh hoạ |
Về lãi suất cho vay trong 9 tháng đầu năm tương đối ổn định và ở mức thấp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm túc trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định. Hiện nay mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,5%/năm (quỹ Tín dụng nhân dân 7,5%/năm), một số ngân hàng thương mại cho vay với mức tối đa 6%.
Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 7,8-10%/năm đối với ngắn hạn; từ 10-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 6-7%/năm.
Về lãi suất huy động có biến động tăng nhẹ ở một số chi nhánh ngân hàng thương mại đối với kỳ hạn dài và nhanh chóng ổn định lại. Từ sau tháng 7.2017, lãi suất có xu hướng giảm nhẹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các quyết định giảm mức lãi suất điều hành và giảm lãi suất cho vay ngắn hạn của 5 đối tượng ưu tiên
Hiện nay, lãi suất huy động đối với kỳ hạn đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại nhà nước mức tối đa là 5,2%/năm (thấp hơn 0,3%/năm so với quy định cho phép); các ngân hàng thương mại cổ phần mức tối đa là 5,5%/năm. Đến cuối tháng 9.2017 vốn huy động ước đạt trên 36.000 tỷ đồng, tăng 10,9% so đầu năm.
N.D