Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quý I.2024:
Dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng
Thứ ba: 08:18 ngày 09/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 3.2024 đạt 100.300 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm và tăng 12,6% so cùng kỳ.

Công nhân làm việc tại một công ty chế biến hạt điều trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Trong quý I năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách tín dụng theo định hướng của ngành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi qua từng tháng nên dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng.

Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 3.2024 đạt 100.300 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm và tăng 12,6% so cùng kỳ.

Trong quý, các TCTD tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế và mặt bằng lãi suất huy động giảm nên vốn huy động có mức tăng trưởng thấp.

Vốn huy động ước đến cuối tháng 3.2024 đạt 66.700 tỷ đồng, tăng 0,5% so đầu năm (cùng kỳ năm trước giảm 0,04%) và tăng 8,4% so cùng kỳ.

Trong quý, mặt bằng lãi suất trên địa bàn tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất huy động giảm khoảng từ 0,55% - 0,9%, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3% so với đầu năm theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, qua đó đã hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương hợp lý.

Thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 dự án nhà ở xã hội là “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” do Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư này đã vay vốn thương mại tại HDBank. Hiện nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đang tiếp xúc với chủ đầu tư để cho vay người mua nhà ở xã hội.

Thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23.5.2023 của NHNN Việt Nam, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ 371,9 tỷ đồng cho 136 lượt khách hàng, trong đó, dư nợ gốc là 354,8 tỷ đồng, dư nợ lãi là 17,1 tỷ đồng.

Các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 486 tỷ đồng với 4.472 khách hàng còn dư nợ.

Mặc dù các TCTD trên địa bàn luôn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện nhiều giải pháp xử lý kéo giảm nợ xấu, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, nhưng do khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nên nợ xấu tiếp tục có xu hướng tăng. Ước đến cuối tháng 3.2024, nợ xấu chiếm 1% tổng dư nợ- tăng so với tỷ lệ 0,83% của đầu năm. Trong 2 tháng đầu năm 2024, các TCTD đã xử lý 106,4 tỷ đồng nợ xấu, bao gồm: bán tài sản bảo đảm 2,6 tỷ đồng, khách hàng trả nợ là 72,6 tỷ đồng, xử lý bằng dự phòng rủi ro là 0,3 tỷ đồng và biện pháp khác 30,9 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Các TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao tập trung thực hiện các giải pháp xử lý và thu hồi nợ xấu; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn, đặc biệt là Công an, Toà án, Thi hành án dân sự trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.

Đồng thời, các TCTD cần thực hiện tốt định hướng hoạt động tín dụng năm 2024 của NHNN Việt Nam; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu và thực hiện kiến nghị, cảnh báo qua công tác thanh tra, giám sát; tiếp tục cải cách thủ tục, đơn giản hoá quy trình cấp tín dụng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục