Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ở Tây Ninh, sau những điểm đến đã nổi danh như Hội xuân Núi Bà, Toà thánh Tây Ninh, thì điểm còn lại đầu tiên mà nhiều bạn trẻ nghĩ tới chắc là Lòng Hồ Dầu Tiếng. Còn những người đứng tuổi hoặc từng trải qua năm tháng chiến tranh, lại hay chọn về các di tích căn cứ cách mạng trên rừng Tân Biên.
Lòng hồ Dầu Tiếng Tây Ninh.
Trên ấy còn có Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát được cả trẻ lẫn già ưa thích. Chỉ có điều nơi ấy hơi xa trong khi từ TP. Tây Ninh đến với Lòng Hồ chỉ khoảng trên 20km. Đang phố xá bít bùng, đến đây đã thấy trước mặt là biển nước. Bến nước đầu tiên là Bến Đá- nơi có ghe đón người ra đảo Suối Nhím.
Trước bến, vào mùa lũ chỉ trắng xoá một màu nước bạc. Nay đã nổi lên vài vệt cù lao cỏ xanh ngút màu xuân với hàng trăm chú trâu đen bóng lưỡng. Xác cây mì và xác cỏ lau bị nước bứt lên, lềnh bềnh trôi giạt vào ven đập, tạo thành bãi có nơi rộng đến vài chục mét, giờ vẫn còn nguyên vì chúng biết đi đâu? Trên bến dưới thuyền.
Bến cát, sạn có xe tải ra vào tấp nập. Đâu đó ríu ran tiếng nói cười, kể chuyện bán mua những mẻ thuỷ sản vừa bắt được. Lạ chưa! Nước lớn thì cá nhỏ. Ít thấy cá mè vinh, cá lăng, rô phi… Chỉ thấy nhiều nhất là cá cơm vừa vớt, nhỏ như đầu đũa mà ngời ngời ánh bạc.
Đường từ ngã ba Bến Đá vào khu đầu mối đã trở nên quá xấu. Ta có thể tránh bằng con đường nhựa liên xã Suối Đá- Phước Minh. Nhưng nếu thích bờ đập phụ thì vẫn có thể đi vào bằng xe máy. Có đoạn phải leo lên bờ đập phụ mà đi. Từ đây nhìn xuống vùng đất thuộc xã Phước Minh, đã thấy nhiều hơn những mái nhà tôn, ngói đỏ, xanh. Có cả một ngôi nhà cao ba tầng mà kín bưng như lô cốt. Dừng xem, nghe ríu rít tiếng chim và thấy nhiều cánh én liệng quanh. Thì ra đó là nhà nuôi chim yến. Trên nóc mái của 4 tầng nhà, thấy cả một trụ gắn các ống loa chĩa ra bốn hướng. Mà chẳng cần loa thì chim én đã đầy trời. Một bên là bao la nước bạc, bên kia vẫn là xanh thẳm của rừng cây. Hỏi sao không phải là thiên đường của các loài chim chóc? Qua khu rừng lịch sử Dương Minh Châu sẽ thấy ngay cả mấy trăm ha cây dầu còn dày rậm hơn cả trên Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát.
Ghé thăm lại cái cổng cũ của Khu di tích căn cứ Dương Minh Châu nay đã bỏ hoang. Trên cái nền rừng hoành tráng kia vẫn nổi bật lên cái cổng vòm cong lơ lửng trắng. Lá cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh vẫn tươi nguyên, vẫn bay bay trong nắng gió vùng hồ. Tấm bảng bê tông còn kia nhưng chữ khu di tích đã bị xoá mờ. Thế thì rừng lịch sử đã trở lại thật sự là rừng lịch sử. Ở đâu đó trong cánh rừng kia từng có buổi lễ ra mắt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Tây Ninh vào năm 1961.
Cái hình ảnh thơ mộng nhất vô tình gặp lại chính ở đoạn cuối con đập phụ. Khoảng gần 2 cây số từ bến Bãi Sạn vào đập chính hầu như chỉ có cây xanh, mặt nước và chim chóc. Bởi có một cánh cổng ngăn trên mặt đập nơi tiếp giáp đập chính nên xe cộ chẳng thể đi qua. Vì thế, có cả bầy chim giống như chim khướu đuôi dài cứ tha hồ đùa giỡn trên các rặng cây keo, tràm tốt tươi dưới chân đập. Có thêm vài chú trâu mập ú, da bóng lưỡng bình thản gặm cỏ giữa những vạt cỏ hôi. Thản nhiên một chú chim sáo mỏ vàng đậu trên lưng trâu như bức tranh làng quê xa lắc thuở nào.
Đập chính kia rồi! Cao độ 28 mét. Một vệt đê miên man cỏ. Dọc con đường mặt đập còn có những cây cao bóng toả, tươi nở những chùm hoa. Tạt vào khu du lịch duy nhất liền kề thấy lấp ló nhiều gốc cây phượng vĩ, trên cành treo những trái cong cong. Gọi là du lịch nhưng thực ra chỉ có mỗi một quán cà phê và một đài cao kỷ niệm. Từ đây, ta có thể ngắm nhìn thấy đập tràn bê tông trắng xám, nổi lên những mái ngói nhỏ đỏ au. Bên phía trong vẫn một mặt hồ phẳng lặng, nhuốm màu xanh cây cỏ ven bờ.
Trung tâm khu đầu mối Lòng Hồ là đây, với đập tràn, khu du lịch nhỏ. Xa hơn chút nữa là khối nhà nằm trên cửa cống ngầm đầu mối kênh đông. Gần hơn là toà nhà trên đỉnh cống nắn dòng còn lại từ hồi thi công đập tràn xả lũ. Nhà tròn quay, như một bông súng, bông sen nở. Ta sẽ còn gặp lại nhiều lần, hình ảnh này trong khối hình biểu tượng Tây Ninh.
Bên kia đập tràn, thuộc về đất Bình Dương từng có một vùng cảnh quan đẹp và đáng nhớ. Ở đây đã là chân núi Cậu, nên đá mọc lô nhô, gò đồi cao thấp. Có một ngọn đồi được gọi đồi Thơ. Những năm cuối thập niên 80, sau khi Lòng Hồ đã đi vào hoạt động cung cấp nước cho Tây Ninh, Long An và thành phố Hồ Chí Minh, thì Ban quản lý Lòng Hồ lúc ấy còn muốn cho đồi này nên thơ hơn nữa.
Họ cho khắc đá những bài thơ hay và gắn vào những tảng đá núi muôn dạng hình trên đỉnh đồi Thơ. Giờ thì đã không dễ dàng đến được nơi này. Vì nó đã nằm trong khuôn viên đất một doanh nghiệp, cũng gắn biển du lịch sinh thái hẳn hoi nhưng lại kèm theo “Ai không phận sự miễn vào”. Chắc còn đang xây dựng. Đồi Thơ vẫn còn đấy, kề bên bao la mặt hồ xanh thẳm. Đá núi vẫn lô nhô bên muôn dáng cây rừng. Có cả một chiếc hồ con cho thơ soi bóng nước. Vậy mà thơ đã đi đâu? Những tấm bảng đá khắc thơ năm xưa, cái mất, cái còn. Những tấm còn nhận ra kia cũng đã thủng, vỡ hoặc mờ tịt chữ dưới màu rêu xám.
Tuy vậy, vẫn còn vài nét khắc mờ tỏ mách cho ta 4 câu trong Bình Ngô Đại Cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Bên kia lại là 4 câu Kiều. Tấm nữa là thơ Bà huyện Thanh Quan: “Dừng chân đứng lại, trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta”. Hợp cảnh nhất có lẽ là tấm khắc thơ Tản Đà với: “Nước non nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi không về cùng non…”.
Người ta kể rằng khoảng 20 năm trước đã có vài doanh nghiệp tới đây làm du lịch. Nhưng cách làm ăn manh mún và chụp giật đã khiến họ thất bại. Và nhờ vậy mà đến hôm nay, ta vẫn còn có thể gặp một vùng hoang sơ, chỉ có trời mây và đất, nước, cá lội giữa hồ và én lượn giữa tầng không.
TRẦN VŨ