Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đưa hoạt động dàn âm thanh di động, karaoke di động vào nền nếp
Thứ bảy: 07:21 ngày 29/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người kinh doanh dịch vụ lẫn người sử dụng dàn âm thanh di động không sử dụng âm thanh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ sau 22 giờ; không đặt, để các phương tiện phát âm thanh lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè gây cản trở giao thông.

Dàn karaoke di động phục vụ một tiệc vui tại gia (ảnh minh hoạ).

Trước những bất cập trong hoạt động của loại hình giải trí karaoke di động, dàn âm thanh di động những năm gần đây gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, mới đây, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hoá và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Nam Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, hoạt động của loại hình hát karaoke di động cũng như việc kinh doanh, sử dụng dịch vụ dàn âm thanh di động nhìn chung là lành mạnh, được đông đảo quần chúng nhân dân ở mọi thành phần, độ tuổi đón nhận trong các dịp lễ, tết, đám, tiệc...

Tuy nhiên, nhiều cá nhân đã lạm dụng loại hình vui chơi này khiến cho hoạt động giải trí đi “quá đà”, không phù hợp với nếp sống văn minh, gây phiền nhiễu đến cuộc sống bình thường của nhiều người. Ðó là việc điều chỉnh âm thanh quá lớn gây ô nhiễm tiếng ồn. Hay như việc nhiều người tổ chức ca hát vào những giờ nghỉ (buổi trưa, sau 22 giờ) gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của cư dân xung quanh. Trong khi đó, cho đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về loại hình hoạt động này (hiện chỉ có quy định chế tài về độ ồn âm thanh).

Ngoài ra, ở một số sự kiện (khai trương, động thổ, các chương trình khuyến mãi, quảng cáo, tiệc mừng...) tại một số công ty, đơn vị, cửa hàng... cũng hay diễn ra các hoạt động có sử dụng dàn âm thanh di động. Và trong thời gian qua, đã có không ít người phàn nàn về việc sử dụng âm thanh có công suất quá lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng tại các sự kiện vừa nêu.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai một số biện pháp nhằm góp phần chấn chỉnh những tồn tại, bất cập trong hoạt động của loại hình karaoke di động, dàn âm thanh di động, trong đó chủ yếu là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người kinh doanh lẫn người sử dụng dịch vụ trên chấp hành tốt nếp sống văn minh, có ý thức xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Sở đã đề xuất bổ sung nội dung quản lý loại hình hoạt động này vào quy ước khu dân cư để cộng đồng dân cư phối hợp thực hiện, bảo đảm an ninh trật tự. Ðồng thời, Sở cũng đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Trung ương có văn bản chỉ đạo quản lý cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật.

Ở góc độ địa phương, từ cơ sở thực tế, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, xây dựng quy chế quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hoá và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Theo dự thảo quy chế đang được chờ lấy ý kiến để thông qua, quy định này điều chỉnh việc sử dụng các phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hoá gia đình, kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, văn hoá tín ngưỡng, quảng cáo bằng âm thanh và các hình thức tương tự trên địa bàn tỉnh.

Ðối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân tổ chức hát nhạc sống, nhạc lễ tại cơ quan, đơn vị, nhà hàng ăn uống, quán cà phê - giải khát, tụ điểm ca nhạc cố định; hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc phục vụ các sinh hoạt khác như việc cưới, việc tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt khác; doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho thuê âm thanh, dàn nhạc sống, nhạc lễ (kể cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh); các cơ sở sản xuất, điểm kinh doanh, buôn bán cố định, buôn bán di động có sử dụng phương tiện phát âm thanh nhằm quảng cáo thu hút khách hàng.

Khi thực hiện kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng có sử dụng phương tiện phát âm thanh, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động với UBND cấp xã nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, hoặc nơi doanh nghiệp hộ kinh doanh đăng ký hộ khẩu thường trú.

Trong thời gian hoạt động, âm thanh phải bảo đảm không vượt quá giới hạn tiếng ồn và độ rung quy định tại QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT.

Người kinh doanh dịch vụ lẫn người sử dụng dàn âm thanh di động phải bảo đảm sự yên tĩnh chung tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp di quan lễ tang; không sử dụng âm thanh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ sau 22 giờ; không đặt, để các phương tiện phát âm thanh lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè gây cản trở giao thông.

Dự thảo quy chế này cũng đề xuất các mức, hình thức xử lý vi phạm trong hoạt động của loại hình dàn âm thanh di động, karaoke di động cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, tổ chức chính trị xã hội nhằm “lành mạnh hoá” hoạt động vui chơi giải trí nêu trên.

ÐÌNH CHUNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục