Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

NGƯỜI DÂN BAO NĂM MONG CHỜ

Ðời sống kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng phần lớn diện tích canh tác phụ thuộc vào… “nước trời”. Trong khi đó, hệ thống thuỷ lợi  trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, khi Dự án tưới tiêu vận hành sẽ phục vụ nước tưới cho gần 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất và cải thiện đời sống người dân vùng biên giới.

Từ nhiều năm qua, tình cảnh “vừa làm vừa trông nguồn nước” đã trở thành “chuyện bình thường” của những người nông dân các xã biên giới hai huyện Châu Thành và Bến Cầu. Nhất là vào mùa khô, không chỉ nước tưới nông nghiệp, ngay cả nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày cũng khan hiếm.

Chính vì thế, khi Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (Dự án tưới tiêu) khởi công vào cuối tháng 4.2018, người dân nơi đây rất đỗi vui mừng, từng ngày trông chờ dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, mang nguồn nước lòng hồ Dầu Tiếng tưới mát những cánh đồng biên giới.

Cũng theo ông Ðặng Thanh Hải, người dân các địa phương có dự án đi qua rất phấn khởi và hết lòng ủng hộ. Nhiều người dân sẵn sàng giao đất để đơn vị thi công sớm triển khai dù chưa được nhận tiền hỗ trợ, bồi thường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng với Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Ông Lê Việt Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bến Cầu cho biết, huyện có 72,5 ha đất của 42 hộ dân và 2 doanh nghiệp nằm trong quy hoạch tuyến kênh chính của dự án. Ðến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực tuyến kênh chính cơ bản đã thực hiện xong (còn khoảng hơn 21,7 ha của Vinamilk, đã được UBND huyện phê duyệt phương án với số tiền 3,1 tỷ đồng, dự kiến sẽ chi trả trong nửa đầu tháng 12.2019).

Ðối với hạng mục kênh cấp I với 6 tuyến tổng chiều dài 13km, diện tích đất thu hồi và đền bù là 17 ha của 175 hộ dân, Trung tâm đã hoàn thành công tác tổ chức điều tra, kiểm đếm, khảo sát và lấy ý kiến về mức giá bồi thường với sự đồng thuận của tất cả hộ dân.

Hiện huyện Bến Cầu đang trình UBND tỉnh phê duyệt phương án mức giá bồi thường, dự kiến thực hiện chi trả trong cuối tháng 12.2019 và đầu tháng 1.2020 hoàn thành để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh.

Trên địa bàn huyện Bến Cầu hiện có một số trạm bơm phục vụ nước tưới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diện tích đất nông nghiệp khu vực biên giới thuộc bốn xã gồm Long Phước, Long Chữ, Long Giang và Long Khánh thường xuyên thiếu hụt nước tưới vào mùa khô, khiến việc canh tác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, khi dự án tưới tiêu hoàn thành sẽ bảo đảm nguồn nước tưới đầy đủ cho người dân thâm canh sản xuất, nâng cao đời sống.

SẼ ÐỔI THAY MỘT VÙNG BIÊN GIỚI

Ông Ngô Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết, trên địa bàn xã đã được đầu tư trạm bơm Long Phước A, cung cấp nước tưới cho khoảng 650 ha đất nông nghiệp. Hiện nay, vẫn còn hơn 1.500 ha đất sản xuất thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô.

Chính vì vậy, người dân thường chỉ canh tác 1 vụ lúa, thời gian còn lại trong năm sẽ canh tác những loại cây trồng chịu hạn, cần ít nước như mía, mì, bắp... Dự kiến, khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới đầy đủ cho khoảng 1.500 ha còn lại của xã, góp phần giúp người dân tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Nhìn tuyến kênh tưới của Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông đang dần hình thành, anh Kha Minh Thắng, nông dân ngụ ấp Phước Trung, xã Long Phước (huyện Bến Cầu) cho biết, người dân ở đây rất vui vì sắp tới, khi tuyến kênh đi vào hoạt động, nông dân sẽ không còn trông chờ vào nước mưa hay phải chắt mót từng chút nước đọng của mương nước ven đường một cách vất vả nữa.

Những đoạn máng đang được tập trung thực hiện trước Tết Nguyên đán 2020.

Ông Thành, một nông dân tại ấp Thành Tây, xã Thành Long (huyện Châu Thành) canh tác hơn 3 ha mì chia sẻ, những năm gần đây, các giếng khoan trên địa bàn thường xuyên hụt nước. Nhiều diện tích mía, mì thiếu nước tưới nên chậm lớn, thậm chí chết khô. Nhiều hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Ðể khắc phục tình trạng trên, ngoài việc tăng độ sâu của giếng khoan, nhiều người phải tìm cách đào âm xuống mặt đất hơn 2m để đặt máy bơm mới bơm được nước, nhưng cũng "khi có khi không". Do đó mà hiệu quả sản xuất rất hạn chế, may mắn lắm mới có lời chút ít gọi là “lấy công làm lời”, còn không thì thua lỗ khiến nhiều hộ phải lao đao.

“Tôi hy vọng dự án này sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, chắc chắn việc sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây sẽ đỡ vất vả hơn. Người dân có thể mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Thành nói thêm.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông là dự án công trình thuỷ lợi cấp II, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, được UBND tỉnh phê duyệt và chính thức khởi công ngày 30.4.2018, chia thành 14 gói thầu xây lắp với tổng giá trị là 671 tỷ đồng.

Tuyến máng dẫn nước đoạn qua xã Hảo Đước cơ bản hình thành.

Ðến nay, có 13/14 gói thầu đã được triển khai thi công, đạt trên 40% khối lượng của dự án. Ðể bảo đảm tiến độ dự án hoàn thành đúng kế hoạch, phía Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp với các địa phương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nếu từ nay đến tháng 2.2020, các địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công, thì phía Ban Quản lý dự án sẽ cố gắng thực hiện hoàn thành dự án trong năm 2021, sớm hơn kế hoạch đề ra (năm 2022).

MINH DƯƠNG