Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đức: Liên minh "bất đắc dĩ" thành hình
Thứ sáu: 21:25 ngày 09/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bốn tháng kể từ cuộc bầu cử, Berlin cuối cùng đã tiến gần hơn tới thành lập một Chính phủ mới.

Sau đàm phán cuối cùng kéo dài hơn 20 tiếng ngày 6/2, Chủ tịch các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã đạt được thỏa thuận chung về “Đại liên minh”. Văn bản dài 177 trang này sẽ là nền tảng cho Chính phủ tương lai của Đức trong 4 năm tới.

Lãnh đạo đảng ba đảng lớn của Đức phát biểu sau cuộc đàm phán cuối cùng ngày 7/2. (Nguồn: Reuters)

Sự tiếp nối mở rộng

Một mấu chốt trong bản dự thảo này là yêu cầu của SPD về cấm tùy ý sử dụng hợp đồng lao động ngắn hạn, duy trì sự cân bằng giữa bảo hiểm y tế công và tư, cũng như một chính sách tự do hơn về nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình. Trên thực tế, SPD chỉ thành công trong điều kiện đầu tiên, khi CDU/CSU đã không nhượng bộ ở hai vấn đề còn lại.

Tuy nhiên, đảng này cũng giành được một số ghế trong nội các mới. Theo đó, ông Martin Schulz, dù phải đối mặt với nhiều thách thức ngay trong nội bộ đảng, sẽ đảm nhận cương vị Ngoại trưởng. Một nhân vật khác là ông Olaf Scholz, Thị trưởng Hamburg, sẽ trở thành Bộ trưởng Tài chính của chính quyền mới. SPD cũng sẽ có lãnh đạo đứng đầu Bộ Luật pháp và Gia đình.

Đây là tín hiệu tốt cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi SPD có lập trường giống Paris về giải quyết vấn đề mất cân bằng tài chính trong khu vực Eurozone, cũng như cam kết tiếp tục hội nhập trong liên minh tiền tệ này. Dẫu vậy, tuy sự phân bổ thành viên nội các lần này có phần tương tự với Chính phủ đầu tiên của bà Merkel năm 2005, giờ đây SPD đã không còn giành được ưu thế như trước nữa.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng CSU Horst Seehofer sẽ đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức, với nhiệm vụ mở rộng là quản lý cả vấn đề an ninh nội địa. Peter Altmaier, một đồng minh quyền lực khác của bà Merkel dự kiến sẽ tiếp quản Bộ Doanh nghiệp.

Do đó, thỏa thuận này có thể được tóm gọn lại là một sự “tiếp nối mở rộng”, với việc tăng cường chăm sóc trẻ em và phúc lợi xã hội, giảm thuế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng Internet, tiến tới đảm bảo quyền được sử dụng Internet vào năm 2025.

Trong khi ưu tiên của SPD, ngoài chăm sóc sức khỏe, chủ yếu tập trung vào các vấn đề xã hội, CDU/CSU hướng sự chú ý của mình vào an ninh nội địa và quốc gia. Lượng người nhập cư đến Đức sẽ được kiểm soát ở mức 180.000 – 220.000 người, còn nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình sẽ ở con số 1.000 đơn/tháng, cộng thêm những trường hợp đặc biệt khó khăn. Ngân sách quốc phòng của Đức cũng dự kiến có mức tăng nhẹ thời gian tới.

Đức sẽ tiếp tục giữ vai trò cốt lõi trong EU - Ảnh minh họa.

Một trong những lĩnh vực thay đổi lớn thời gian tới sẽ liên quan đến vai trò của Đức trong Liên minh châu Âu (EU). Chương “Một hành trình mới cho châu Âu!”, có lẽ được chắp bút bởi ông Schulz, cam kết Đức sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Pháp và các nước khác trên phương diện quốc phòng và nhập cư, đồng thời đóng góp thêm vào ngân sách EU.

Bên cạnh đó, Berlin sẽ ủng hộ tăng cường quyền lực cho Nghị viện châu Âu (EP) và cải tổ Cơ chế Bình ổn châu Âu (EMS) trở thành một Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) dựa theo luật Công đoàn và nằm dưới sự kiểm soát của Nghị viện.

Đây đều là những bước tiến chậm mà chắc của Đức hướng về nghị trình mà ông Macron từng đề cập. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào sự phát triển của EU thời gian tới, đặc biệt là khi vấn đề then chốt như công đoàn ngân hàng chưa được đề cập.

Bộ trưởng Tài chính tương lai Scholz được đánh giá là “hiền” hơn so với người tiền nhiệm Wolfgang Schauble, do đó khó có thể hình dung được ông sẽ ủng hộ quá trình đẩy Hy Lạp ra khỏi Eurozone, nhưng “bản năng” của ông là không khác mấy so với những nhà lãnh đạo Chính phủ lâu năm như Thủ tướng Merkel.

Khó khăn đón chờ

Tuy nhiên, tất cả những đồn đoán này sẽ chưa thành sự thực nếu không nhận được sự tán thành của 464.000 đảng viên SPD về việc tham gia liên minh. Những lá phiếu đã sớm được phát hành và kết quả sẽ có vào ngày 4/3, nhưng sự chia rẽ trong nội bộ đảng đang khiến cho cuộc bầu chọn lần này trở nên gay cấn hơn.

Nhiều người trong SPD đã mệt mỏi với việc ở thế yếu trong liên minh với bà Merkel. Những thành viên trẻ tuổi thậm chí còn mở một chiến dịch vận động nhằm nói “không” với chính quyền liên minh, thu hút được 24.000 người.

Chủ tịch SPD Martin Schulz phát biểu tại Đại hội đảng SPD ngày 21/1. (Nguồn: EPA-EFE)

Nếu nội bộ SPD bỏ phiếu từ chối liên minh, thỏa thuận sẽ đổ vỡ và bà Merkel sẽ phải thành lập một Chính phủ thiểu số, hay thậm chí là từ bỏ vị trí lãnh đạo. Nhưng ngay cả khi đảng viên SPD đồng ý xây dựng liên minh, cảm giác về sự bất định sẽ tiếp tục ám ảnh chính trường Đức.

Căng thẳng trong việc tìm kiếm thỏa thuận đã làm bộc lộ những điểm yếu trong thế hệ lãnh đạo hiện nay: Bà Merkel, ông Seehofer và ông Schulz đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ kết quả bầu cử bi quan hồi tháng 9/2017 và đang hướng tới kết thúc sự nghiệp chính trị của mình tương lai gần, với một thế hệ trẻ đang chờ kế cận.

Hơn nữa, Chính phủ mới có thiểu số ít hơn nhiều so với Chính phủ tiền nhiệm và phải đối mặt với đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), phe đối lập lớn nhất trong Quốc hội Đức. Cả hai bên của liên minh đều mong muốn đối thoại giải quyết bất đồng nhằm duy trì bản sắc của mình.

Ngay cả khi đang thương thuyết, các phe đã tính đến triển vọng cho cuộc bầu cử sắp tới và nhiều khả năng sẽ duy trì quan điểm này trong thời gian cầm quyền.

Một số thì băn khoăn rằng, liệu những kế hoạch cho chính quyền liên minh trong năm tiếp theo sẽ bàn về khoảnh khắc “hạ màn” của bà Merkel, kéo theo một cuộc bầu cử mới.

Do đó, thỏa thuận mà CDU/CSU đạt được với SPD vẫn chỉ là “chất keo” tạm thời, kết nối những mảnh của chính trường Đức qua cơn bĩ cực.

Nguồn baoquocte 

Tin cùng chuyên mục