Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chính phủ nhiều quốc gia đang có những hành động buộc Facebook phải nghiêm túc hơn trong vấn đề tôn trọng luật pháp nước sở tại.
Một tòa án tại Đức vừa ra phán quyết phủ nhận tính hợp pháp của chính sách dùng tên thật trên Facebook. Theo đó, phán quyết này cho rằng người dùng có quyền đăng ký sử dụng dịch vụ dưới dạng bút danh. Đây là kết quả của vụ kiện Facebook do Liên đoàn các tổ chức người tiêu dùng Đức khởi xướng.
Facebook cho biết sẽ nộp đơn kháng cáo phán quyết này. Mặc dù vậy, mạng xã hội của tỷ phú Mark Zuckerberg cũng để ngỏ khả năng sẽ thay đổi chính sách nhằm thích nghi với các điều luật về tính riêng tư của Liên minh Châu Âu EU.
“Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo các nguyên tắc dễ hiểu, rõ ràng. Các dịch vụ được cung cấp bởi Facebook hoàn toàn phù hợp với luật pháp”, người phát ngôn của Facebook chia sẻ.
Theo Liên đoàn các tổ chức người tiêu dùng Đức, tòa án đã phát hiện ra chính sách tên thật của Facebook là cách mà mạng xã hội này có được danh tính thật người dùng của họ. Điều này nhiều khi đi ngược lại với mong muốn của bản thân người dùng.
Ngoài ra, Facebook cũng không cung cấp những sự lựa chọn rõ ràng với các thiết lập mặc định. Trong đó có việc chia sẻ vị trí và các điều khoản cho phép Facebook sử dụng thông tin hình ảnh, tiểu sử người dùng cho mục đích thương mại, tài trợ.
Tuy nhiên trong nội dung phán quyết, Facebook chiếm ưu thế ở việc các dịch vụ cung cấp trên mạng xã hội này là hoàn toàn miễn phí. Thay vì bỏ tiền, người dùng sẽ phải trả phí bằng chính các dữ liệu cá nhân của mình. Đây là một trong những điều mà Liên đoàn các tổ chức người tiêu dùng Đức cho là ảnh hưởng đến quyền riêng tư và sẽ kháng cáo.
Mặc dù cả phía người dùng và Facebook đều không thực sự hài lòng, phán quyết này vẫn là một tin vui đối với đại đa số người dùng mạng xã hội. Facebook sẽ phải thắt chặt hơn nữa chính sách chia sẻ dữ liệu cá nhân của mình. Chính sách này thường mang lại lợi ích cho Facebook hơn là những người sử dụng dịch vụ của họ.
Facebook đang gặp vấn đề với điều luật về quyền riêng tư của Liên minh Châu Âu EU. Đây là thị trường có luật pháp khắt khe hơn nhiều so với Mỹ. Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã tích cực chủ động làm việc với Facebook về việc thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc và các thông tin vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.
Kết quả là Facebook đã thiết lập một kênh riêng với Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Facebook cam kết sẽ phối hợp cùng Bộ TT&TT trong việc gỡ bỏ thông tin giả danh và tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là tài khoản giả mạo các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân.
Với sự tác động từ chính phủ các nước, Facebook có thể sửa đổi các nguyên tắc của mình tại một số thị trường. Điều này không chỉ có lợi với người dùng châu Âu mà còn tạo tiền lệ cho các thị trường khác trên toàn cầu.
Nguồn vietnamnet(Theo TheVerge)